Trong giai đoạn 2009 - 2015, số lượng các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh đã tăng lên và mở rộng qua từng năm. Năm 2009, số lượng cơ sở mới chỉ dừng ở con số 1.526 cơ sở. Tính đến hết tháng 12 năm 2015, số lượng cơ sở này đã tăng lên 1.650 cơ sở. Kéo theo sự tăng lên về số lượng các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, số lượng lao động tại các cơ sở này cũng tăng lên trung bình 4,18%/năm, từ 7.039 lao động năm 2009 lên khoảng 9.000 lao động năm 2015. Đặc biệt, số lượng người lao động có việc làm từ hoạt động khuyến công tăng từ 215 người lên 700 người, tương đương với mức 21,74%/năm.
Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh đã hỗ trợ 8 mô hình trình diễn kỹ thuật nghề chế biến lâm sản; hỗ trợ các cơ sở ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất sản phẩm mới, thu hút 600 triệu đồng vốn đối ứng; hỗ trợ thiết bị sản xuất sản phẩm mới và nghề truyền thống cho 8 cơ sở, giải quyết việc làm cho trên 300 lao động; hỗ trợ sử dụng tiết kiệm năng lượng cho nông dân theo hướng sản xuất sạch hơn. Một số đề án đã được hoàn thành và đạt hiệu quả cao bao gồm: Mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất gạch không nung tại Công ty TNHH MTV Du Trọng Đại; mô hình trình diễn sản xuất tôn chống nóng tại Công ty TNHH Giang Hiền
Gần 1300 lao động mới đã được đào tạo và hơn 740 người trong số đó đã tìm được việc làm. Công tác khuyến công đã được phổ biến cho 200 cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp.
Nhìn chung, chương trình khuyến công tỉnh Cao Bằng đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực khi giúp các cơ sở CNNT tiếp cận với thiết bị hiện đại, giảm lao động thủ công, tăng năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm. Chương trình cũng góp sức khôi phục nghề truyền thống như: Đúc, rèn, giấy dó, phát triển nghề mới… các nghề này vẫn duy trì ổn định, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động. Bên cạnh đó, trong các cuộc bình chọn sản phẩm công nghiệp tiêu biểu, Tỉnh Cao Bằng đã có 17 sản phẩm được công nhận chất lượng cấp tỉnh, 5 sản phẩm và 1 nhóm sản phẩm được công nhận chất lượng cấp khu vực.
Tuy nhiên, hầu hết các cơ sở, doanh nghiệp công nghiệp nông thôn trên địa bàn Tỉnh Cao Bằng có quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Điều này khiến công tác khuyến công gặp nhiều khó khăn trong việc huy động vốn, đầu ra của sản phẩm bị hạn chế. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí cấp cho công tác khuyến công địa phương hàng năm còn hạn hẹp; địa bàn triển khai đề án khuyến công chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện giao thông đi lại khó khăn ảnh hưởng tới tiến độ và hiệu quả của các đề án.
Để gỡ những khó khăn và nâng cao hiệu quả của công tác khuyến công, UBND tỉnh Cao Bằng đã phê duyệt Chương trình khuyến công giai đoạn 2016-2020 với tổng kinh phí thực hiện dự kiến 11.200 triệu đồng. Chương trình cũng đề ra nhiều giải pháp mang tính khả thi cao bao gồm: Phối hợp với các phương tiện truyền thông tuyên truyền về công tác khuyến công, tổ chức các khóa đào tạo nghề, truyền nghề, trong đó hỗ trợ đào tạo cho nhóm nghề chế biến lâm sản, gia công cơ khí, các nghề truyền thống thủ; hỗ trợ 8 cơ sở ứng dụng máy móc thiết bị, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; xây dựng các mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn.
Văn phòng CPSI