Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 28/11/2024 | 16:59 GMT+7

Khoa học công nghệ

Biến phế phẩm nông nghiệp thành sản phẩm tiêu dùng

28/11/2024

Việt Nam hiện có rất nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu ra thế giới cũng như tiêu dùng trong nước. Bên cạnh sản phẩm chính thì phế phụ phẩm từ nông nghiệp hàng năm loại thải ra rất nhiều, gây lãng phí nguồn tài nguyên. Do đó, biến phụ phẩm nông nghiệp thành sản phẩm tiêu dùng không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế mà còn giảm phát thải ra môi trường. 
Tổng lượng phế, phụ phẩm trong nông nghiệp của Việt Nam vào năm 2022 ước tính gần 160 triệu tấn. Lượng phế, phụ phẩm sau thu hoạch cây trồng trên đồng ruộng khoảng 90 triệu tấn (chiếm 56,2%). Trong đó, phụ phẩm trồng trọt sau thu hoạch từ rơm lúa chiếm khối lượng lớn (42,8 triệu tấn), thân cây bắp (10 triệu tấn), rau và quả (3,6 triệu tấn), thân cây mì (3,1 triệu tấn), trái giả đào lộn hột (3,1 triệu tấn) và các loại khác (6,1 triệu tấn). Trong đó có tới 61% là hữu cơ có thể tái chế được, chứa đựng lượng dinh dưỡng rất tốt, có thể hoàn trả, cải tạo bồi dưỡng lại cho đất.
Tận dụng được nguồn phế thải nông nghiệp tạo ra các sản phẩm khác là một hoạt động đem lại hiệu quả cao, không chỉ về kinh tế mà còn góp phần giảm phát thải ra môi trường. Cùng điểm qua một số sản phẩm từ phế thải nông nghiệp sau đây:
Sản xuất màng bọc thực phẩm từ nước dừa khô 

PGS.TS Hoàng Xuân Niên và cộng sự Trường Đại học Thủ Dầu Một đã thực hiện thành công đề tài “Nghiên cứu công nghệ sản xuất màng cellulose sinh học từ nước quả dừa khô ứng dụng làm bao gói thực phẩm”. 

Sau ba năm thực hiện đề tài,  PGS.TS Hoàng Xuân Niên và cộng sự , với sự hợp tác của các nhà nghiên cứu ở Phân hiệu Trường Đại học Lâm nghiệp Đồng Nai và Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh đã tạo ra mô hình thiết bị sản xuất màng cellulose sinh học từ nước quả dừa khô quy mô công suất 300 kg/ngày.

Mô hình sản phẩm làm từ nước quả dừa khô có thể đạt công suất lớn 300 kg/ngày. (Ảnh: Báo Khánh Hòa). 

Theo PGS.TS Hoàng Xuân Niên, sản phẩm màng cellulose vi sinh được sản xuất theo phương pháp mới tạo ra sản phẩm mới sẽ có hiệu quả kinh tế cao. Năng suất của dây chuyền sản xuất cao, nguyên liệu sản xuất có thể tận dụng được những phần loại ra từ các quá trình sản xuất những sản phẩm từ celluose vi sinh khác.

Đặc biệt, kích thước sản phẩm lớn, nhiều định lượng nên có thể sử sụng theo nhiều mục đích khác nhau. Sản phẩm khô, dễ bảo quản, dễ vận chuyển, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững ngành chế biến dừa.

Sự hình thành bộ tiêu chuẩn cơ sở cho sản phẩm màng cellulose sinh học, quy trình công nghệ sản xuất đi kèm đã giúp sản phẩm thu hút được khách hàng. Dự kiến từ năm 2025, sản phẩm sẽ được ứng dụng tại Công ty TNHH chế biến sản phẩm dừa Cửu Long, DNTN và Công ty TNHH Vĩnh Tiến để đưa sản phẩm ra thị trường.

Sản xuất vật liệu dệt sinh thái từ xơ lá dứa

Sau hơn 3 năm nghiên cứu và phát triển, Bảo Lân Textile và Ecofa Việt Nam vừa chính thức giới thiệu tơ, sợi, vải sinh thái Ananas được sản xuất đại trà từ xơ lá dứa - một phế phẩm nông nghiệp phổ biến tại Việt Nam.

Trong đó, Ecofa Việt Nam đảm nhiệm việc cung cấp tơ dứa sẵn sàng kéo sợi và sợi pha trộn. Thử nghiệm này bắt đầu vào giữa năm 2021. Đến đầu năm nay, công ty đã có thể cung cấp 18 tấn tơ dứa từ hơn 1 triệu tấn lá dứa thu hoạch mỗi tháng. Dự kiến sản lượng sẽ tăng lên 50 tấn/tháng vào cuối năm 2025.

Sợi Ananas được sản xuất đại trà (Ảnh: Tạp chí 1 Thế giới). 

