Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 07/11/2024 | 08:26 GMT+7

Tiêu dùng bền vững

Tăng cường thực thi chính sách tiêu dùng xanh

22/03/2024

Hiện nay, tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành và thực thi chính sách tiêu dùng xanh (TDX) với nhiều hoạt động, chương trình cụ thể nhằm nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp và cán bộ cơ quan nhà nước liên quan đến TDX, đồng thời tạo sự chuyển biến mạnh trong việc phát triển sản phẩm, dịch vụ xanh hay mở rộng thị trường phân phối cho sản phẩm tiết kiệm năng lượng, thực phẩm hữu cơ hoặc các sản phẩm xanh khác. Tuy nhiên, việc thực thi chính sách TDX ở Việt Nam thời gian qua vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, khó khăn, đòi hỏi phải có giải pháp phù hợp trong thời gian tới, từ đó góp phần phát triển nền kinh tế xanh (KTX) và bền vững ở Việt Nam.
Thách thức của TDX
Thuật ngữ TDX xuất hiện từ những năm 1960 tại châu Âu và Hoa Kỳ. Năm 1963, Tổ chức quốc tế của Hiệp hội người tiêu dùng (International Organization of Consumer Unions - IOCU) lần đầu tiên đề xuất khái niệm về TDX và cho rằng, người tiêu dùng nên có các nghĩa vụ xanh. Tuy nhiên, cho đến hiện nay, bản chất của TDX là hoạt động mua, sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường của con người, hướng tới gìn giữ, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường (BVMT), không đe dọa đến hệ sinh thái tự nhiên, qua đó đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng xanh (TTX) của nền kinh tế.
Mặc dù Việt Nam chưa có quy định riêng biệt về TDX, nhưng nhiều nội dung liên quan đến TDX đã sớm được lồng ghép, quy định trong nhiều văn bản của Đảng và Nhà nước. Yếu tố “xanh” lần đầu tiên được đề cập trong Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của Việt Nam giai đoạn 2011-2020, trong đó xác định việc chuyển đổi phương thức tiêu dùng theo hướng bền vững, nhằm bảo vệ, cải thiện chất lượng môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu là yêu cầu cấp thiết. Chiến lược nhấn mạnh tới các nội dung: nâng cao ý thức BVMT, gắn nhiệm vụ, mục tiêu BVMT với phát triển KT-XH; chú trọng phát triển KTX, thân thiện với môi trường; thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững; từng bước phát triển năng lượng sạch, sản xuất sạch, tiêu dùng sạch.
Việc dùng bao bì thân thiện với môi trường chính là một trong những cách TDX.
Mặc dù chủ trương, chính sách, chiến lược về TDX đã khá toàn diện và đầy đủ, nhưng thực tế cho thấy, việc hiện thực hóa những chủ trương, chính sách này thành quy định pháp luật và có thể áp dụng vào thực tiễn đời sống, nhằm hướng đến mục tiêu hạn chế, loại bỏ việc tiêu dùng hàng hóa không thân thiện với môi trường vẫn còn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, trong đó, thách thức lớn nhất đối với TDX là: giá sản phẩm hàng hóa, dịch vụ; ý thức, trách nhiệm BVMT từ doanh nghiệp còn hạn chế và thói quen tiêu dùng.
Giá sản phẩm hàng hóa, dịch vụ: Hiện nay, theo thống kê, sản phẩm hàng hóa, dịch vụ xanh, thân thiện với môi trường thường có giá cao hơn so với các loại hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thông thường cùng loại từ 20 đến 40%. Vì vậy, trong khi mức thu nhập bình quân của người dân còn thấp, thì việc cân nhắc để chọn lựa sản phẩm hàng hóa, dịch vụ xanh, thân thiện với môi trường là rất khó đối với người tiêu dùng. Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể áp đặt một cách máy móc, buộc các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, dịch vụ hàng hóa xanh phải giảm giá bán để cạnh tranh với hàng hóa thông thường, bởi lẽ, chi phí để sản xuất ra mặt hàng này khá tốn kém; đòi hỏi các tiêu chí cao về mặt quy trình sản xuất; vấn đề cung ứng, hệ thống dây chuyền, thiết bị, máy móc được sử dụng cũng có giá thành cao và gần như phải được đầu tư mới hoàn toàn; trình độ nhân sự tham gia vào quy trình sản xuất phải được đào tạo khoa học, bài bản…, làm tăng chi phí đầu vào của khâu sản xuất, cung ứng hàng hóa, dịch vụ và cấu thành vào giá thành sản phẩm, dẫn đến giá cả các mặt hàng, dịch vụ này cao hơn so với hàng hóa, dịch vụ thông thường.
Thói quen tiêu dùng: TDX là khái niệm khá mới và tương đối xa lạ với số đông người tiêu dùng cũng như các đơn vị sản xuất, cung ứng hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam, vì vậy, từ nhận thức đến ý thức về việc BVMT, sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường đang còn hạn chế. Đây là trở ngại rất lớn khi triển khai giải pháp và áp dụng quy định vào thực tiễn, bởi người tiêu dùng đã quen với những sản phẩm, hàng hóa mang tính tiện lợi, tiết kiệm, có thể sử dụng được lâu dài và nhiều lần như túi ni lông để đựng thức ăn; chai nhựa để đựng đồ uống thay vì các sản phẩm có công dụng tương tự như lá, giấy, tre nứa, các sản phẩm từ gỗ…
