Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 08/11/2024 | 15:43 GMT+7

Tin hoạt động

Thái Nguyên: Triển khai bài bản chương trình SXSH tại Chi nhánh Chè Sông Cầu

18/04/2011

Khảo sát thực tiễn sản xuất

Chi nhánh sản xuất theo mùa vụ, bắt đầu từ tháng 5 và kết thúc vào cuối tháng 10. Từ nguyên liệu là chè búp tươi đưa về kho bảo quản, sau đó được phân loại, búp chè chất lượng tốt được đưa vào dây chuyền sản xuất chè xanh, búp chè còn lại kém chất lượng hơn được dùng cho dây chuyền sản xuất chè đen. Chè sơ chế được chuyển sang phân xưởng thành phẩm để sàng phân loại, đóng bao thành các loại chè khác nhau rồi chuyển sang kho bảo quản.

Năm 2009, sản lượng chè đen thành phẩm của Chi nhánh đạt 318,15 tấn và 9 tháng năm 2010 đạt 440 tấn; tương ứng, chè xanh Nhật Bản đạt 341,94 tấn và 320 tấn. Định mức tiêu thụ nguyên liệu, năng lượng đầu vào chủ yếu cho 1 tấn sản phẩm (tsp): Với chè đen là 4,45 tấn chè nguyên liệu tươi, 1,55 tấn than cám, 495 kWh điện; 1 tsp chè xanh Nhật Bản tiêu thụ 4,85 tấn chè nguyên liệu tươi, 235 lít dầu diezen, 22,5 kg gas, 510 kWh điện, 1,49 tấn than cục.

Qua khảo sát thực tế cho thấy, các thiết bị sản xuất của Chi nhánh đã cũ (đã sử dụng trên 20 năm), đặc biệt là trong dây chuyền sản xuất chè đen. Do đó, hiệu suất của máy móc thiết bị sản xuất tương đối thấp, gây tiêu hao năng lượng lớn. Khí thải nhà máy chủ yếu sinh ra từ đốt than và hơi nước, mùi từ chè sấy. Trong khu vực sản xuất, lượng bụi chè phát sinh từ các khâu như sàng, sấy... phát tán trong không khí, bám dính lên máy móc do hệ thống hút bụi công suất còn thấp (14kW). Chất thải rắn, chủ yếu là xỉ than, lượng xỉ than này được đổ trực tiếp ra ngoài bãi trống không có che chắn. Khu vực sản xuất ồn, thiếu ánh sáng ở phân xưởng thành phẩm. Nhiệt độ tại khu sấy và thành phẩm còn cao. Sàn nhà xưởng và máy móc còn bụi bẩn. Hiện tại, Chi nhánh hầu như không có các thiết bị kiểm soát ô nhiễm. Chi nhánh đã cải tiến hệ thống ống khói từ các lò than để hạn chế bụi than từ các lò đốt ra ngoài môi trường, tuy nhiên chưa có đánh giá cụ thể hiệu quả của hệ thống này.

Phân tích nguyên nhân tổn thất

Nhận thức được lợi ích từ SXSH, Chi nhánh đã thành lập Đội SXSH gồm 15 người, phân tích các nguyên nhân gây ra tổn thất về nguyên, nhiên liệu. Đội SXSH đã nhận ra rằng:

Các hạn chế như chè rơi vãi là do chảy dầu bôi trơn làm bẩn và không thu hồi được sản phẩm; tốc độ chuyển động của các băng tải và lượng nguyên liệu xuất ra không phù hợp; các khay chứa hoặc bao tải chứa nguyên liệu để không ngay ngắn và cách vòi rót quá xa. Vụn, bụi chè bay ra môi trường trong khâu xử lý thành phẩm, do không có hệ thống lọc bụi và thu hồi bụi chè; miệng các bao tải chứa chè cách các vòi rót quá xa.


