Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Chủ nhật, 22/12/2024 | 13:11 GMT+7

Điển hình

TP. Huế: Nỗ lực “xóa” rác thải nhựa trong khách sạn

12/03/2024

Đồng hành cùng Dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung” (WWF – Việt Nam), nhiều khách sạn tại TP. Huế (tỉnh Thừa Thiên – Huế) đã có những hành động, cách làm hay để giảm thiểu rác thải nhựa (RTN) trong hoạt động kinh doanh du lịch.
Từng bước giảm nhựa
Có mặt tại khách sạn Villa Huế (số 04, đường Trần Quang Khải, TP. Huế), một không gian thoáng mát, trong lành, xanh, sạch hiện ra. Tại đây, các sản phẩm nhựa đã được thay thế bằng nhiều sản phẩm thân thiện với môi trường. Cụ thể, khách sạn đã sử dụng chai thủy tinh đựng nước; cung cấp bình nước lớn để khách sử dụng; chai đựng sữa tắm, dầu gội sử dụng 1 lần được thay thế bằng các chai lớn sử dụng lâu dài; sử dụng sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên từ vật liệu sinh học như tre, giấy, mía, dừa; ống hút giấy, ông hút cỏ bàng thay thế cho ống hút nhựa. Ở đây còn thu gom, phân loại, xử lý rác theo đúng quy định.
Bà Nguyễn Thị Hoa, Giám đốc khách sạn Villa Huế cho rằng luôn nhận thức rõ được tác động tiêu cực của RTN đến môi trường, sức khỏe và kinh tế; trong đó ngành du lịch vừa là nguồn phát sinh lớn lượng RTN vừa là nạn nhân của ô nhiễm môi trường. Mặt khác khách sạn thuộc cơ sở đào tạo nghề du lịch (thuộc trường Cao đẳng Du lịch Huế) nên có khả năng tác động và lan tỏa đến nhận thức và hành vi sử dụng RTN của nguồn nhân lực du lịch. Mục tiêu trong năm 2024 của khách sạn sẽ giảm 20 – 80 % các loại đồ nhựa dùng một lần; Duy trì thay thế các loại chai nhựa sử dụng một lần, ống hút nhựa tại bộ phận dịch vụ ẩm thực, vv… (đối với các sản phẩm nhựa sử dụng một lần đã được thay thế); Áp dụng nguyên tắc 6T trong quản lý rác thải (Từ chối - Tiết giảm - Tái sử dụng - Thay thế - Tái chế - Thu gom); Tổ chức tập huấn nâng cao kỹ năng và ý thức cho nhân viên; Thông tin, khuyến khích khách hàng tham gia/ủng hộ, đồng hành cùng khách sạn trong thực hành giảm RTN; Theo dõi tiến trình và đánh giá kết quả thực hiện giảm RTN của đơn vị.
Không gian thoáng mát, trong lành, xanh, sạch tại khách sạn Villa, với các sản phẩm nhựa đã được thay thế bằng nhiều sản phẩm thân thiện với môi trường
Để đạt được những mục tiêu “xóa” RTN, khách sạn Villa Huế cho hay, sẽ tiếp tục duy trì và mở rộng phạm vi chuyển đổi và thay thế các vật liệu/sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần; Từ chối phục vụ đồ nhựa 1 lần tại quầy; tái sử dụng đồ nhựa/tái chế; Phân loại rác theo quy định; Tổ chức ít nhất 2 khóa tập huấn nâng cao nhận thức, giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho nhân viên; Xây dựng bản cam kết của nhân viên với quản lý về thực hiện công tác bảo vệ môi trường nói chung, giảm RTN nói riêng; Xây dựng và dưa trên các kênh thông tin nhằm khuyến khích du khách tham gia/ủng hộ, đồng hành cùng với khách sạn trong việc giảm RTN một lần và bảo vệ môi trường chung; Thông tin công khai trong các cuộc họp giao ban của khách sạn về tiến độ thực hiện kế hoạch giảm RTN, bảo vệ môi trường; xây dựng chế độ thi đua khen thưởng nội bộ về các sáng kiến, thực hành giảm RTN...
“Hàng năm, khách sạn thực hiện giảm được 20.400 chai nước uống nhựa; 13.200 chai dầu gội và 11.000 chai sữa tắm cá nhân; thay thế sử dụng khoảng 21.000 ống hút nhựa và nhiều sản phẩm nhựa khác. Tổng số kinh phí tiết kiệm sẽ được gần 150 triệu đồng/năm”, bà Hoa chia sẻ.
