Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 20/09/2024 | 21:34 GMT+7

Tin hoạt động

Áp dụng sản xuất sạch hơn trong ngành chế biến thủy sản tại tỉnh Tiền Giang

19/11/2014

Việt Nam bước đầu áp dụng SXSH từ năm 1996, trải qua gần 3 thập niên, SXSH đã thể hiện được tính hiệu quả trong việc nâng cao hiệu suất kinh tế của doanh nghiệp và góp phần đáng kể trong việc bảo vệ môi trường. Từ những lợi ích SXSH đem lại và tiềm năng áp dụng vào ngành chế biến thủy sản, Sở Công Thương Tiền Giang nhận thấy rằng việc triển khai áp dụng SXSH là một nhu cầu cấp bách và hướng đi thiết thực cho các doanh nghiệp chế biến thủy sản của tỉnh Tiền Giang. Hơn nữa, việc áp dụng SXSH cần có những mô hình trình diễn của các doanh nghiệp điển hình trong ngành chế biến thủy sản, để các doanh nghiệp (cùng ngành nghề hoặc tương tự thuộc ngành chế biến) học hỏi, tiếp thu và ứng dụng kinh nghiệm, thực hiện và nhân rộng mô hình áp dụng SXSH trên toàn tỉnh. Trên cơ sở đó, được sự cho phép của Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Công Thương Tiền Giang đã triển khai thực hiện đề tài “Đánh giá hiện trạng ô nhiễm và xử lý chất thải – xây dựng mô hình áp dụng sản xuất sạch hơn tại 3 doanh nghiệp chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh Tiền Giang”. Thành công của đề tài sẽ giúp cho các cơ quan quản lý của tỉnh có thêm công cụ đánh giá hiện trạng ô nhiễm và giải quyết giảm thiểu ô nhiễm, có mô hình trình diễn một cách bài bản về áp dụng SXSH của 3 doanh nghiệp chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh, đề xuất chính sách pháp luật và thể chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nói chung để bảo đảm các doanh nghiệp hoạt động và phát triển bền vững.

Mục tiêu của đề tài:
  • Khảo sát, đánh giá hiện trạng ô nhiễm và xử lý chất thải của ngành chế biến thủy sản tại Tiền Giang (30 doanh nghiệp chế biến thủy sản).
  • Lựa chọn 05 doanh nghiệp chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh có tiềm năng áp dụng sản xuất sạch hơn (SXSH) và thực hiện đánh giá SXSH.
  • Hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn SXSH tại 03 doanh nghiệp chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.
Các phương pháp nghiên cứu:

- Phương pháp thu thập, kế thừa tài liệu.
- Phương pháp điều tra, khảo sát thực địa.
- Phương pháp lấy mẫu và phân tích.
- Phương pháp phân tích hệ thống và tổ hợp hệ thống.
- Phương pháp thống kê.
- Phương pháp chuyên gia.

Kết quả triển khai đề tài:

1. Quy trình thực hiện đánh giá SXSH: bao gồm 6 bước và 18 nhiệm vụ.

Bước 1: Khởi động
  • Nhiệm vụ 1: Thành lập nhóm đánh giá SXSH
  • Nhiệm vụ 2: Phân tích các công đoạn và xác định lãng phí

Bước 2: Phân tích các công đoạn sản xuất
  • Nhiệm vụ 3: Chuẩn bị sơ đồ dây chuyền sản xuất
  • Nhiệm vụ 4: Cân bằng nguyên nhiên vật liệu
  • Nhiệm vụ 5: Xác định chi phí của dòng thải
  • Nhiệm vụ 6: Xác định các nguyên nhân của dòng thải

Bước 3: Đề ra các giải pháp sản xuất sạch hơn
  •   Nhiệm vụ 7: Đề xuất các cơ hội SXSH
  •   Nhiệm vụ 8: Lựa chọn các cơ hội có thể thực hiện được

Bước 4: Chọn lựa các giải pháp sản xuất sạch hơn
  •  Nhiệm vụ 9: Phân tích tính khả thi về kỹ thuật
  •  Nhiệm vụ 10: Phân tích tính khả thi về kinh tế
  •  Nhiệm vụ 11: Tính khả thi về môi trường
  •  Nhiệm vụ 12: Lựa chọn các giải pháp thực hiện

Bước 5: Thực hiện các giải pháp sản xuất sạch hơn
  •    Nhiệm vụ 13: Chuẩn bị thực hiện
  •    Nhiệm vụ 14: Thực hiện các giải pháp giảm thiểu chất thải
  •    Nhiệm vụ 15: Quan trắc và đánh giá các kết quả
Bước 6: Duy trì sản xuất sạch hơn
  •   Nhiệm vụ 16: Duy trì SXSH
  •   Nhiệm vụ 17: Xác định và chọn ra các công đoạn gây lãng phí mới
  •   Nhiệm vụ 18: Các yếu tố đóng góp cho sự thành công của chương trình SXSH.

