Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 23:44 GMT+7

Tin hoạt động

Đến năm 2020 sẽ không còn cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

20/11/2012

Thứ trưởng cho biết, sau hơn 9 năm triển khai thực hiện Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đến nay đã có 370 cơ sở (chiếm 84,3%) trong tổng số 439 cơ sở được thống kê trong giai đoạn I (từ 2003-2007), hoàn thành các biện pháp xử lý, không còn gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Còn trong 3.856 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được thống kê tại thời điểm trước năm 2003, đến nay chỉ còn 372 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đang tiến hành các biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để.

Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng nhận định, kể từ khi thống kê các cơ sở nói trên đến nay đã gần 10 năm, cùng với quá trình phát triển kinh tế, nhiều doanh nghiệp xuất hiện kéo theo ô nhiễm gia tăng, theo đó đã tồn tại và phát sinh một số lượng khá lớn các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, gây bức xúc trong đời sống nhân dân.

Do đó, việc xây dựng một lộ trình hợp lý để các cơ sở nói trên tiến hành biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để là giải pháp thích hợp, vừa bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường, vừa bảo đảm sự phát triển kinh tế, an sinh xã hội.

Ông cho biết thêm, theo Dự thảo kế hoạch khung về việc xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiến hành tổng rà soát, thống kê toàn bộ các cơ sở đang hoạt động có phát sinh chất thải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đưa vào danh mục kèm theo thời gian và các biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để có tính khả thi; trình Thủ tướng Chính phủ hoặc Chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt theo phân cấp. Bên cạnh đó là triển khai đồng bộ các giải pháp phòng ngừa ô nhiễm nhằm ngăn chặn việc phát sinh các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mới.

Cụ thể, trong giai đoạn từ nay tới năm 2015, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phê duyệt danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được rà soát tới năm 2012 và lộ trình xử lý dựa trên báo cáo của các địa phương. Hiện đã có 25 địa phương báo cáo. Trong quá trình xử lý, các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng sẽ được giao trách nhiệm trực tiếp cho chủ tịch UBND các tỉnh, gắn liền với các biện pháp và thời gian để hoàn thành việc xử lý cơ sở đó. Các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải áp dụng các biện pháp tạm thời để giảm thiểu ô nhiễm; xây dựng kế hoạch xử lý triệt để tại cơ sở, báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về môi trường ở địa phương để kiểm tra, theo dõi, công bố công khai cho cộng đồng dân cư cùng phối hợp giám sát; định kỳ báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về môi trường ở địa phương tiến độ xử lý.

Tiếp theo đó, đến giai đoạn 2016 - 2020, cơ quan chức năng cũng sẽ tiến hành kiểm soát, ngăn chặn việc phát sinh mới các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại các Bộ, ngành và địa phương; tiến hành thanh tra, kiểm tra, quyết định tạm đình chỉ, cấm hoạt động đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng chưa hoàn thành tiến độ xử lý triệt để. Tổ chức cưỡng chế thực hiện đối với các trường hợp không nghiêm chỉnh thực hiện các quyết định tạm đình chỉ hoạt động, cấm hoạt động.

Sau khi nghị định 117 về xử phạt trong lĩnh vực môi trường ra đời, mức phạt đã cao hơn gấp bảy lần so với trước đây, góp phần giải quyết các cơ sở chây ỳ, không giải quyết ô nhiễm do họ gây ra. Thêm vào đó, vừa qua, Quốc hội cũng đã thông qua luật Xử lý vi phạm hành chính trong nhiều lĩnh vực khác nhau, mức phạt trong thời gian tới với lĩnh vực môi trường sẽ lên tới 2 tỉ đồng. Các địa phương cho rằng đây là mức phạt phù hợp để tránh tình trạng nhiều cơ sở thấy kinh phí phải bỏ ra để xử lý ô nhiễm quá lớn trong khi mức phạt quá thấp nên họ đồng ý chấp nhận chịu phạt, việc phạt không có ý nghĩa gì với họ.

Thứ trưởng cũng khẳng định rằng, để đạt được mục tiêu như đã đề ra, song song với việc thực hiện các biện pháp đồng bộ về chính sách, tài chính, công nghệ, cũng cần phải đẩy mạnh việc công khai thông tin về cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhằm thu hút sự quan tâm, giám sát của cộng đồng, tạo sức ép buộc các cơ sở đầu tư xử lý triệt để theo đúng tiến độ.