Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ bảy, 23/11/2024 | 00:18 GMT+7

Điển hình

Nhà máy tinh bột sắn INTIMEX Thanh Chương

01/03/2016

Nhà máy chế biến tinh bột sắn Intimex Thanh Chương trực thuộc Chi nhánh Intimex Nghệ An, chuyên sản xuất tinh bột sắn cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Nhà máy được đưa vào khai thác sử dụng từ năm 2004 với 2 đợt nâng công suất từ 60 tấn lên 120 tấn/ngày và từ 120 tấn lên 180 tấn/ngày. Với 280 cán bộ công nhân viên, nhà máy hiện đang sản xuất khoảng 8 tháng mỗi năm theo mùa vụ. 

Trước khi tiến hành SXSH, vấn đề môi trường công ty thường gặp phải là nước thải và chất thải rắn. Nước thải của công ty từ quá trình rửa củ sắn, cắt vỏ, lọc, lắng tinh bột có chỉ số BOD5 vượt 12.6 lần so với TCVN 5945-2005 (cột B), COD vượt 7.1 lần, NH4+ vượt 31,5 lần, S2- vượt 2.1 lần, SS vượt 4.66 lần so với giới hạn cho phép. Ngoài ra, mỗi năm nhà máy còn thải ra 1700 tấn vỏ và cùi thải, 35.800 tấn bã thải (độ ẩm 85%) ra môi trường. Lượng chất thải rắn này cũng gây ô nhiễm cho nguồn nước và gây mùi khó chịu nhất là khi trời nắng. Để giải quyết vấn đề này, Công ty đã tiếp cận Hợp phần Sản xuất sạch hơn trong công nghiệp của Bộ Công Thương.

Với sự hỗ trợ của Sở Công Thương và Trung tâm Sản xuất sạch  Việt  Nam, năm 2008, Công ty đã thực hiện đánh giá SXSH. Trong giai đoạn đầu (từ tháng 11/2008 đến tháng 4/2009), Công ty thành lập Đội Sản xuất sạch hơn do ông Đặng Hoài Nam  - Phó Giám đốc Công ty làm đội trưởng và 11 thành viên để tiến hành đánh giá SXSH toàn bộ dây chuyền sản xuất tinh bột.  Sau khi đánh giá quá trình sản xuất, xác định các dòng chất thải, đội SXSH tiến hành cân bằng các dòng vật chất và năng lượng của dây chuyền sản xuất. Toàn bộ số liệu thu thập được phục vụ việc phân tích để xác định các giải pháp SXSH cho từng công đoạn.              

Sau khi tiến hành đánh giá SXSH, xác định các giải pháp cải tiến, Công ty đã thực hiện một số giải pháp quản lý nội vi không tốn chi phí và chi phí thấp và hai giải pháp cải tiến thiết bị với tổng giá trị đầu tư là 1.4 tỷ đồng. Lợi ích công ty thu được sau giai đoạn 1 là 368 triệu đồng từ việc giảm tiêu thụ nguyên nhiên liệu và nhân công. Sang giai đoạn 2, Công ty cũng đã chủ động thực hiện các giải pháp đầu tư lớn nhằm giải quyết triệt để các vấn đề môi trường nổi cộm, cụ thể là đầu tư gần 10 tỷ đồng cho xây dựng phân xưởng sản xuất phân vi sinh từ vỏ, cùi sắn; Xây dựng hệ thống sấy vắt bã liên hoàn; và xây dựng hệ thống xử lý nước thải biogas để phát điện nhằm tiết kiệm năng lượng và giải quyết vấn đề ô nhiễm do nước thải. Hiệu quả đem lại từ các giải pháp này trong năm 2010 là 755 triệu đồng nhờ vào giảm tiêu thụ nguyên nhiên liệu, giảm nhân công và từ sản xuất phân vi sinh là (511 triệu đồng). Riêng quý I năm 2011, nhà máy đạt được mức tiết kiệm 561 triệu đồng.

