Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ bảy, 18/01/2025 | 13:40 GMT+7

Tin hoạt động

Diễn đàn hợp tác Việt Nam - EU: Nỗ lực thích ứng vì tương lai thịnh vượng bền vững

07/11/2024

Chiều ngày 07 tháng 11 năm 2024, tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ Công Thương đã tổ chức Diễn đàn hợp tác Việt Nam - EU với chủ đề “Nỗ lực thích ứng vì tương lai thịnh vượng bền vững”.
Diễn đàn là sự kiện thường niên được Bộ Công Thương chủ trì tổ chức từ năm 2018 đến nay và đã trở thành “điểm hẹn” của các đối tác, doanh nghiệp, tổ chức liên quan, cùng nhau thúc đẩy mối quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư Việt Nam – EU đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả. 
Với sự góp mặt của Phái đoàn Liên minh châu Âu, Đại sứ quán các nước thành viên EU tại Việt Nam, các địa phương, chuyên gia trong nước và quốc tế và đặc biệt là sự tham gia đông đảo của cộng đồng doanh nghiệp, Diễn đàn đã mở ra một kênh tương tác trao đổi toàn diện, đa chiều, bắt kịp xu hướng và biến động thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt thông tin, nhanh chóng thích ứng để duy trì và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Diễn đàn hợp tác Việt Nam - EU tạo cơ hội để các bên cập nhật thông tin thị trường thiết thực, hiệu quả 
Chương trình năm nay đi sâu khai thác khía cạnh bền vững trong mối quan hệ song phương và nỗ lực ứng phó trước các thách thức từ hàng rào phi thuế quan, phòng vệ thương mại; tập trung phổ biến, hướng dẫn doanh nghiệp thích ứng với những quy định chính sách mới; đồng thời gợi mở những hướng đi hợp tác thương mại, đầu tư trong những lĩnh vực hai Bên cùng quan tâm, cũng như phù hợp với xu thế hiện nay như kinh tế xanh và số, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng…
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Nguyễn Hoàng Long khẳng định EU là đối tác hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực thương mại, đầu tư, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập và chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam. Đồng thời đánh giá cao kết quả tăng trưởng và những chuyển biến tích cực trong trao đổi thương mại giữa hai Bên thời gian qua, với đòn bẩy mạnh mẽ từ Hiệp định Thương mại tự do EVFTA, đặc biệt đáng ghi nhận trong bối cảnh khu vực thị trường bất ổn, chuỗi cung ứng và kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long phát biểu tại Diễn đàn
Với ưu thế lớn từ Hiệp định EVFTA và tới đây là EVIPA, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi đẩy mạnh hợp tác thương mại, thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ, các dự án hỗ trợ từ phía các đối tác EU để đẩy mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng xanh và số, trong đó có sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, chuyển đổi công nghệ cao trong sản xuất, giúp hàng hóa Việt Nam đáp ứng những tiêu chuẩn của EU, tham gia sâu, bền vững vào chuỗi giá trị” Thứ trưởng nhấn mạnh 
Đại sứ, Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam, Ông Julien Guerrier trong bài phát biểu tại sự kiện cũng đặc biệt ghi nhận vai trò của thực thi Hiệp định EVFTA và đánh giá cao cơ hội hợp tác giữa hai Bên trong chuyển đổi năng lượng, điển hình là việc triển khai JETP để hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu về giảm phát thải. Đây là lĩnh vực thế mạnh và trọng tâm trong chính sách của EU, đồng thời cũng phù hợp với định hướng chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam.
Chia sẻ tại phiên tham luận, bà Nguyễn Thị Lâm Giang - Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương cho biết: Chương trình nghị sự 2030 với 17 mục tiêu phát triển bền vững là một trong các trụ cột quan trọng để các quốc gia cụ thể hóa các chính sách, mô hình, hành động trên con đường phát triển của mình. Trong đó, việc xây dựng hoàn thiện và thực thi các chính sách thúc đẩy sản xuất tiêu dùng bền vững, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, năng lượng, phát triển nguyên nhiên liệu tái tạo, tái chế có ý nghĩa quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm phát thải, cải thiện chất lượng sống người dân, hướng đến nền kinh tế xanh, tuần hoàn. 