Còn tại khách sạn Êmm (đường Lý Thường Kiệt, TP. Huế) cũng có những cách làm hay, hiệu quả trong giảm rác thải nhựa đối với từng bộ phận. Ông Lê Phước Khánh, Giám đốc khách sạn thông tin, trong năm nay sẽ nỗ lực giảm 90 % rác thải nhựa, loại bỏ các chai nhựa, ống nhựa sử dụng một lần trong hoạt động kinh doanh. Cụ thể, đối với khách: chỉ phục vụ nước uống chai thủy tinh trong phòng, nhà hàng, bar; thay thế toàn bộ dụng cụ bằng nhựa sang thủy tinh, ống tre, hộp giấy, giỏ mây; đặt bình nước lớn ở khu vực công cộng; đặt các thùng phân loại rác để khách tự phân loại. Đối với nhà cung cấp: kêu gọi nhà cung cấp giao hàng không dùng túi ni lông; trả lại túi ni lông nếu nhà cung mang đến; mua lượng hàng lớn để tránh quá nhiều bao bì. Đối với nhân viên: tổ chức huấn luyện định kỳ, nhắc nhở cam kết bền vững; tổ chức sự kiện hưởng ứng giảm thiểu rác thải nhựa – vệ sinh môi trường...
“Với mục tiêu phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, khách sạn sẽ tiết kiệm 10 % năng lượng và theo dõi hàng ngày, sử dụng hòa chất hồ bơi đủ liều lượng, sử dụng các loại xà phòng dạng gel, đổ vào bình sứ, không phục vụ món ăn từ động vật quý hiếm đươc bảo vệ, không sử dụng trẻ em dưới 18 tuổi...”, ông Khánh nói.
Đồng hành cùng Dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung”, nhiều khách sạn tại Cố đô Huế đã có những hành động, cách làm hay để giảm thiểu rác thải nhựa. Trong ảnh là tại khách sạn Êmm
Lan tỏa vì một đô thị giảm nhựa
Ông Đinh Mạnh Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh cho biết, Thừa Thiên - Huế là một điểm đến du lịch văn hóa và di sản nổi tiếng của Việt Nam, là một trong những tỉnh thành đang tiên phong các hoạt động chống ô nhiễm rác thải nhựa và thúc đẩy phát triển bền vững trong ngành du lịch; năm 2024, TP. Huế đã được vinh danh là thành phố du lịch sạch ASEAN.
Với sự hỗ trợ của dự án Huế - Đô thị giảm Nhựa ở miền Trung Việt Nam (được triển khai từ năm 2021 đến 2024 với mục tiêu hỗ trợ TP. Huế trong việc bảo vệ các dòng sông và hệ sinh thái các vùng đất ngập nước và ven biển không bị ô nhiễm bởi rác thải nhựa), ngày 26/10/2023, Sở Du lịch Thừa Thiên -Huế đã ban hành Kế hoạch về “Giảm thiểu rác thải nhựa của ngành du lịch tỉnh giai đoạn 2023-2025”. Và vừa qua, 7 khách sạn thuộc Hiệp hội Du lịch tỉnh bao gồm Villa Huế, Azerai La Résidence Huế, Melia Vinpearl Huế, ÊMM Huế, Mường Thanh Huế, Alba Spa Huế và Thanh Lịch đã công bố kế hoạch giảm sử dụng nhựa dùng một lần trong các hoạt động kinh doanh du lịch. “Đây là bước khởi đầu tạo sự lan tỏa và là động lực to lớn cho các đơn vị khác tham gia, góp phần giảm RTN trong ngành du lịch...”, ông Thắng nhấn mạnh.
Các khách sạn ở TP. Huế đưa ra kế hoạch giảm sử dụng nhựa dùng một lần trong các hoạt động kinh doanh du lịch
Để nói không với RTN là điều không dễ và cần kiên trì. Hiện, nhiều khách sạn khi tổ chức hội nghị vẫn sử dụng chai nhựa. Quá trình di chuyển, phục vụ nước uống cho du khách hay các hoạt động khác vẫn phải sử dụng chai nhựa. Vì sử dụng các vật dụng như thủy tinh là rất khó, thậm chí gây nguy hiểm. Trong khi, chưa có những vật dụng tối ưu để thay thế... Theo mục tiêu đến năm 2024 của Dự án Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam, TP. Huế sẽ trở thành đô thị giảm nhựa với 70 % chất thải rắn được phân loại tại nguồn, thu gom và xử lý, đẩy mạnh thu hồi rác tái chế từ bãi chôn lấp. Đến năm 2030, hệ thống các dòng sông và hệ sinh thái khu vực đất ngập nước trên địa bàn TP. Huế sẽ được bảo vệ khỏi ô nhiễm rác thải nhựa. Nếu làm được điều này, không chỉ làm cho bộ mặt đô thị thay đổi mà sẽ góp phần giúp du lịch phát triển bền vững.
Theo bà Hoàng Ngọc Tường Vân, Giám đốc Dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung”, xu hướng phát triển du lịch xanh, bền vững để có trách nhiệm với môi trường và xã hội là rất cần thiết trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt như hiện nay. Chúng tôi cam kết đồng hành với các đối tác, các khách sạn đã tham gia kế hoạch này, để ngành du lịch tỉnh nhà được phát triển một cách bền vững, hiệu quả và tin tưởng rằng, Huế sẽ trở thành một điểm đến, một đô thị di sản xanh xứng tầm khu vực Đông Nam Á.
Theo: Tài nguyên và Môi trường