Những lợi ích cụ thể do SXSH đem lại cho công ty như sau:

Lợi ích kỹ thuật  Lợi ích kinh tế Lợi ích môi trường
Giảm từ 11.2 - 27.8 kg sắn củ/ĐVSP Tiết kiệm 69 triệu đồngGiảm lượng chất thải rắn
Giảm lượng nước thải ra hồ xử lý
Giảm bụi phát tán ra không khí
Giảm 1% lượng bao bì sử dụng/ĐVSP Tiết kiệm 73 triệu đồng


Các giải pháp SXSH điển hình của công ty như sau:

TT Tên giải pháp Đầu tưHiệu quảNhóm giải pháp
 1 Kiểm soát lượng tạp chất: đất, cát lẫn vào trong sắn nguyên liệu trước khi nhập Không tốn chi phíTăng chất lượng nguyên liệu đầu vào QLNV
 2Loại bỏ bớt lượng tạp chất bẩn bám vào vỏ củ trước khi cho vào hệ thống rửa, bóc vỏKhông tốn chi phí QLNV
 3 Lắp cân thuỷ tịnh đo hàm lượng tinh bộtChi phí thấp QLNV
 4Lắp đặt các đồng hồ đo nước tại các vị trí sản xuấtChi phí thấp Kiểm soát lượng nước sử dụng QLNV
 5 Tái sử dụng lại nước từ quá trình tách chiết cho quá trình rửa Chi phí thấpTiết kiệm nước THTSD
 7Xây dựng phân xưởng sản xuất phân vi sinh từ vỏ, cùi sắn7.4 tỷ đồngGiải quyết triệt để lượng vỏ, cùi bã còn tồn đọng
Giảm chất thải ô nhiễm ngấm xuống đất và nước ngầm
THTSD
 8Xây dựng hệ thống sấy vắt bã liên hoàn 2.9 tỷ đồngTHTSD
 9Xây dựng hệ thống xử lý nước thải biogas để phát điện 800 triệu đồngGiảm phát thải ra môi trường  THTSD


Ghi chú: QLNV: Quản lý nội vi; TĐTB: Thay đổi thiết bị; KSQT: Kiểm soát quá trình; THTSD: Tuần hoàn tái sử dụng; TĐNVL: Thay đổi nguyên vật liệu

Nhận thấy các lợi ích từ hoạt động SXSH, Công ty quyết định duy trì hoạt động của đội SXSH và lồng ghép các hoạt động SXSH vào hệ thống quản lý chung của Doanh nghiệp. Nhằm tạo thuận lợi cho quá trình này, một hệ thống quản lý môi trường đơn giản được thiết lập. Công ty cũng đã thiết lập một chính sách môi trường trong đó quy định nghiêm chỉnh chấp hành luật Bảo về môi trường và các quy định của pháp luật, đảm bảo sự phát triển bền vững và giảm thiểu các nguồn phát sinh chất thải. Công ty đã tích hợp hệ thống quản lý trong quá trình sản xuất với hệ thống quản lý môi trường, qua đó việc tiêu thụ năng lượng và nguyên vật liệu được giám sát với các chỉ tiêu ô nhiễm trong các dòng thải. Một hệ thống mẫu và thủ tục pháp lý cũng được xây dựng và áp dụng cho việc thu thập số liệu môi trường, kiểm tra, phân loại và phân tích số liệu.

Kế hoạch giám sát môi trường đã được triển khai. Mục tiêu là quan trắc những cải tiến đáng kể từ việc áp dụng các giải pháp SXSH hoặc điều chỉnh ngay nếu kết quả cho thấy một vài lợi ích môi trường bị giảm. Hệ thống giám sát môi trường bao gồm giám sát chất lượng không khí và nước thải.

SXSH không chỉ mang lại lợi ích từ việc tiết kiệm năng lượng sử dụng, giảm phát thải, giảm lượng nước tiêu thụ, mà còn giúp công ty phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, khẳng định uy tín. Các giải pháp SXSH đã được thực hiện tại Công ty là các ví dụ điển hình cho các Doanh nghiệp trong ngành công nghiệp sản xuất tinh bột sắn tại Việt Nam./.