Bà Nguyễn Thị Lâm Giang- Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương chia sẻ các định hướng về sản xuất bền vững và giảm phát thải của Việt Nam
"Giảm phát thải, ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển bền vững đã và đang là xu thế chủ đạo và diễn ra mạnh mẽ trên thế giới. Đến nay, ngày càng nhiều sáng kiến thúc đẩy mô hình bền vững theo cách tiếp cận vòng đời sản phẩm về Sản xuất tiêu dùng bền vững, kinh tế tuần hoàn, được coi trọng và ưu tiên áp dụng trong thực tiễn. Cùng với đó, các sáng kiến về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, năng lượng tái tạo và giảm phát thải khí nhà kính đang đẩy mạnh triển khai góp phần thực hiện các mục tiêu, cam kết về phát triển bền vững và Biến đổi khí hậu của các quốc gia, khu vực và toàn cầu", bà Nguyễn Thị Lâm Giang khẳng định.
Thảo luận tại phiên tọa đàm, các diễn giả trong nước và quốc tế cũng phân tích không ít thách thức đặt ra trước tình hình kinh tế vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất ổn, cùng xu hướng tăng cường những quy chuẩn thương mại xanh, bền vững; theo đó đưa ra cảnh báo và khuyến nghị giải pháp thiết thực, kịp thời. Hàng loạt các chính sách, quy định đáng lưu ý như Cơ chế điều chỉnh carbon biên giới (CBAM), Quy định về chuỗi cung ứng chống phá rừng (EUDR), Chỉ thị thẩm định chuỗi cung ứng (CS3D)...đi vào áp dụng được nhận định sẽ tác động đáng kể đến hoạt động thương mại, đầu tư hai Bên. Ở một khía cạnh khác, việc đáp ứng yêu cầu về tính bền vững, tính “trách nhiệm” cũng tạo ra cơ hội phát triển mới cho doanh nghiệp, giúp khai thác hiệu quả hơn lợi thế cho hàng hóa xuất khẩu, qua đó nâng cao giá trị & thương hiệu sản phẩm.
Tại sự kiện, các doanh nghiệp Việt Nam và châu Âu cũng đã trực tiếp chia sẻ nhiều thực tiễn tốt, cũng như hành trình xanh hóa, tăng trưởng bền vững trong sản xuất, kinh doanh như chiến lược phát triển của Công ty Cổ phần Tôn Đông Á, giải pháp logistics thông minh trong thương mại điện tử của Viettel Post hay chương trình hỗ trợ các đối tác trong chuỗi cung ứng của H&M.
Thông qua những trao đổi quý báu của các chuyên gia, các tổ chức tư vấn cùng sự thảo luận sôi nổi của các đại biểu, Diễn đàn đã phát huy vai trò một kênh đối thoại chính sách, cập nhật thông tin thị trường thiết thực, hiệu quả giữa cơ quan quản lý hai Bên và cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời hỗ trợ thiết lập mạng lưới kết nối đối tác hai Bên.
EU là một trong các khu vực đi đầu trong việc thúc đẩy phát triển bền vững, chuyển dịch năng lượng, chuyển đổi xanh và giảm phát thải, kinh tế tuần hoàn. Trên cơ sở mối quan hệ hợp tác mật thiết, tích cực, lâu dài với Việt Nam, EU đã trở thành một trong những đối tác lớn và tin cậy về phát triển bền vững của Việt Nam, đặc biệt về chuyển đổi năng lượng bền vững, chuyển đổi xanh.
Một trong những hỗ trợ lớn nhất của EU đối với  ngành Công thương hiện nay chính là chương trình Chương trình Chuyển đổi năng lượng bền vững Việt Nam – Liên minh châu Âu. Hiệp định tài chính của Chương trình được ký ngày 31 tháng 12 năm 2021, với 02 hợp phần (1) Hỗ trợ các dự án cấp điện nông thôn tại Việt Nam và (2) hỗ trợ Chương trình quốc gia SDNLTKHQ giai đoạn 2019 – 2030 (Chương trình VNEEP3) của Việt Nam. 
Ngoài hợp tác trên, các nước thành viên của EU cũng có những hoạt động hợp tác khác trong việc thực hiện các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu và phát triển bền vững như Cơ chế chuyển đổi năng lượng công bằng cũng như nhiều hoạt động song phương khác. 
Minh Khuê