Ô nhiễm môi trường tiếp tục gia tăng ở mức đáng lo ngại
04/01/2016
Tham dự khóa đào tạo tại tỉnh Bình Dương có đại diện lãnh đạo Sở Công thương tỉnh và 70 học viên đến từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa địa phương, một số doanh nghiêp có vốn đầu tư nước ngoài. Tỉnh Bình Dương hiện đang là một trong những tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, phát triển công nghiệp năng động của cả nước. Bình Dương có 28 khu công nghiệp và hầu hết các khu công nghiệp này nằm dưới sự kiểm soát của các ban quản lý các khu công nghiệp và cũng thu hút được nhiều các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động sản xuất kinh doanh tại địa phương.
Nằm trong vùng chuyển tiếp giữa miền Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, TP. Hồ Chí Minh có 19 quận và 5 huyện với tổng diện tích 2.095,01 km², nơi đây giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam và là thành phố đi đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng kinh tế và số lượng doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh. Đây cũng là một trong các điểm thuận lợi cho dự án trong việc triển khai hoạt động tập huấn tại TP. Hồ Chí Minh.Tham dự khóa đào tạo tại TP. Hồ Chí Minh có 100 học viên tham dự, tằng gần 43% so với kế hoạch ban đầu đề ra.
Tại 2 khóa tập huấn này, bên cạnh việc khuyến khích doanh nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn và quản lý chất thải vào thực tiễn, chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường và quản lý chất thải tại Việt Nam, khuôn khổ pháp lý quản lý chất thải nguy hại tại Việt Nam cũng đã được tập trung phổ biến. Theo Tiến sỹ Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng, Viện Chính sách và Tài nguyên và Môi trường, một trong hai giảng viên của khóa đào tạo cho biết vấn đề ô nhiễm môi trường từ các khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp hiện có xu hướng giảm, nhưng từ các khu vực khác chưa được giải quyết, thậm chí có chiều hướng gia tăng cả quy mô và mức độ. Các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng xử lý còn rất chậm; ô nhiễm làng nghề ngày càng nghiêm trọng; quản lý chất thải rắn còn nhiều yếu kém, chậm khắc phục, cải tạo ....là những nguyên nhân chính làm cho ô nhiễm ở nước ta tiếp tục gia tăng. Quản lý nhà nước còn nhiều bất cập, kết cấu hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường vẫn còn yếu kém, trong khi nguồn lực đầu tư của Nhà nước và doanh nghiệp là hạn chế.
Do vậy, để giúp nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên/năng lượng, cung cấp các cơ hội giảm chi phí nhờ giảm tổn thất, tăng cường tuần hoàn và tái sử dụng, góp phần bảo vệ môi trường, các doanh nghiệp nên chủ động áp dụng kỹ thuật sản xuất sạch hơn và quản lý chất thải vào trong doanh nghiệp càng sớm càng tốt, đây được xem là công cụ giúp hài hòa lợi ích kinh tế - môi trường - xã hội đối với doanh nghiệp, đặc biệt sản xuất sạch hơn là không khó làm, không tốn kém và hiệu quả mang lại là rõ ràng.