Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ bảy, 18/01/2025 | 11:01 GMT+7

Điển hình

Công nghiệp hoá gắn liền bảo vệ môi trường

07/11/2024

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, công nghiệp hóa đã trở thành một yếu tố then chốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên, quá trình này cũng đặt ra nhiều thách thức, đặc biệt là trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. 
Công nghiệp hóa là một quá trình cần thiết để phát triển kinh tế, nhưng nếu không được thực hiện một cách bền vững, nó sẽ gây ra những hệ lụy nghiêm trọng cho môi trường. Bằng cách áp dụng các giải pháp hiệu quả, chúng ta có thể xây dựng một nền công nghiệp phát triển mạnh mẽ mà vẫn bảo vệ được môi trường sống cho thế hệ mai sau. 
Hướng đi đúng đắn
Trong những năm qua, nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam đã tiên phong hưởng ứng và ghi dấu ấn trong việc sản xuất thân thiện với môi trường. Với cam kết “luôn mang đến cho khách hàng sản phẩm an toàn, chất lượng tốt, dịch vụ tốt” và “sản xuất an toàn, tiết kiệm, môi trường sạch đẹp”, Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam (CPV) đã thiết lập hệ thống quản lý môi trường toàn diện theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 14001 nhằm kiểm soát chặt chẽ các tác động đến môi trường trong toàn bộ chuỗi giá trị, từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. CPV cũng thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho nhân viên, khuyến khích mọi người tham gia vào các hoạt động xanh.
Hoạt động trồng cây được CPV tổ chức thường xuyên (Ảnh: CPV)
Đặc biệt, CPV còn tích cực lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường đến cộng đồng thông qua nhiều dự án ý nghĩa. Điển hình là dự án "CPV - Hành trình Việt Nam xanh 2021-2025" với mục tiêu trồng và chăm sóc 1,5 triệu cây xanh tại các tỉnh thành chịu ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, thiên tai. Dự án này không chỉ góp phần cải thiện môi trường sống mà còn nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của việc bảo vệ rừng và phát triển xanh. 
Với những nỗ lực không ngừng, CPV vinh dự được vinh danh trong Top 100 Doanh nghiệp bền vững thuộc lĩnh vực sản xuất năm 2023 tại Lễ công bố do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) tổ chức. Giải thưởng này là sự ghi nhận xứng đáng cho những nỗ lực của CPV trong việc áp dụng các chỉ số bền vững CSI vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Công ty luôn hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường và đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng.
Còn tại Công ty TNHH Thời Trang Star (thành viên Tập đoàn Crystal international), các hoạt động liên quan đến phát triển bền vững cũng luôn được doanh nghiệp quan tâm, chú trọng. Trong đó các hoạt động về tiết kiệm năng lượng, kinh tế tuần hoàn, tái chế hay các hoạt động phát triển bền vững cho cộng đồng là những mục tiêu chiến lược của công ty. 
  Công ty TNHH Thời Trang Star tái chế rác thải trong quá trình sản xuất để làm lõi đệm (trái), hạt nhựa (phải)
Để tăng cường tận thu tái sử dụng rác thải, sản xuất sạch hơn, Công ty đã thực hiện chương trình Zero Landfill - tức là 100% rác sẽ không chôn lấp và thiêu đốt. Đầu tiên nhà máy sẽ thực hiện giảm thiểu, hạn chế tối đa việc tạo ra rác. Nếu tạo ra rác sẽ cố gắng tái sử dụng bên trong nhà máy. Cụ thể lượng nilon trong quá trình sử dụng sẽ được tận dụng làm túi đựng rác, hay vải vụn sử dụng để lau các khu vực trong nhà máy.
