Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 21/11/2024 | 16:27 GMT+7

Sản xuất bền vững

Cuộc cách mạng xanh trong ngành may mặc đang diễn ra thế nào?

22/07/2021

Cũng như nhiều lĩnh vực khác đang cố gắng giảm thiểu rác thải ra môi trường, ngành may mặc đã và đang chuyển mình mạnh mẽ theo xu hướng "xanh hóa". Tái chế sáng tạo, vải tái chế, sợi hữu cơ, thuốc nhuộm thực vật... là những công cụ đắc lực trong cuộc cách mạng xanh của ngành may mặc toàn cầu. 
"Mốt" có còn quan trọng?
Thời trang có tính xoay vòng. Chả có gì lạ khi những bộ đồ "trendy" gen Z mặc hôm nay trông hơi "quen quen" trong mắt bố mẹ hay thậm chí là ông bà họ, thế hệ khởi xướng các trào lưu nhiều thập kỷ trước. Tuy nhiên, cách tiếp cận giống nhưng phương thức sáng tạo khác biệt là yếu tố quyết định việc một trào lưu trở lại có thực sự được giới mộ điệu đón nhận hay không. 
Tháng 9/2019, bộ sưu tập Maree Noire của nhà thiết kế Marine Serre ra mắt, chính thức đánh dấu cuộc cách mạng "Upcycle-tái chế sáng tạo" trong làng thời trang cao cấp. Nhà thiết kế người Pháp sử dụng vải thừa từ những bộ sưu tập cũ của mình cho những thiết kế mới, dù quá trình này không hề dễ dàng, mất nhiều thời gian thu thập và sản xuất hơn. Tiếp bước nhà mốt Pháp, Banana Moon cũng biến những mảnh vải thừa thành đồ bơi để ra mắt trong bộ sưu tập Hè 2020.
Bộ sưu tập Maree Noire của nhà thiết kế Marine Serre với những thiết kế đã được upcycle
Gần đây nhất, ngày 26/4, website bán hàng trực tuyến Nona Source bán tất cả các vật liệu dư từ các thương hiệu thời trang được săn lùng của Louis Vuitton, Christian Dior, Givenchy, Stella McCartney, Celine... Đây là một phần trong kế hoạch thúc đẩy bền vững Life 360 của LVMH, ông chủ của các thương hiệu đình đám trên.  
Giờ đây, ngay cả thời trang cao cấp cũng đã không còn e dè với thuật ngữ "vải thừa" từng được coi là "tối kị" trong giới cách đây vài năm. Có thể thấy cuộc cách mạng tư duy tái chế đã nhanh chóng thâm nhập vào làng thời trang toàn cầu như thế nào. 
Thay đổi từ lõi
Nếu Upcycle thực hiện cuộc cách mạng ở lớp ngoài trang phục, thì công nghệ tái chế đang thay đổi ngành may mặc ở lớp lõi. Chưa bao giờ người tiêu dùng được nghe nhiều đến thế về các loại chất liệu tái chế có thể khoác lên mình, từ cotton tái chế, len tái chế, nylon tái chế hay lyocell. 
Hai trong những ông lớn trong ngành có công đầu trong cuộc cách mạng xanh này là H&M và Adidas. Theo báo cáo chuyên sâu của Tổ chức Giao Dịch May Mặc (Textile Exchange), Tập đoàn H&M dẫn đầu bảng xếp hạng về việc sử dụng chất liệu cotton hữu cơ và lông vũ theo quy chuẩn Responsible Down; đồng thời là một trong những đơn vị lớn nhất thế giới sử dụng chất liệu vải và sợi tái chế.
Theo bà Cecilia Brännsten, Giám đốc phát triển bền vững & môi trường của H&M, Tập đoàn vẫn đang tích cực nỗ lực để nâng cao việc sử dụng chất liệu tái chế và thúc đẩy cải tiến các chất liệu mới. Không nói suông, năm ngoái H&M đã sử dụng số lượng chất liệu polyester tái chế tương đương với gần 537 triệu chai nhựa PET. Mục tiêu là đến năm 2030, tất cả các chất liệu của H&M sẽ được tái chế hoặc có nguồn gốc bền vững hơn. 
Với Adidas, hãng thể thao thời trang đến từ Đức, thông điệp tái chế được "quán triệt" từ nội bộ tới hệ thống cung ứng. Nhiều năm trở lại đây, hãng đã giảm 38% lượng giấy sử dụng bằng việc không in email nội bộ và ngừng cung cấp nước đựng trong chai nhựa và ống hút nhựa tại tất các các hoạt động tiếp thị toàn cầu. 
Giày tái chế Ultra Boost của Adidas
Theo kế hoạch được công bố, Adidas yêu cầu các nhà cung cấp nguyên liệu giảm 50% lượng nước, giảm 20% năng lượng và 75% lượng giấy sử dụng trên mỗi nhân viên. Adidas cũng đã kết nối với các cung cấp sợi bông sản xuất theo tiêu chuẩn "có trách nhiệm với cộng đồng" để thay thế 43% số lượng bông tiêu thụ hàng năm.
