Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ bảy, 18/01/2025 | 12:19 GMT+7

Sản xuất bền vững

Sớm có chính sách hỗ trợ sử dụng vật liệu tái chế, tái tạo

07/11/2024

Tại hội thảo "Thúc đẩy phát triển vật liệu xanh: Giải pháp bền vững cho một tương lai xanh" do Bộ Xây dựng tổ chức, Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng Nguyễn Quang Hiệp cho rằng, để thúc đẩy sử dụng vật liệu xanh trong xây dựng, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện các tiêu chuẩn và xây dựng chính sách hỗ trợ, khuyến khích sử dụng vật liệu tái chế, tái tạo.
Nhiều lợi ích nhưng cũng lắm khó khăn
Với tình trạng nguồn tài nguyên khoáng sản đang ngày càng cạn kiệt, cùng với gia tăng các yêu cầu về bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, việc phát triển các loại vật liệu xây dựng xanh, thân thiện với môi trường không chỉ là lựa chọn mà đã trở thành xu thế tất yếu, là mục tiêu hướng tới của ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng.
Ông Lê Cao Chiến, Phó Giám đốc Trung tâm Thiết bị, Môi trường và An toàn lao động, Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, hiện nay, trên thế giới có 6 xu hướng sử dụng vật liệu xanh, gồm: hiệu quả năng lượng trong công trình; tái chế và tái sử dụng vật liệu xây dựng; sử dụng vật liệu từ nguồn tài nguyên tái tạo; vật liệu thân thiện với sức khỏe con người; công nghệ sinh học và vật liệu phân hủy sinh học; sử dụng công nghệ và vật liệu thông minh.
Các báo cáo trình bày tại hội thảo chỉ ra rất nhiều lợi ích của vật liệu xanh. Chẳng hạn, kính tiết kiệm năng lượng có thể giúp tiết kiệm 52% chi phí hệ thống sưởi, giảm thiểu 53% công suất hệ thống điều hòa, ngăn cản tới 99% tia UV gây hại. Hoặc sản phẩm xi măng xanh - sử dụng nguyên liệu tái chế, sử dụng năng lượng hiệu quả, có hàm lượng clinker thấp - phát thải CO2 thấp hơn ít nhất 30% so với xi măng thông thường...
Toàn cảnh Hội thảo
Tuy nhiên, vật liệu xanh thường có chi phí sản xuất cao hơn so với các vật liệu truyền thống, đặc biệt là trong giai đoạn đầu áp dụng. Điều này có thể gây khó khăn cho các nhà thầu xây dựng hoặc người tiêu dùng trong việc tiếp cận và sử dụng.
Bên cạnh đó, nước ta hiện vẫn còn thiếu các quy định cụ thể về việc đánh giá và quản lý chất lượng của vật liệu xanh dẫn đến khó khăn trong việc thực hiện và áp dụng trên diện rộng. TS. Đào Danh Tùng, Viện Vật liệu xây dựng cho biết, Việt Nam vẫn chưa có các bộ tiêu chí nhãn xanh/nhãn sinh thái/vật liệu xanh; chưa có hệ thống tiêu chuẩn, định mức về sản xuất, sử dụng vật liệu xanh trong công trình xây dựng; còn thiếu các cơ chế chính sách ưu đãi đối với việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng sản phẩm vật liệu xây dựng được gắn nhãn xanh Việt Nam/vật liệu xanh.
Ngoài ra, nhiều chủ đầu tư, nhà thầu và người tiêu dùng vẫn chưa nhận thức đầy đủ về các lợi ích dài hạn của vật liệu xanh. Đồng thời, nguồn cung vật liệu xanh trong nước còn hạn chế, dẫn đến việc phụ thuộc vào nhập khẩu, gây tăng chi phí và thời gian thi công.
Hoàn thiện các tiêu chuẩn về vật liệu xanh
Theo đánh giá của Viện Vật liệu xây dựng, Việt Nam đang có nhiều cơ hội để phát triển ngành vật liệu xây dựng xanh nhờ vào nguồn tài nguyên tự nhiên phong phú, tiềm năng tái chế các loại vật liệu và nhu cầu vật liệu xanh tăng cao từ xu hướng toàn cầu. Tuy nhiên, để tận dụng hiệu quả các cơ hội này, cần có sự đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng, chính sách hỗ trợ và nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về lợi ích của vật liệu xanh.
Để thúc đẩy sử dụng vật liệu xanh trong xây dựng, Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng Nguyễn Quang Hiệp cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện các tiêu chuẩn; xây dựng chính sách hỗ trợ, khuyến khích sử dụng vật liệu tái chế và tái tạo. Việc nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các công trình xây dựng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giảm phát thải CO2 và tiết kiệm tài nguyên.
Trong khi đó, PGS. TS. Nguyễn Hoàng Giang, Phó hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng Hà Nội, nhấn mạnh sự cấp thiết của việc tái chế chất thải rắn xây dựng để sản xuất vật liệu xây dựng khi nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt. Ông khẳng định yếu tố quan trọng nhất để thúc đẩy phát triển vật liệu tái chế từ chất thải rắn xây dựng là cơ chế, chính sách quản lý từ Trung ương tới địa phương.
Ngoài ra, theo các chuyên gia và doanh nghiệp, cần có chế tài để xử lý những trường hợp vi phạm việc thực hiện các chủ trương, cơ chế, chính sách đã ban hành về sản xuất, khai thác, sử dụng vật liệu xây dựng xanh và tiết kiệm năng lượng trong công trình xây dựng. Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông, đào tạo nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng về lợi ích của vật liệu xây dựng xanh, công trình xanh, từ đó, từng bước thay đổi thói quen sử dụng vật liệu xây dựng...
Nguồn: daibieunhandan.vn