2. Kết quả thực hiện SXSH tại Công ty Cổ phần Nông thủy sản Việt Phú
  • Nhóm đánh giá SXSH tập trung vào quy trình công nghệ chế biến cá tra đông lạnh, xác định các nguyên nhân gây thải, lãng phí và đề xuất 30 giải pháp SXSH.
  • Công ty đã lựa chọn thực hiện 01 giải pháp “Thay thế các ballast sắt từ có hiệu suất kém trong các bộ đèn huỳnh quang hiện hữu bằng ballast điện tử có hiệu suất cao”.
  • Phân tích chi phí – lợi ích giải pháp thay Ballast sắt từ bằng Ballst điện tử
Hiện trạng: Công ty sử dụng bộ đèn T8 (đèn đơn) – ballast sắt từ trong các phân xưởng chế biến, ví trí bố trí các đèn chưa hợp lý.

Đề xuất giải pháp: Thay thế bộ đèn T8 (đèn đơn) – ballast sắt từ thành bộ đèn T8 (máng đèn inox thiết kế lắp 2 bóng) – ballast điện tử trong các phân xưởng chế biến, bố trí lại vị trí các bộ đèn cho hợp lý.

  
 Hiện trạng lắp đặt đèn của phân xưởng trước khi thực hiện giải pháp SXSH Hiện trạng lắp đặt bộ đèn của phân xưởng sau khi thực hiện giải pháp SXSH
Chi phí đầu tư: 24.710.400 đồng.
Hiệu quả:
+ Giảm tiêu thụ điện năng: 30.126,7 Kwh/năm.
+ Giảm thải khí CO2: 12.442,3 kg CO2/năm
+ Thời gian hoàn vốn 6,6 tháng.

3. Kết quả thực hiện SXSH tại Công ty CP Chế biến thực phẩm xuất khẩu Vạn Đức Tiền Giang
Nhóm đánh giá SXSH tập trung vào quy trình công nghệ chế biến cá tra đông lạnh, xác định các nguyên nhân gây thải, lãng phí và đề xuất 33 giải pháp SXSH.

Công ty đã lựa chọn thực hiện 02 giải pháp:

- Lắp biến tần (VSD) điều khiển cho bơm nước nóng vào xưởng chế biến cá fillet
- Thay bóng đèn sợi đốt 250W thành bóng compact 50 W.   

a. Phân tích chi phí – lợi ích giải pháp lắp đặt biến tần bơm nước nóng: (lượng nguyên liệu đầu vào trung bình dao động từ 80 - 90 tấn cá tra /ngày)

Hiện trạng: Công ty dùng 02 bơm có công suất 5,5 kWh hoạt động luân phiên nhau (trong đó 01 bơm hoạt động và 01 bơm dự phòng) để cung cấp nước nóng cho phân xưởng chế biến cá fillet. Tuy nhiên, việc dùng van bypass để điều khiển lưu lượng nước nóng cũng như áp suất gây lãng phí điện.

  
 Bơm nước nóng và đường ống bypass cung cấp nước cho xưởng chế biến fillet Thiết bị biến tần điều khiển bơm nước nóng vào xưởng chế biến cá fillet

Đề xuất giải pháp: Lắp biến tần (VSD) điều khiển cho bơm nước nóng vào phân xưởng chế biến cá fillet (vệ sinh thiết bị, dụng cụ), khóa nhánh tuần hoàn về bồn chứa. Lắp thêm 1 cảm biến áp suất trên đường ống chính cài đặt áp xuất max-min cho biến tần điều khiển bơm. Biến tần sẽ thay thế cho van bypass bằng cách lấy tính hiệu áp suất đường ống đẩy để điều khiển bơm.

Chi phí đầu tư: 25.025.000 đồng.
Hiệu quả:

+ Giảm tiêu thụ điện năng: 3.672 kWh/năm tương ứng tiết kiệm 5.449.248 đồng/năm.
+ Giảm thải khí CO2: 1.516,53 kg CO2/năm
+ Thời gian hoàn vốn 4,59 năm.

b. Phân tích chi phí – lợi ích giải pháp ‘Thay bóng đèn sợi đốt 250W thành bóng compact 50 W”
Hiện trạng: Công ty sử dụng đèn sợi đốt 250W chiếu sáng các khu vực kho, phân xưởng chế biến bột cá, khu xử lý nước thải và nước cấp, khu vực xuất thành phẩm, đèn đường…

Đề xuất giải pháp: Thay bóng đèn sợi đốt 250W thành bóng compact 50 W.

