Sau những biến cố “động trời” thời điểm Tết Nguyên đán năm 2010, có thể nói Than Mạo Khê đã có những cú vươn mình ngoạn mục dưới sự dẫn dắt của tập thể lãnh đạo mới đầy tâm huyết và sức trẻ. Năm 2011, kế hoạch sản lượng và doanh thu đều vượt chỉ tiêu với tổng sản lượng 1.780.000 tấn than và mức lãi ròng 52 tỷ đồng. Năm 2012, công ty đã tiết giảm 50% chi phí sản xuất, hạ sản lượng khai thác 250.000 tấn; đồng thời điều chuyển lao động qua các khâu xây dựng cơ bản, phụ trợ để bảo đảm đủ việc làm và ổn định thu nhập cho người lao động. Năm 2012, kế hoạch tiết giảm về tập đoàn là 59 tỉ đồng.
Với mức lương bình quân dự kiến cả năm là 8,6 triệu đồng/người/tháng, than Mạo Khê hiện đứng trong top những doanh nghiệp có mức thu nhập cao của Vinacomin. Tồn kho ở mức không đáng kể. Mặc dù tình hình tiêu thụ than khá khó khăn, nhưng sản phẩm của Mạo Khê vẫn cung cấp đều cho Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại và một số khách hàng trong nước. Đặc biệt loại than 6b của công ty được Trung Quốc nhập khẩu nhiều để sử dụng cho các nhà máy nhiệt điện.
Cải thiện mạnh mẽ điều kiện làm việc
Theo Phó giám đốc Phạm Văn Minh, thành công lớn nhất của Than Mạo Khê trong 2 năm qua là có những bước cải thiện mạnh mẽ điều kiện làm việc thông qua việc đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho đổi mới công nghệ. Điều này càng đặc biệt ý nghĩa với Mạo Khê - một trong những mỏ có khí nổ siêu hạng, hội tụ nhiều yếu tố khó khăn bất cứ lúc nào cũng có thể bùng phát: bục nước, nổ khí, áp lực mỏ…
Hiện nay, tiết diện hầm lò ở Mạo Khê đã được mở rộng, bảo đảm sự thông thoáng, an toàn hơn. Hầu hết các mỏ đều có có hệ thống thiết bị vận chuyển người (song loan) từ trên mặt bằng xuống gương lò, giúp giảm thiểu sức lao động của thợ lò, tiến hành thay đổi lại hệ thống kết cấu chống. Anh Minh nhấn mạnh: “Việc “băng tải hóa” đã được thực hiện ở tất cả những khu vực sản xuất có thể sử dụng băng tải, thay cho những máng cào lạc hậu ngày nào. Các vỉ chống bằng gỗ thô sơ, độ an toàn thấp cũng đã có tới 77% được thay thế bằng thép… Nhờ đó, môi trường hầm lò trở lên thoáng đãng, an toàn, năng suất lao động của người thợ lò theo đó được nâng lên”.
Cùng với đó, Mạo Khê còn tích cực đầu tư thiết bị khoan xúc, đẩy mạnh tốc độ đào lò, thiết bị khoan thăm dò…, chuẩn bị tích cực cho sản xuất những năm sau.
Từ sau sự việc năm 2010, Than Mạo Khê đã siết chặt hệ thống an ninh trật tự. Tiền lương của hơn 100 nhân viên chuyên trách ở lực lượng này được nâng lên 150% so với trước đây. Hoạt động của lực lượng bảo vệ cũng được tổ chức theo vùng, khu vực đến từng cá nhân. Họ được trang bị các công cụ hỗ trợ, áo chống đạn, bảo đảm an toàn đến mức cao nhất khi phải đối mặt với tình thế bất lợi. Công ty cũng đặc biệt tăng cường công tác phối hợp với chính quyền địa phương và các ngành chức năng trong quản lý tài nguyên và lãnh thổ, xử lý kiên quyết, triệt để một số trường hợp tiếp tục đào lò, xâm phạm tài nguyên mỏ.
Mạo Khê đang khai thác ở mức -150, nhưng trong tương lai gần sẽ phải xuống sâu hơn tới mức -400. Phương án mở diện sản xuất ở mức này theo phương thức lò đứng dự kiến sẽ khởi công vào năm 2013 với trữ lượng tài nguyên khoảng 60 triệu tấn và thời gian khai thác 30 năm.
Thành công từ việc xã hội hóa
Ngày 11/11/2012, Công ty Than Mạo Khê chính thức khánh thành Hệ thống băng tải cấp than cho Nhà máy nhiệt điện Mạo Khê - ghi dấu sự thành công của Vinacomin trong việc kêu gọi xã hội hóa.
Nhà thầu của hệ thống là Công ty cơ khí Yên Thọ với nguồn vốn đầu tư khoảng 170 tỷ đồng. Sau hơn 6 tháng thi công, hệ thống băng tải đã chính thức vận hành thương mại an toàn, hiệu quả từ cuối tháng 10/2012.
Được biết, tuyến băng tải dài 3,6 km từ kho than nhà sàng tuyển Mạo Khê tới Nhà máy nhiệt điện Mạo Khê. Qua tính toán, giá khoán vận chuyển là 20.700 đồng/tấn, nhưng Công ty Cơ khí Yên Thọ đã thắng thầu với giá chỉ 16.200 đồng/tấn. Như vậy, Vinacomin đã tiết kiệm được 20% chi phí, trong khi đó lại không phải tuyển dụng, đào tạo lao động, nhà máy lại được công ty thắng thầu đảm bảo vận hành trong thời gian 26 năm. Đặc biệt, so với hình thức đầu tư trước đây, cách làm này tiết kiệm chi phí tới khoảng 15%; thời gian thi công rút ngắn; việc bảo vệ sản phẩm (than) trên đường vận tải lại được Công ty Cơ khí Yên Thọ đảm nhiệm.
Với hệ thống băng tải này, than vận chuyển cho Nhà máy nhiệt điện Mạo Khê sẽ có giá thành hợp lý hơn, người dân không còn bị ám ảnh bởi bụi than như khi vận chuyển bằng ô tô - anh Minh khẳng định