Bụi chè bám dính vào động cơ

Tổn hao than còn lớn do kho chứa không có mái che, không có tường chắn và hệ thống thoát nước; kỹ thuật đốt lò còn kém, trách nhiệm công nhân đốt lò chưa cao; bảo ôn các kênh dẫn khí nóng và vỏ các thiết bị nhiệt không đạt, nhiệt độ còn cao; lò cũ hoạt động không hiệu quả, tốn nhiều nhiên liệu.

Tổn thất điện do cos thấp: Một số động cơ quấn lại và quá nhiệt; sử dụng nhiều động cơ cũ có hiệu suất thấp; bụi vụn chè, nguyên liệu bám dính vào các động cơ làm giảm hiệu suất thiết bị.

Chất lượng sản phẩm dao động do các nguyên nhân: Nước giếng khoan đưa vào lên men lẫn nhiều sắt và tạp chất do chất lượng nước và đường ống bị gỉ; khâu quay hương (chè đen) sử dụng than, khói than ám vào chè; phòng lên men không kín nên nhiệt độ chưa tối ưu (yêu cầu 22-240 C), vào những ngày nóng, nhiệt độ phòng lên đến 320oC, không chủ động về mặt thời gian trong khâu lên men, phụ thuộc nhiều vào thời tiết ngoài trời; kho bảo quản chè thành phẩm không có chế độ bảo quản đặc biệt, làm giảm chất lượng của chè nếu phải cất trữ trong thời gian dài.

Các vấn đề an toàn và điều kiện làm việc: Tại khu vực đốt lò than, công nhân không có bảo hộ lao động; các bảng điện chưa an toàn, mặc dù đã có chỉ dẫn hay cảnh báo nhưng công nhân vẫn chưa tuân thủ đúng, xếp hoặc đổ chè ngay sát đó.

Lựa chọn giải pháp SXSH

Sau khi đánh giá hiện trạng, phân tích các nguyên nhân còn hạn chế, Đội SXSH đã đề xuất nhiều giải pháp SXSH, giúp Chi nhánh sử dụng hiệu quả nguồn nguyên liệu đầu vào, tiết kiệm năng lượng và cải thiện tốt điều kiện làm việc. Các giải pháp đó bao gồm: Hoàn thiện công tác bảo dưỡng, triệt để khắc phục sự cố chảy dầu; thay thế hệ thống truyền động trục vít của các máy vò chè bằng hệ thống truyền động mới có hiệu suất cao hơn và không bị chảy dầu; điều chỉnh lại tốc độ và lượng nguyên liệu hợp lý để tránh tình trạng rơi vãi nguyên liệu trên các băng tải; nâng cao ý thức công nhân trong thao tác, tránh làm rơi vãi chè ra sàn và bám dính chè vào các thiết bị hay công cụ làm việc (quang treo, khay chứa..); cải tiến các thiết bị, tạo thuận lợi cho thao tác của công nhân và công tác vệ sinh; lắp đặt hệ thống lọc bụi, thu hồi vụn chè kết hợp với thông gió, tăng công suất hút bụi; tăng cường vệ sinh, thu hồi chè vụn triệt để; cải tiến các khung lắp bao tải. Đây là những giải pháp nhằm thu hồi và tái sử dụng lượng chè rơi vãi một cách đáng kể, nâng cao hiệu suất máy móc, đảm bảo môi trường làm việc sạch sẽ.

Cải tạo kho chứa than để giảm tổn thất than và nâng chất lượng than; có cơ chế định mức và thưởng phạt rõ ràng đối với công nhân đốt lò; nâng cao kỹ thuật đốt lò cho công nhân; xây thêm một lớp gạch cho các kênh dẫn; cải tiến bảo ôn vỏ các thiết bị sấy; sửa lại cửa lò và vách lò sấy nhằm tiết kiệm than, gas và điện, giảm nhiệt độ của khu vực sấy và thành phẩm, giảm lượng khí thải từ lò than vào môi trường, giảm thải rắn (xỉ than).