Chi phí đầu tư: 12.300.000 đồng.
Hiệu quả:

+ Giảm tiêu thụ điện năng: 3.672 kWh/năm tương ứng tiết kiệm 75.862.080 đồng/năm.
+ Giảm thải khí CO2: 21.112,56 kg CO2/năm
+ Thời gian hoàn vốn 1,94 năm.

4. Kết quả thực hiện SXSH tại Công ty TNHH MTV Li Chuan Food Products (Việt Nam)
Nhóm đánh giá SXSH tập trung vào quy trình công nghệ chế biến nạc cá (surimi), chế biến sản phẩm hàng mô phỏng,để xác định các nguyên nhân gây thải, lãng phí và đề xuất 29 giải pháp SXSH.

Công ty đã lựa chọn thực hiện 02 giải pháp:

- Bảo ôn đường ống dẫn hơi và hệ thống phân phối hơi
- Lắp biến tần cho bơm nước lạnh vào xưởng sản xuất.

a. Phân tích chi phí – lợi ích giải pháp bảo ôn đường ống dẫn hơi và hệ thống phân phối hơi:
Hiện trạng: Hệ thống dẫn hơi của nhà máy chưa được bảo ôn dẫn đến thất thoát hơi gây tổn thất năng lượng. Theo khảo sát, hệ thống đường ống dẫn hơi được bảo ôn một số đoạn nhưng đã cũ và còn phần lớn chưa được bảo ôn gây thất thoát nhiệt trên 1m ống trong thời gian vận hành lò hơi khoảng 333 W/h.
  
 Ống dẫn hơi chưa được bảo ônỐng đã bảo ôn nhưng đã cũ

Đề xuất giải pháp: Tiến hành bảo ôn cách nhiệt đường ống phân phối hơi nhằm giảm thất thoát nhiệt ra môi trường xung quanh bằng các vật liệu cách nhiệt (sử dụng các vật liệu cánh nhiệt như sợi thuỷ tinh hoặc bông gốm - Ceramic). Nhiệt độ bề mặt ống được cách nhiệt sẽ giảm xuống, với nhiệt độ bề mặt bình giảm còn 400C thì nhiệt thất thoát giảm còn  67 W/h.

  
 Bảo ôn đường ống từ lò hơi dẫn vào phân xưởng sản xuất hàng mô phỏng Bảo ôn đường ống dẫn hơi cung cấp cho máy chiên, máy luộc trong xưởng hàng mô phỏng

Chi phí đầu tư: 27.149.320 đồng.

Hiệu quả:

+ Giảm tiêu thụ dầu DO: 756 lít/năm tương ứng tiết kiệm 17.251.920 đồng/năm.
+ Giảm thải khí CO2: 2.162,16 kg CO2/năm
+ Thời gian hoàn vốn 18,8 tháng.

b. Phân tích chi phí – lợi ích giải pháp “Lắp biến tần cho bơm nước lạnh vào xưởng sản xuất”

Hiện trạng: Nhà máy dùng 01 bơm có công suất 3,7 kW để cung cấp nước liên tục 10 giờ cho nhà máy sản xuất. Tuy nhiên, việc dùng van bypass để điều khiển lưu lượng nước cấp là rất lãng phí điện (vào thời điểm khảo sát thì van bypass mở khoảng 100%).

Đề xuất giải pháp: Dùng biến tần để thay cho van bypass để điều khiển hoạt động của bơm nước cấp (Biến tần lấy tính hiệu áp suất đường ống đẩy để điều khiển bơm).

  
 Hiện trạng hoạt động của bơm cấp nước xưởng sản xuất Lắp thiết bị biến tần

Chi phí đầu tư: 9.603.000 đồng.
Hiệu quả:

+ Giảm tiêu thụ điện: 10.920 kWh/năm tương ứng tiết kiệm 16.205.280 đồng/năm.
+ Giảm thải khí CO2: 4.509,96 kg CO2/năm
+ Thời gian hoàn vốn 7,1 tháng.

Kết luận

Sản xuất sạch hơn đã được Sở Công Thương Tiền Giang tích cực triển khai tới các doanh nghiệp qua các phương tiện như website, đài truyền hình, các hội thảo, tập huấn nâng cao nhận thức.

Các kết quả thực hiện SXSH tại 03 Công ty nêu trên đã đạt được các mục tiêu của đề tài. SXSH không chỉ mang lại lợi ích từ việc tiết kiệm năng lượng sử dụng, giảm phát thải, giảm lượng nước tiêu thụ mà còn giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo tiền đề tăng sức cạnh tranh cho đầu ra của sản phẩm, khẳng định uy tín của doanh nghiệp trên thị trường.

Trong thời gian sắp tới, Sở  Công Thương Tiền Giang tiếp tục thúc đẩy và nhân rộng hơn nữa các mô hình SXSH thành công./.

Nguyễn Văn Công – PGĐ Sở Công Thương Tiền Giang