Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 21/11/2024 | 13:24 GMT+7

Kinh tế tuần hoàn

Xây dựng thể chế phát triển bền vững vùng Nam bộ

07/11/2024

Viện Khoa học xã hội Vùng Nam Bộ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học mang chủ đề “Thể chế phát triển bền vững trong liên kết vùng Nam Bộ và lân cận”. Sự kiện đã thu hút đông đảo các nhà quản lý, nhà khoa học từ các viện nghiên cứu, trường đại học trong khu vực.
Hội thảo được tổ chức nhằm tạo cơ hội để thảo luận và đánh giá các vấn đề lý luận, căn cứ pháp lý và thực tiễn về thể chế phát triển bền vững trong liên kết vùng và những vấn đề đặt ra cho vùng Nam Bộ và lân cận hiện nay. Đồng thời, phân tích các nguyên nhân, yếu tố tác động phát triển vùng Nam Bộ nhằm đáp ứng yêu cầu của quá trình chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế sáng tạo trong giai đoạn mới. Qua đó, đề xuất giải pháp, khuyến nghị chính sách, dự báo xu hướng để hoàn thiện thể chế phát triển bền vững trong liên kết vùng đặt ra cho Vùng Nam Bộ và lân cận.
PGS.TS. Vũ Tuấn Hưng, Phó viện trưởng phụ trách Viện Khoa học xã hội Vùng Nam Bộ phát biểu tại Hội thảo (Ảnh:vass.gov.vn)
Theo đánh giá, Đồng bằng sông Cửu Long, một trong những vùng đồng bằng phì nhiêu nhất thế giới, không chỉ là vùng sản xuất lương thực chủ lực mà còn có dân số đông đảo, chiếm gần 18% dân số cả nước. Tuy nhiên, dù chiếm tỷ trọng lớn trong sản xuất nông nghiệp, vùng này cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức như biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường.
PGS.TS. Vũ Tuấn Hưng, Phó Viện trưởng Viện Khoa học xã hội Vùng Nam Bộ nhận định để vùng phát triển bền vững, việc xây dựng một thể chế mạnh mẽ là rất cần thiết. Theo ông, thể chế sẽ giúp giải quyết nhiều vấn đề nổi bật như giao thông liên vùng, ứng phó với biến đổi khí hậu, và tái cơ cấu kinh tế. Nếu “khơi thông” được trụ cột thể chế, điều này sẽ kích hoạt mọi nguồn lực, từ hạ tầng đến nguồn nhân lực, để phát triển bền vững.
Đồng quan điểm, Thạc sĩ Phạm Quỳnh Lan, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ cho biết, việc xây dựng một thể chế vững mạnh giúp định hình các chính sách hợp lý, tạo ra cơ chế giám sát và quản lý hiệu quả và khuyến khích sự tham gia của tất cả các bên liên quan. Điều này đặc biệt quan trọng trong các khu vực có sự đa dạng về điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội như Đồng bằng sông Cửu Long. Việc xây dựng thể chế phát triển bền vững trong liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long là cần thiết để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, gắn với bảo vệ môi trường, và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Hội thảo không chỉ là diễn đàn trao đổi kiến thức mà còn là cơ hội để các nhà khoa học và quản lý đưa ra những khuyến nghị thiết thực nhằm hoàn thiện thể chế phát triển bền vững cho vùng Nam Bộ và lân cận. Việc phát triển bền vững không chỉ đáp ứng yêu cầu kinh tế mà còn bảo đảm môi trường sống cho các thế hệ tương lai.
Vùng Nam Bộ, bao gồm Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ với 19 tỉnh, thành phố, đóng vai trò quan trọng về kinh tế, chính trị và an ninh của Việt Nam. Với Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, vùng này có tiềm năng phát triển mạnh mẽ.
Tốc độ tăng trưởng GRDP cả vùng Đông Nam Bộ năm 2023 ước đạt 5,06% so với mức tăng 5,05% của cả nước. Quy mô GRDP của vùng đóng góp vào GDP cả nước lớn nhất (chiếm 30,2% GDP), GRDP bình quân đầu người đạt 166 triệu đồng. Thu ngân sách nhà nước 675 nghìn tỷ đồng, thu hút đầu tư nước ngoài có 4/6 địa phương trong Vùng thuộc nhóm dẫn đầu cả nước, cơ cấu kinh tế GRDP của vùng chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ.
Tuệ Lâm