Ý thức BVMT của doanh nghiệp: Theo khảo sát của Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh, 70% doanh nghiệp không nghe đến chứng nhận nhãn xanh Việt Nam; hơn 50% doanh nghiệp không quan tâm đến biến đổi khí hậu; 60% doanh nghiệp không sẵn lòng đầu tư cho sản phẩm xanh... khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ trong sản xuất sản phẩm TDX là mâu thuẫn giữa 2 mục tiêu: lợi nhuận và TTX. Vì phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nên việc đầu tư chi phí ban đầu lớn, tác động rất nhiều đến việc tiếp cận công nghệ xanh. Doanh nghiệp có thể được chuyển giao công nghệ tiên tiến, hiện đại, nhưng yếu tố con người, trình độ năng lực còn chưa theo kịp.
Đề xuất một số giải pháp
Nhằm đẩy mạnh TDX trong thời gian tới, Việt Nam cần chú trọng thực hiện các giải pháp từng phía Nhà nước và doanh nghiệp
Về phía Nhà nước
Thứ nhất, Nhà nước phải xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, quy định pháp luật về TDX, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, minh bạch, nhằm đẩy mạnh áp dụng các công cụ KTX đối với hoạt động sản xuất, tiêu dùng, hệ thống tiêu chuẩn, tiêu chí phân loại xanh quốc gia, cập nhật thường xuyên cho các chương trình, dự án, sản phẩm, dịch vụ, công nghệ, ngành nghề. Đồng thời, phải có chính sách khuyến khích phát triển những ngành nghề, lĩnh vực áp dụng công nghệ sạch; đẩy mạnh xanh hóa sản xuất; xây dựng, nhân rộng các mô hình doanh nghiệp xanh; trợ giá cho sản phẩm, dịch vụ xanh và tăng cường tiếp thị quảng bá nhằm kích cầu tiêu dùng; huy động nguồn lực tài chính cho TTX, trong đó ưu tiên nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước, chú trọng nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công và chi thường xuyên cho các chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ về TTX; phát huy vai trò định hướng thị trường, dẫn dắt sản xuất, TDX của các doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp lớn trong nền kinh tế.
Thứ hai, cần xây dựng, hoàn thiện, áp dụng nghiêm túc, triệt để các công cụ chính sách tài chính ưu đãi, chương trình, giải pháp thúc đẩy thị trường vốn, bảo hiểm xanh; sử dụng các công cụ thuế, phí để điều chỉnh hành vi tiêu dùng không hợp lý, có hại cho sức khỏe, văn hóa và môi trường. Ngoài ra, ưu đãi về thuế, bao gồm thuế đối với nguồn nguyên liệu, chi phí đầu vào để sản xuất, cung ứng hàng hóa, dịch vụ xanh, thậm chí cần có chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với những doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực này… Qua đó, rút ngắn chênh lệch về giá thành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thông thường và hàng hóa, dịch vụ xanh, đảm bảo người tiêu dùng có khả năng tiếp cận như nhau về giá đối với các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ xanh.
Thứ ba, đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích của các sản phẩm xanh, chất lượng và giá cả cạnh tranh trên thị trường của sản phẩm xanh cũng như lợi ích thiết thực trong BVMT đến cộng đồng, người tiêu dùng, người sản xuất để thu hút lực lượng tiêu thụ sản phẩm xanh và nâng cao nhận thức về TDX; tạo mối quan hệ chặt chẽ giữa nhà sản xuất xanh, sản phẩm xanh và người TDX, đồng thời, phổ biến các thực hành tốt và hành động thiết thực về lối sống, TDX, hài hòa với thiên nhiên, gắn kết với các giá trị truyền thống.
Thứ tư, việc tạo ra một xu hướng TDX tại Việt Nam đòi hỏi cần có sự hợp tác từ các cơ quan quản lý nhà nước và sự quyết tâm đổi mới từ phía doanh nghiệp, do đó, Chính phủ có thể tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia khác trên thế giới để tiến hành trước một số chính sách cần thiết và khả thi như: Chương trình gắn Nhãn xanh, Chính sách mua sắm xanh... Bên cạnh đó, Chính phủ cần xây dựng chính sách khuyến khích doanh nghiệp tạo lập các kênh phân phối và tiếp thị, nhằm thu hút sự chú ý của người tiêu dùng, từ đó tạo được niềm tin của khách hàng đối với sản phẩm xanh.
Về phía doanh nghiệp
Cần tăng cường các biện pháp xúc tiến thương mại (quảng cáo, tuyên truyền) để người tiêu dùng biết được lợi ích thiết thực mà sản phẩm xanh mang lại cho cộng đồng, cho môi trường. Cùng với đó, tính sẵn có của sản phẩm phải được quan tâm, doanh nghiệp cần chú trọng đến hoạt động phân phối, đảm bảo sản phẩm luôn gần gũi, dễ tiếp cận đối với người tiêu dùng ở cả thành thị lẫn nông thôn.
Ngoài ra, để tồn tại trong bối cảnh mới, doanh nghiệp buộc phải chấp hành tốt các quy định về BVMT; chủ động cải tiến quy trình sản xuất, đổi mới công nghệ, phát triển nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, công nghệ sản xuất nhằm tiết kiệm tài nguyên, tiêu hao ít năng lượng; ưu tiên sử dụng nguyên vật liệu đầu vào thân thiện với môi trường. Đặc biệt, các doanh nghiệp phải luôn đặt vấn đề sức khỏe người của tiêu dùng lên hàng đầu, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm và có một chiến lược phát triển sản phẩm gắn liền với cam kết bền vững.
Thái Huy Ngọc - Trường Đại học Nguyễn Huệ
Nguồn: vjst.vn/vn