Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 21/11/2024 | 19:25 GMT+7

Tiêu dùng bền vững

Hà Nội phát triển nông nghiệp sạch, xanh, chất lượng cao, hướng tới xuất khẩu bền vững

19/01/2024

Thành phố Hà Nội đang đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo từng lĩnh vực cụ thể, tập trung phát triển nông nghiệp sạch, xanh, nông nghiệp chất lượng cao, hướng tới xuất khẩu bền vững...

Ngành nông nghiệp Thủ đô đã có nhiều bước phát triển vượt bậc
Hà Nội đang tập trung đổi mới mô hình sản xuất nông nghiệp, hình thành chuỗi giá trị qua việc hỗ trợ các địa phương xây dựng vùng sản xuất tập trung, an toàn, phát triển sản phẩm chủ lực… thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư. Các chuỗi liên kết và thương hiệu đối với các mặt hàng nông sản chủ lực cũng được xây dựng để đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu.
Nói về tiềm năng xuất khẩu nông sản của Hà Nội, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông sản và thủy sản Hà Nội, ông Hà Tiến Nghi cho biết: Thành phố có hơn 13.000 cơ sở sản xuất và kinh doanh nông lâm thủy sản, trong đó có trên 1.700 cơ sở chế biến và hơn 250 doanh nghiệp chế biến nông lâm thủy sản. Thành phố cũng đã được cấp 16 mã số vùng trồng cây ăn quả và 4 cơ sở đóng gói với công suất 30-50 tấn/ngày/cơ sở để phục vụ xuất khẩu, trong đó 8 mã số cấp cho vùng trồng chuối và 8 mã số cấp cho vùng trồng nhãn.
Mô hình phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Sóc Sơn. 
Đánh giá và xếp hạng sản phẩm cũng đã được Thành phố thực hiện đối với nhiều sản phẩm, trong đó có những sản phẩm tiềm năng 5 sao xuất khẩu: 1.649 sản phẩm đạt Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), trong đó có 20 sản phẩm tiềm năng 5 sao xuất khẩu, 1.089 sản phẩm đạt 4 sao, 534 sản phẩm đạt 3 sao, trong đó có 1.071 các sản phẩm thực phẩm được công nhận OCOP. Một số sản phẩm nông sản của Hà Nội có chất lượng cao và xuất khẩu đi các nước như: Nhãn muộn Đại Thành (Quốc Oai) xuất khẩu đi Mỹ; gạo hữu cơ Đồng Phú (Chương Mỹ) xuất khẩu đi Đức; rau Văn Đức (Gia Lâm) xuất khẩu Hàn Quốc; chuối tiêu hồng xuất khẩu sang Trung Quốc…
Bên cạnh đó, công tác xây dựng nông thôn mới cũng đạt nhiều kết quả tích cực, tính đến hết năm 2023, Hà Nội có 100% số huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đối với huyện nông thôn mới nâng cao, đến nay, các huyện: Đông Anh, Gia Lâm và Thanh Trì đã hoàn thiện hồ sơ và được Đoàn thẩm định nông thôn mới thành phố tiến hành thẩm định đủ điều kiện đề nghị công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023. Đối với các huyện: Hoài Đức, Đan Phượng, hoàn thiện hồ sơ, dự kiến trình UBND thành phố trong quý I/2024; huyện Thanh Oai dự kiến trình UBND thành phố trước tháng 6/2024.
Về xã nông thôn mới nâng cao và xã nông thôn mới kiểu mẫu, đến hết năm 2023, có 180 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 61 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Hà Nội cũng đã phối hợp chặt chẽ với 43 tỉnh, thành phố để duy trì và hỗ trợ phát triển 926 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, kết nối các doanh nghiệp xuất khẩu của Thành phố với các chuỗi sản xuất ở các địa phương khác nhau, đánh dấu sự hợp tác tích cực và chủ động. Sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu chủ yếu của Hà Nội là quế, hồi, gia vị (tỏi, gừng, ớt), chè xanh, chè đen, cà phê. Ngoài gia vị, đồ uống còn có các loại lương thực, thực phẩm như rau, củ, quả, trái cây, gạo, nấm hương, mộc nhĩ, hạt tiêu, tinh bột sắn…
Tập trung phát triển nông nghiệp sạch, xanh, nông nghiệp chất lượng cao
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, có nhiều yếu tố tác động đến năng lực xuất khẩu, nhưng quan trọng nhất vẫn là việc cần thiết phải chuẩn hóa sản phẩm. Khi sản phẩm bảo đảm an toàn chất lượng thì cơ hội đáp ứng được các yêu cầu hàng rào kỹ thuật sẽ lớn hơn; từ đó gia tăng cơ hội tiếp cận thị trường xuất khẩu. Hà Nội cũng đang tăng cường tuyên truyền về các hiệp định thương mại và điều kiện nhập khẩu của các nước để nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng nông sản. Đồng thời, việc tăng cường kết nối và xúc tiến thương mại cũng như tổ chức các hoạt động quảng bá sản phẩm trên thị trường ngoại vi cũng được đặt ra như một phần quan trọng trong chiến lược xuất khẩu nông sản của Thành phố.
Với những kết quả đã đạt được, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị, trong thời gian tới Sở NN&PTNT cần xây dựng kế hoạch bám sát đặc thù, điều kiện phát triển của Thủ đô. Tập trung phát triển nông nghiệp sạch, xanh, nông nghiệp chất lượng cao, hướng tới xuất khẩu; đẩy mạnh liên kết giữa các ngành, địa phương, doanh nghiệp trong phát triển các chuỗi.
Các huyện phối hợp với Sở NN&PTNT, hợp tác xã, doanh nghiệp rà soát để xây dựng vùng sản xuất quy mô lớn gắn với chế biến. Tập trung phát triển con giống, tạo thế mạnh, lợi thế riêng cho ngành nông nghiệp Thủ đô. Bên cạnh đó cần phải lựa chọn phân khúc thị trường, những mô hình đặc thù, tạo điểm nhấn riêng cho nông nghiệp Thủ đô.
Trong Luật Thủ đô sửa đổi, ngành nông nghiệp sẽ có cơ sở để quy hoạch sản xuất theo vùng, có cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển nông nghiệp. Vì vậy, ngành nông nghiệp cần đẩy mạnh tư duy, xây dựng cơ chế phối hợp với các địa phương, sở, ngành để có định hướng phát triển nông nghiệp, kiểm soát dịch bệnh.
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, năm 2023, ngành nông nghiệp Thủ đô tăng trưởng 2,74% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 41.681 tỷ đồng, tăng 2,71% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá trị sản xuất nông nghiệp 38.023 tỷ đồng, tăng 2,67%; giá trị sản xuất thủy sản 3.566 tỷ đồng, tăng 3,31%, riêng giá trị sản xuất lâm nghiệp 92 tỷ đồng, giảm 2,71%. Về cơ cấu, nông nghiệp chiếm 90,44%; thủy sản 9,29%; lâm nghiệp 0,27%.
Theo: Pháp luật Xã hội