Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ hai, 05/05/2025 | 08:53 GMT+7

Kinh tế tuần hoàn

Doanh nghiệp nhiệt điện chuyển mình vì mục tiêu xanh

04/05/2025

Trước yêu cầu phát triển bền vững và giảm phát thải khí nhà kính, nhiều doanh nghiệp nhiệt điện tại Việt Nam đang tích cực đầu tư công nghệ, quản lý chất thải hiệu quả và thúc đẩy các hoạt động bảo vệ môi trường, từng bước xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn, xanh hóa không gian làm việc và tăng cường gắn kết với cộng đồng địa phương.
Trước bối cảnh toàn cầu đang tăng tốc chuyển dịch năng lượng để giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, Việt Nam cũng không đứng ngoài xu thế này, nhưng với đặc thù cơ cấu điện hiện tại, nhiệt điện than vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Do đó, để giải quyết  bài toán cân bằng giữa vận hành nhiệt điện mà vẫn bảo vệ được môi trường, đáp ứng các cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, nhiều doanh nghiệp trong ngành đã và đang nỗ lực chuyển mình, chủ động áp dụng công nghệ hiện đại, tăng cường kiểm soát khí thải, và xanh hóa hoạt động sản xuất. Những giải pháp cụ thể tại các nhà máy nhiệt điện là minh chứng cho hướng đi đầy trách nhiệm đó.
Kiểm soát nguồn nước thải
Là một trong những doanh nghiệp điển hình trong sản xuất sạch, sản xuất xanh của Tổng Công ty Phát điện 3 (EVNGENCO3), bên cạnh sản xuất an toàn, ổn định, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, trong những năm qua, Công ty Nhiệt điện Mông Dương - đơn vị quản lý vận hành Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 1 (2x 540MW) - đã làm tốt công tác bảo vệ môi trường, sản xuất xanh - sạch, được các cơ quan quản lý Nhà nước và cộng đồng người dân địa phương ghi nhận.
Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 1 hiện có ba loại nước thải chính gồm: nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt và nước làm mát. Để kiểm soát các nguồn thải, mỗi loại nước thải đều được xử lý qua hệ thống riêng biệt, ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm đảm bảo toàn bộ lượng nước thải phát sinh trong quá trình sản xuất đều được xử lý triệt để. Công tác giám sát, kiểm tra chất lượng nước sau xử lý được thực hiện thường xuyên, bảo đảm đạt các tiêu chuẩn theo quy định của cơ quan chức năng.
Đặc biệt, toàn bộ số liệu quan trắc khí thải và nước thải đều được truyền trực tuyến qua hệ thống quan trắc tự động. Dữ liệu này hiển thị công khai trên bảng điện tử màn hình LED tại cổng Nhà máy và đồng thời gửi về Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Quảng Ninh để phục vụ giám sát, đánh giá. Điều này góp phần tăng cường tính minh bạch trong hoạt động bảo vệ môi trường.
Bảng thông số môi trường lắp đặt tại cổng chính Công ty Nhiệt điện Mông Dương (Ảnh: mongduongtpc)
Những giải pháp trên cũng được ứng dụng hiệu quả tại Công ty CP Nhiệt điện Hải Phòng. Nhân dịp chào mừng Đại hội Đảng bộ Công ty khóa V, nhiệm kỳ 2025–2030, Công ty đã gắn biển và đưa vào sử dụng công trình “Nâng cấp hệ thống quan trắc tự động liên tục khí thải, nước thải và lắp mới hệ thống giám sát nước thô”. Hệ thống mới này đáp ứng đầy đủ quy định tại Thông tư 10/2021/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đảm bảo việc quan trắc môi trường được thực hiện theo đúng kỹ thuật và quy chuẩn.
Hệ thống cho phép giám sát 24/24 chất lượng khí thải, nước thải từ các nguồn phát sinh trong Nhà máy, đồng thời thu thập và truyền dữ liệu quan trắc liên tục đến cơ quan quản lý. Các thông số được công khai minh bạch, tạo niềm tin cho cộng đồng địa phương và khẳng định cam kết phát triển bền vững của Công ty trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Tái sử dụng tro xỉ
Tro xỉ – chất thải rắn phát sinh từ quá trình đốt than – từng là bài toán nan giải đối với các nhà máy nhiệt điện. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đã chủ động tìm hướng xử lý hiệu quả, biến chất thải thành nguyên liệu phục vụ xây dựng. Công ty Nhiệt điện Hải Phòng là một ví dụ điển hình, khi mỗi năm tiêu thụ gần 600.000 tấn tro xỉ làm nguyên liệu sản xuất xi măng, gạch không nung và vật liệu san lấp nền.
Công ty đã hợp tác với các doanh nghiệp vật liệu xây dựng, xây dựng kho bãi lưu chứa tro xỉ theo tiêu chuẩn kỹ thuật, đồng thời lấy mẫu định kỳ để đánh giá chất lượng theo TCVN. Tính đến cuối năm 2024, lượng tro xỉ được tái sử dụng đạt gần 90% tổng phát sinh, góp phần giảm áp lực chôn lấp, bảo vệ tài nguyên đất và giảm chi phí vận hành cho nhà máy.
Nhiều doanh nghiệp đã chủ động tìm hướng xử lý tro xỉ hiệu quả (Ảnh: Bnews)