Để tái sử dụng rác thải trong quá trình sản xuất, công ty đã hợp tác với Công ty cổ phần phát triển công nghệ và tài nguyên môi trường (DRET). Đối với vải vụn cotton... sẽ được tái sử dụng làm lõi đệm, lõi gối, thảm và các vải sợi polyester sẽ tái chế để tạo ra hạt nhựa và từ hạt nhựa này sẽ tạo thành vải polyester. Đối với lượng rác thải phần nào không tái chế được sẽ được đưa đến Công ty TNHH đầu tư dịch vụ môi trường Phú Hưng để đốt thu hồi năng lượng. Nhiệt lượng của quá trình đốt sẽ được tận thu để sấy nguyên liệu đầu vào của lò đốt và ra tro xỉ sau quá trình đốt sẽ dùng để làm nguyên liệu chế tạo gạch không nung.
"Năm 2023, 92% lượng rác thải sản xuất của công ty được xử lý bằng phương pháp tái chế, tương đương với 735.800kg; 8% lượng rác còn lại, tương đương với 60262kg, được xử lý bằng phương pháp đốt thu hồi năng lượng”, bà Nguyễn Thị Hồng Vân - Trưởng phòng Phát triển bền vững, Công ty TNHH Thời trang Star cho biết.
Hiện Công ty TNHH Thời Trang Star cùng với tập đoàn Crystal đã đặt ra mục tiêu phát thải thuần bằng 0 vào năm 2050 và mục tiêu ngắn hạn là giảm phát thải tuyệt đối 35% carbon đến năm 2030.
Tháo gỡ các rào cản
Mặc dù công nghiệp hóa gắn với bảo vệ môi trường là hướng đi tất yếu, nhưng vẫn còn nhiều thách thức. Cụ thể, việc chuyển đổi sang các mô hình sản xuất bền vững thường đòi hỏi một khoản đầu tư lớn. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp và cộng đồng vẫn chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của bảo vệ môi trường. Cũng như các chính sách hỗ trợ cho phát triển bền vững còn thiếu đồng bộ và chưa được thực thi hiệu quả.
Để giải quyết những khó khăn trên, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp quản lý, doanh nghiệp và cộng đồng. Trong đó, cần ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn vốn và công nghệ tiên tiến, đặc biệt là các nguồn đầu tư, tài trợ cho các hoạt động cải thiện, xử lý ô nhiễm môi trường nước, không khí, rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa; nhựa nâng cao nhận thức cộng đồng, xã hội, phát triển bền vững… 
Cần tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường
Bên cạnh đó, Chính phủ cần ban hành các quy định chặt chẽ về bảo vệ môi trường trong quá trình công nghiệp hóa. Các biện pháp như kiểm soát chất thải, khuyến khích các doanh nghiệp xanh và xử lý nghiêm các vi phạm sẽ góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng.
Các doanh nghiệp nên đầu tư vào công nghệ sản xuất tiên tiến và thân thiện với môi trường. Công nghệ tái chế, công nghệ năng lượng tái tạo (như năng lượng mặt trời, gió) không chỉ giảm thiểu ô nhiễm mà còn tiết kiệm chi phí. Đồng thời, tham gia những dự án thực địa, chia sẻ và nhân rộng các thực hành doanh nghiệp bền vững, tham gia vào quá trình vận động chính sách và nâng cao uy tín của doanh nghiệp.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh giáo dục và nâng cao nhận thức cho cộng đồng và doanh nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng; tăng cường và phát huy thế mạnh của các công nghệ truyền thông mới, mạng xã hội, diễn đàn trực tuyến... Nâng cao nhận thức, biến ý thức thành hành động về bảo vệ môi trường của cộng đồng. Hình thành và phát triển lối sống xanh, chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, đặc biệt trong quản lý chất thải và vệ sinh môi trường.
Các quốc gia có thể học hỏi kinh nghiệm từ nhau trong việc áp dụng các mô hình phát triển bền vững. Hợp tác quốc tế cũng giúp chia sẻ công nghệ, nguồn lực và tài chính để giải quyết các vấn đề môi trường một cách hiệu quả.
Minh Khuê