Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ bảy, 21/09/2024 | 03:27 GMT+7

Tin hoạt động

Tiền Giang: Hướng đến sản xuất sạch hơn trong công nghiệp

11/05/2011

Khái niệm sản xuất sạch hơn còn tương đối mới mẻ đối với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Theo Tiến sĩ Nguyễn Viết Hùng, sản xuất sạch hơn là việc áp dụng liên tục chiến lược phòng ngừa tổng hợp về môi trường vào quá trình sản xuất, sản phẩm và dịch vụ nhằm nâng cao hiệu suất sinh thái và giảm thiểu rủi ro cho con người và môi trường. Đối với quá trình sản xuất, sản xuất sạch hơn bao gồm bảo toàn tuần hoàn nguyên liệu và năng lượng, loại trừ các nguyên liệu độc hại, giảm lượng và tính độc hại của tất cả các chất thải nguy hại tại nguồn thải. Đối với sản phẩm bao gồm việc giảm các ảnh hưởng tiêu cực trong suốt vòng đời của sản phẩm, từ khâu thiết kế đến khâu thải bỏ. Riêng các dịch vụ, sản xuất sạch hơn là đưa các yếu tố về môi trường vào trong thiết kế và phát triển các dịch vụ. Nói tóm lại, sản xuất sạch hơn trong sản xuất công nghiệp là giảm thiểu lượng chất thải phát sinh, nâng cao hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường.

Sản xuất sạch hơn trong các doanh nghiệp công nghiệp được áp dụng ở Việt Nam khoảng 15 năm trở lại đây, tuy nhiên số lượng thực tế áp dụng chỉ khoảng 400 doanh nghiệp, mặc dù hiệu quả của chương trình này mang lại là không nhỏ.

Trên địa bàn Tiền Giang cũng chỉ có 2 doanh nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn và có được những kết quả ban đầu. Đại diện Công ty TNHH Đại Thành, chuyên chế biến cá tra xuất khẩu (xã Song Thuận, Châu Thành) cho biết, trong 2 năm 2009-2010 được sự hỗ trợ của Sở Công Thương và hướng dẫn của các chuyên gia tư vấn, Công ty đã thực hiện sản xuất sạch hơn tại nhà máy theo các bước: Thu gom chất thải rắn trước khi dội rửa, sử dụng vòi nước áp lực có tay bóp; lắp đặt hệ thống đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời đến 60-70oC; thay lưới chắn rác bằng thiết bị cào rác tự động có lổ nhỏ trong hố thu gom rác; xây dựng định mức sử dụng nước đá cho sản xuất; đầu tư dây chuyền sản xuất bột cá, dầu cá để tận thu phế phẩm; tuần hoàn nước thải vì hiện tại nước thải của nhà máy sau khi xử lý đạt QCVN11:2008-A và thải trực tiếp ra sông...

Từ những bước thay đổi này đã giúp cho Công ty TNHH Đại Thành đạt được nhiều hiệu quả quan trọng. Các giải pháp giảm tiêu thụ nước đã giúp Công ty giảm đáng kể lưu lượng của dòng thải cần xử lý, có thể giảm được 90 m3/ngày đối với nước sạch sản xuất. Công ty đầu tư một khoản kinh phí rất ít để thiết lập hệ thống kiểm soát sản xuất, không những giúp công tác quản lý năng lượng được hiệu quả hơn mà còn giúp tiết kiệm một khoản chi phí từ việc tiết kiệm năng lượng, khoảng 334,6 triệu đồng/năm. "Sau khi áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn, lưu lượng và nồng độ các chất ô nhiễm trong nước thải giảm đáng kể, làm giảm tải cho hệ thống xử lý, giúp tiết kiệm hóa chất sử dụng, tiết kiệm điện năng vận hành hệ thống. Bên cạnh đó, khu vực chứa chất thải rắn không còn gây mùi do đã sử dụng ngay lập tức như là nguồn nguyên liệu đầu vào cho xưởng sản xuất bột cá, góp phần giảm mùi hôi ở khu vực này", lãnh đạo Công ty TNHH Đại Thành cho biết.

HTX Chế biến thức ăn chăn nuôi Bình Minh là đơn vị đầu tiên trên địa bàn tỉnh được Sở Công Thương và các chuyên gia tư vấn sản xuất sạch hơn của Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, Viện Kỹ thuật Nhiệt đới và Bảo vệ môi trường hỗ trợ và hướng dẫn nhiều giải pháp thực hiện. Ông Lê Minh Ảnh, Chủ nhiệm HTX cho biết, HTX đã thực hiện thay đổi một số bước công việc: Tận dụng tối đa giờ sản xuất bình thường để tránh sản xuất vào giờ cao điểm nhằm giảm chi phí điện năng tiêu thụ; bảo trì các thiết bị lọc bụi tay áo ở trong dây chuyền sản xuất và gần vị trí nhập nguyên liệu; thiết kế máng nhập liệu và miệng nhập phụ gia một cách khoa học và kín đáo hơn, tránh lượng bụi thất thoát; cải tiến nâng cao hiệu suất của lò hơi bằng cách lắp biển tần cho quạt cấp gió cho lò có công suất 7,5Kw; cải tạo hệ thống chiếu sáng, thông gió... "Các giải pháp giảm tiêu thụ điện đã giúp giảm chi phí sản xuất 28,29 đồng/kg sản phẩm. Sau khi áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn, nồng độ các chất gây ô nhiễm trong không khí trong xưởng sản xuất giảm đáng kể. Điều này đã làm giảm tải cho hệ thống thiết bị lọc bụi tay áo, giúp tiết kiệm điện năng sử dụng, kéo dài tuổi thọ thiết bị. Bên cạnh đó, lượng bụi giảm làm giảm phát tán ra không khí xung quanh, góp phần cải thiện môi trường lao động", ông Lê Minh Ảnh cho biết.

Sản xuất sạch hơn tuy còn tương đối mới mẻ đối với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhưng theo ông Nguyễn Văn Công, Phó Giám đốc Sở Công Thương, đây là một trong những bước đi chiến lược cho các doanh nghiệp. Nó không chỉ giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất, khả năng cạnh tranh và góp phần giảm thiểu môi trường mà còn phù hợp lộ trình thực hiện Kế hoạch sản xuất sạch hơn trong công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2015 của UBND tỉnh. Mục tiêu của kế hoạch này đến năm 2015 là: 50% cơ sở sản xuất nhận thức được lợi ích của việc áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp; 25% cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn; các cơ sở sản xuất áp dụng sản xuất sạch hơn tiết kiệm được 5-8% mức tiêu thụ năng lượng, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu trên đơn vị sản phẩm...

Theo kế hoạch này, Sở Công Thương sẽ hỗ trợ kỹ thuật về sản xuất sạch hơn tại các cơ sở công nghiệp theo các nhóm ngành: Chế biến thủy sản, chế biến thức ăn gia súc, chế biến thực phẩm đóng hộp...

Theo Tiến sĩ Nguyễn Viết Hùng, sản xuất sạch hơn áp dụng được cho mọi quy mô từ doanh nghiệp gia đình cho tới tập đoàn đa quốc gia; không đòi hỏi phải đầu tư nhiều tiền, chỉ cần doanh nghiệp có cam kết, quyết tâm thực hiện đúng quy trình và duy trì thường xuyên, cải tiến liên tục. "Với giá nguyên vật liệu, năng lượng và nước đang tăng lên, không công ty nào có thể chấp nhận sự lãng phí những tài nguyên đó dưới dạng chất thải", Tiến sĩ Nguyễn Viết Hùng cho biết.

Bài, ảnh: Thế Anh