Đáng chú ý, việc tái sử dụng tro xỉ còn được coi là một phần trong mô hình kinh tế tuần hoàn mà Chính phủ Việt Nam đang khuyến khích triển khai tại các khu công nghiệp. Không ít doanh nghiệp đã tiến tới xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ tro xỉ dài hạn với các đối tác trong ngành vật liệu, tạo nên một hệ sinh thái tái chế bền vững. Đây là hướng đi vừa giúp tiết kiệm tài nguyên, vừa hạn chế phát thải, phù hợp với định hướng tăng trưởng xanh quốc gia.
Giảm bụi phát tán
Tại khu vực khô nóng và gió mạnh như Bình Thuận, Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 chủ động đầu tư các hạng mục kỹ thuật nhằm kiểm soát bụi than phát tán. Hệ thống kho than được bao che kín hoàn toàn, băng tải vận chuyển được thiết kế khép kín và có bổ sung hệ thống phun sương công suất lớn hoạt động tự động theo điều kiện thời tiết thực tế. Đặc biệt, đơn vị lắp đặt tường chắn gió cao hơn 20m, kết hợp trồng hàng rào cây xanh xung quanh khu vực kho bãi nhằm giảm vận tốc gió và hạn chế bụi phát tán ra khu dân cư.
Ông Đỗ Huỳnh Phong - Phó Giám đốc Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân cho biết: “Công ty đã tăng cường nhiều biện pháp ngăn ngừa, hạn chế phát tán bụi như: xây dựng tường chắn gió, lắp bổ sung mái che kho than, vận chuyển từ cảng đến kho than bằng băng tải kín, vận hành hệ thống phun nước và dập bụi ở khu vực kho than. Điều này rất quan trọng, đảm bảo than luôn được tưới ẩm đầy đủ, không xảy ra hiện tượng bay bụi khi có gió lớn. Ngoài ra, Công ty trang bị hệ thống giám sát 24/24 tốc độ gió và camera theo dõi liên tục, đảm bảo chất lượng không khí bên trong và bên ngoài kho than. Bên cạnh đó, than được phun sương, tưới ẩm trong suốt quá trình bốc dỡ để chống phát tán bụi. Khi có gió lớn, Công ty tạm ngừng quá trình bốc dỡ than theo đúng quy định vận hành”.
Nhiệt điện Vĩnh Tân phủ xanh không gian xung quanh nhà máy (Ảnh: Genco3)
Còn tại Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 1, để kiểm soát khói bụi, đang vận hành hệ thống lọc bụi tĩnh điện (ESP) – công nghệ có hiệu suất lọc cao. Từ khi đi vào hoạt động, hệ thống ESP luôn vận hành ổn định, được bảo dưỡng và nâng cấp định kỳ. Nhờ đó, nồng độ bụi tại các điểm xả thải luôn nằm trong giới hạn cho phép, đáp ứng đầy đủ các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp.
Phủ xanh nhà máy
Nhiều doanh nghiệp ngành điện hướng tới mô hình “nhà máy trong công viên”, lấy cây xanh làm trung tâm trong định hướng không gian sản xuất. Tại Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải (Trà Vinh), hàng chục nghìn cây xanh được trồng trong và ngoài khuôn viên, kết hợp hồ nước điều hòa, vừa tạo cảnh quan, vừa giúp lọc bụi và giảm nhiệt. Tổng diện tích cây xanh chiếm hơn 20% diện tích toàn bộ nhà máy.
Không chỉ dừng lại ở việc trồng cây, công tác duy tu, chăm sóc cũng được tổ chức bài bản. Các tuyến đường nội bộ được tưới nước thường xuyên để hạn chế bụi, hệ thống vườn hoa, thảm cỏ được phân công nhân sự chăm sóc định kỳ. Một số đơn vị còn xây dựng khu sinh thái, vườn rau hữu cơ, không gian thể thao để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động.
Hưởng ứng chương trình tết trồng cây tại Nhiệt điện Mông Dương (Ảnh: mongduongtpc)
Lan tỏa trách nhiệm với cộng đồng
Song song với các hoạt động môi trường trong nội bộ nhà máy, các doanh nghiệp nhiệt điện còn tích cực tham gia hỗ trợ cộng đồng địa phương. Hằng năm, các chương trình an sinh xã hội như tặng quà học sinh nghèo, cải tạo trường học, cấp nước sinh hoạt mùa hạn mặn, sửa chữa hệ thống điện chiếu sáng nông thôn… được triển khai rộng khắp.
Bên cạnh việc hỗ trợ vật chất, một số đơn vị còn phát triển mô hình “nhà máy mở cửa”, tổ chức các buổi tham quan thực tế cho người dân, sinh viên và học sinh đến tìm hiểu quy trình vận hành, từ đó nâng cao sự minh bạch và tạo dựng niềm tin từ cộng đồng. Trong nhiều trường hợp, chính người dân địa phương đã trở thành lực lượng giám sát tự nhiên, góp ý kịp thời để nhà máy điều chỉnh hoạt động hợp lý, tránh gây ảnh hưởng đến môi trường sống xung quanh.
Trong bối cảnh Việt Nam cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, sự chuyển mình tích cực của các nhà máy nhiệt điện có vai trò quan trọng trong hành trình hiện thực hóa các mục tiêu về tăng trưởng xanh. Tuy nhiên, để duy trì được đà tiến bộ này, cần có thêm sự hỗ trợ từ cơ chế chính sách, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, cũng như hoàn thiện bộ tiêu chí đánh giá mức độ phát thải theo hướng tiếp cận quốc tế. Việc thúc đẩy các quỹ tín dụng xanh, ưu đãi thuế cho các dự án giảm phát thải cũng là những giải pháp thiết thực nhằm khuyến khích doanh nghiệp tiếp tục theo đuổi con đường phát triển bền vững.
Dù còn nhiều thách thức, đặc biệt là về chi phí đầu tư và chuyển đổi nhiên liệu, những bước đi cụ thể và đồng bộ hiện nay là tiền đề để ngành điện nói chung và nhiệt điện nói riêng hội nhập sâu hơn vào tiến trình phát triển bền vững của quốc gia.
Minh Khuê