Ông Eric Liedtke, thành viên Hội đồng quản trị Adidas chịu trách nhiệm về Thương hiệu toàn cầu, cho biết trong các năm 2017, 2018 và 2019 hãng đã sản xuất lần lượt 1 triệu, 5 triệu và 11 triệu đôi giày tái chế từ rác thải nhựa. Không chỉ với giày dép, các sản phẩm khác như áo, quần ngắn và áo khoác thể thao cũng được sử dụng tối đa chất liệu polyester tái chế có thể. Adidas cho biết dòng vải sợi SS19 của họ có 41% polyester tái chế. Đây là chất liệu trang phục thi đấu Champions League của FC Bayern Munich và Alexander Zverev tại giải Úc mở rộng. 
Xu hướng tất yếu
Theo tờ Women’s Wear Daily, người tiêu dùng đã dành hơn 7 tỷ giờ trực tuyến để tìm các sản phẩm thời trang bền vững, đạo đức, thời trang chậm và thân thiện với môi trường trong năm 2020. Khi người tiêu dùng ngày càng nhận thức hơn về các vấn đề môi trường, ngành may mặc và thời trang thay đổi là tất yếu. 
Tại Việt Nam, các xu hướng tái chế, DIY, lựa chọn sản phẩm hữu cơ hay nhuộm tự nhiên cũng phát triển mạnh mẽ thời gian gần đây. Phần nào lý do có thể xuất phát từ gen Z và millenium, thế hệ tiêu dùng và các nhà khởi tạo xu hướng có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ tới ngành may mặc. 
Ngó, một xưởng thời trang nhỏ tại Hà Nội, được biết đến nhiều bởi những sản phẩm thời trang, đồ dùng được nhuộm hoàn toàn bằng vật liệu tự nhiên như củ nâu, chàm, nghệ... 
Cô chủ của Ngó bên thiết kế áo nhuộm chàm
Ngó trên Tạp chí Vietnam Sketch
Trần Thu Ngân, cô chủ 9X của Ngó, có niềm đam mê lớn với vải vóc và màu sắc tự nhiên. Để sáng tạo những sản phẩm thời trang thân thiện mà vẫn có nét riêng độc đáo, Ngân đã kết hợp các kỹ thuật nhuộm truyền thống của người Tày, Nùng với tạo hình từ in khắc hồ nếp, vẽ, thêu thủ công... Ngân cho biết, việc tạo ra một sản phẩm thủ công như vậy khá phức tạp và có phần phiêu lưu.
"Nhuộm chàm không đơn giản chỉ là nhúng vào là xong, cần phải biết nhúng bao lâu, đến khi nào thì ngưng lại, cho chàm có thời gian “hồi phục” thì mới có thể nhuộm tiếp được", Ngân chia sẻ. Thông thường để có một tấm áo hoàn chỉnh, từ lúc nhuộm lến khi hoàn thiện có thể mất từ vài tuần có khi đến vài tháng. Nhưng khách hàng yêu mến Ngó vẫn chấp nhận vì họ trân trọng sự tự nhiên, công sức của người làm và tính "độc bản" của sản phẩm.
Tại thành phố Hồ Chí Minh, Trạm Xanh là nơi tụ họp yêu thích của những bạn trẻ đến để cùng học về vải và cách tái chế vải vụn thành những sản phẩm hữu ích, đáng yêu. 
Hoạt động của Trạm Xanh được các bạn nhỏ hưởng ứng
Theo Nguyễn Thanh Ngọc Thảo, chủ nhân của ý tưởng độc đáo này, các bạn thích nơi này vì ngoài được chia sẻ đam mê tái chế, may vá, còn được biết thêm nhiều thứ về vải vóc. Ví dụ như cách phân biệt các loại vải, sử dụng vải nào cho việc gì, thành phần cotton và polyester trong từng loại vải ra sao để có quyết định đúng đắn trước khi vứt bỏ hay tái chế nó. 
Đức Phương, thành viên nam thường xuyên của Trạm Xanh cho biết đến đây bạn được biết thêm về cuộc sống của những người làm công việc tái chế. "Nó làm mình phải suy nghĩ nhiều hơn khi quyết định mua một sản phẩm công nghiệp và cách sử dụng chúng cho hiệu quả.” Hiện các thành viên của Trạm đang tạm dừng các lớp học tái chế do ảnh hưởng của dịch bệnh. Các bạn hy vọng sẽ được sớm tái khởi động dự án trong thời gian sớm nhất. 
Cuộc cách mạng xanh đang lan tỏa mạnh mẽ trong ngành công nghiệp thời trang và may mặc. Từ những hãng sản xuất công nghiệp tới đội ngũ sản xuất trong thị trường ngách, từ các tín đồ thời trang cao cấp tới giới tiêu dùng bình dân, không ai còn lạ lẫm với các khái niệm như vải hữu cơ, sợi tái chế... Đây là cơ hội có một không hai để làm lại những điều con người đã bỏ lỡ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Một khi ngành thời trang và may mặc đã thay đổi sâu sắc đến vậy thì không lý gì các ngành khác lại đứng yên một chỗ.
Theo báo cáo của Chương trình hành động về Chất thải và tài nguyên (WRAP), chỉ riêng tại Anh mỗi năm khoảng 140 triệu bảng (tương đương 194 triệu USD) quần áo bị vứt bỏ. Tổng lượng khí thải cacbon của ngành công nghiệp này không ngừng tăng lên mỗi năm, chủ yếu đến từ việc khai thác tài nguyên mới cho sản xuất sợi, và từ việc phun polymer. Ước tính, ngành công nghiệp thời trang - may mặc chịu trách nhiệm cho khoảng 10% tổng lượng khí thải cacbon toàn cầu và 85% lượng rác thải nhựa đại dương.
Hương Giang