Cải tiến hoặc thay thế lò kiểu mới; thay thế các động cơ quấn lại bằng động cơ mới; xử lý tình trạng quá nhiệt của các động cơ khác, thay mới nếu cần thiết, nhằm nâng cao hiệu suất đốt, giảm phát thải khí thải.

Lắp đặt hệ thống xử lý làm sạch và làm mềm nước; xem xét lại hệ thống đường ống để sửa chữa hoặc thay mới bằng nhựa; thay thế than đá bằng than củi trong khâu quay hương; làm kín, lắp điều hòa cho phòng lên men; cải tiến kho bảo quản chè để ổn định về nhiệt độ và độ ẩm, tăng chất lượng sản phẩm, tiết kiệm thời gian sản xuất.

Lắp các bao che cho các bộ truyền động hở để đảm bảo an toàn; lắp các tấm lợp trong mờ để cải thiện chiếu sáng tự nhiên; lắp thêm bóng đèn chiếu sáng buổi tối; lắp đặt hệ thống hấp thụ âm thanh và cách ly đơn giản; trang bị thêm bảo hộ lao động cho công nhân; kiểm tra và bố trí lại các bảng điện và đường dây điện tránh hiện tượng rò rỉ điện để nâng cao ý thức về an toàn lao động cho công nhân, đảm bảo an toàn lao động, cải tạo môi trường lao động (giảm ồn, tăng cường ánh sáng...).

Kế hoạch và hành động

Căn cứ vào các giải pháp đã được nhận dạng và tình hình thực tế, Chi nhánh lựa chọn các giải pháp phù hợp để tiến hành thực hiện quá trình SXSH. Đồng thời, đánh giá bổ sung cho các giải pháp nếu cần; phân kỳ giai đoạn triển khai thực hiện các giải pháp đã chọn; triển khai thực hiện các giải pháp kèm theo các quan trắc định kỳ để có những giải pháp cải tiến tiếp theo; xác định các định mức thực tế về nguyên liệu, nhiên liệu trong tất cả các khâu sản xuất.

Kế hoạch áp dụng công nghệ xử lý chất thải và giải pháp bảo vệ môi trường của Chi nhánh nhằm đảm bảo mục tiêu giảm 10% tiêu thụ điện năng; tất cả các dòng thải phải đáp ứng được tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường hiện nay. Đối với nước thải sinh hoạt, cần xử lý đạt quy chuẩn trước khi thải ra ngoài. Đối với khí thải do đốt than, nhà máy sẽ thay thế lò đốt hiện tại bằng lò đốt thế hệ mới nhất có hiệu suất cao hơn 70%. Mùi nguyên liệu chè sẽ được khác phục dần bằng cách làm nhà xưởng thông thoáng hơn. Nâng cao công tác bảo hộ lao động, an toàn và vệ sinh lao động, nghiên cứu áp dụng hệ thống hút bụi chè mới nhằm đảm bảo môi trường làm việc tốt hơn cho công nhân vận hành cũng như thu hồi được các sản phẩm phụ, khắc phục những nhược điểm do bụi chè gây ra. Đối với chất thải rắn, ngoài xỉ than bán cho tư nhân, các loại còn lại tập trung thu gom, hợp đồng với công ty môi trường đô thị xử lý.

Hiện trạng sản xuất thực tế của Chi nhánh Chè Sông Cầu cho thấy, Chi nhánh có thể thực hiện rất nhiều các giải pháp SXSH để có thể giảm thiểu các định mức về nguyên liệu đầu vào cũng như tiêu thụ năng lượng. Để đạt được lợi ích kinh tế, kỹ thuật, môi trường của các tiềm năng này, Chi nhánh cần kết hợp với các chuyên gia của CPI để có các đánh giá bổ sung chi tiết hơn cho các giải pháp đã nêu và tham gia thực hiện một cách nghiêm túc trong quá trình SXSH.