“Biến phế phẩm trồng dứa thành sợi vải may mặc” không phải là khái niệm mới. Quy trình được hiểu đơn giản là tách xuất xơ dứa thô (cùng màu & độ dài) từ lá, rồi “bông” xơ thô thành tơ (đảm bảo đồng đều màu, độ ẩm, dài & mảnh). Lúc này, tơ dứa mới được dùng kéo sợi, dệt vải. Sau đó, Bảo Lân Textile sẽ sử dụng tơ dứa do Ecofa Việt Nam cung cấp để tạo ra các sản phẩm sợi và vải dứa Ananas phục vụ ngành dệt, may mặc, thời trang, nội thất...

Ngoài ra, các sản phẩm từ Ananas được Viện Nghiên cứu Dệt may TP. Hồ Chí Minh (VTRSI-TTC) và Tổ chức Kiểm tra và phân tích kỹ thuật Nissenken (Nhật Bản) cấp chứng nhận cho 4 tính năng gồm độ bền vải, khử mùi tự nhiên trên sợi, kháng khuẩn tự nhiên trên sợi và chống UV tự nhiên trên tơ lên đến 50+UPF.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó tổng thư ký Hiệp Hội Dệt may Việt Nam (Vitas) nhìn nhận trong bối cảnh ngành dệt may trong nước và thế giới vẫn còn thiếu nguyên liệu sản xuất hướng đến thời trang xanh, việc thành công nghiên cứu và sản xuất đại trà, khép kín tơ sợi dứa đủ chất lượng làm vải may mặc, có tác động rất tích cực đến sự phát triển ngành dệt may, không chỉ trong biên giới Việt Nam.

"Sản phẩm đánh dấu bước ngoặt lớn cho sự kết nối giữa ngành nông nghiệp trồng dứa Việt Nam và xu thế thời trang xanh toàn cầu", bà Mai nhấn mạnh.

Sản phẩm pallet làm từ sơ vỏ dừa

Từ phế phẩm nông nghiệp như vỏ dừa, vỏ trấu, vỏ cà phê, vụn gỗ…, những tấm pallet thành hình khởi nguồn từ một start-up nhằm sản xuất, nghiên cứu giải pháp thay thế nhựa bằng phế phẩm nông nghiệp bị vứt bỏ, cũng là nỗ lực góp phần giải quyết các vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa và phát thải khí nhà kính từ ngành nhựa.

Đây là sáng kiến mang tên NetZero Pallet của startup AirX Carbon do Lê Thanh và Dương Tiết Anh sáng lập - dự án giành giải quán quân trong cuộc thi Startup Wheel 2024.

Sản phẩm từ xơ dừa của startup AirX Carbon (Ảnh: Báo Tuổi trẻ). 

Xơ và vỏ dừa khô, sạch, không lẫn tạp chất được chọn lựa và thu mua từ các nhà máy chế biến dừa hoặc mua trực tiếp từ các vựa thu mua phế liệu nông nghiệp. Sau đó, phơi hoặc sấy khô xơ dừa để đảm bảo độ ẩm phù hợp đồng thời để xơ dừa có điều kiện tốt nhất.

Kết hợp công nghệ sản xuất dưới áp suất và nhiệt độ cao hình thành nên pallet phế phẩm nông nghiệp xơ dừa cứng cáp và có tải trọng tương đương với pallet gỗ và pallet nhựa truyền thống với hơn 2 tấn tải trọng động dành cho vận tải và 5 tấn tải trọng tĩnh dành cho lưu trữ.

NetZero Pallet có cấu trúc phẳng dùng để cố định hàng hóa mỗi khi dùng xe nâng pallet, hoặc các thiết bị vận chuyển khác. Anh Lê Thanh cho biết, tương tự pallet gỗ truyền thống, nhưng pallet xơ dừa có giá bán rẻ hơn 20%, thiết kế có thể xếp chồng lên nhau giúp tiết kiệm 70% không gian kho bãi và giảm 50% chi phí vận chuyển.

"Quan trọng là thực hành kinh tế tuần hoàn, khai thác giá trị của phế phẩm nông nghiệp, tránh phá rừng khai thác gỗ làm pallet, nhất là tạo thêm dòng thu nhập mới cho nông dân địa phương", anh Lê Thanh chia sẻ.

Việc biến phế phẩm nông nghiệp thành các sản phẩm tiêu dùng không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần quan trọng trong việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Bằng cách tận dụng nguồn tài nguyên sẵn có, chúng ta không chỉ giảm thiểu lượng rác thải nông nghiệp mà còn tạo ra những sản phẩm giá trị, thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn. Đây là hướng đi tiềm năng cho ngành nông nghiệp, giúp nâng cao giá trị sản xuất và mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp, góp phần vào sự phát triển xanh và bền vững của đất nước.

Hoàng Dương