Công ty Duy Tân triển khai xây dựng Nhà máy nhựa tái chế trên diện tích 65.000m2 tại cụm công nghiệp nhựa Đức Hoà, tỉnh Long An.
Với tầm nhìn xa và mong muốn giảm thiểu chất thải nhựa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, Công ty cổ phần Nhựa tái chế Duy Tân (Công ty Duy Tân), đã đầu tư xây dựng nhà máy nhựa tái chế Duy Tân tại huyện Đức Hoà, tỉnh Long An.
Đây là nhà máy đầu tiên tại Việt Nam thành công mô hình áp dụng công nghệ tái chế từ Áo “Bottle to Bottle” - tức chai ra chai.
Theo đó, đồng hành với chủ trương của Chúnh phủ về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa, tháng 9/2019, Công ty Duy Tân triển khai xây dựng Nhà máy nhựa tái chế trên diện tích 65.000m2 tại cụm công nghiệp nhựa Đức Hoà, tỉnh Long An, có công suất thiết kế 100.000 tấn/năm, nhằm cung cấp sản phẩm nhựa tái chế cho thị trường trong nước; góp phần phát triển ngành nhựa, phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường sống; tiết kiệm nguyên liệu nhựa phế thải cũng như tạo việc làm và nâng cao mức sống cho người lao động.
Nhà máy với dây chuyền sản xuất hiện đại nhập khẩu mới từ châu Âu, ngoài các tiêu chuẩn ISO cho hệ thống quản lý, sản phẩm còn đáp ứng các tiêu chuẩn của Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), Chứng nhận quốc tế từ Cơ quan an toàn thực phẩm châu Âu (EFSA). Ngày 20/4/2023, Công ty đã tổ chức khánh thành giai đoạn 1 của Nhà máy tái chế và năng lực xử lý hiện tại của nhà máy là 60.000 tấn/năm. Đây là nhà máy đầu tiên tại Việt Nam thành công mô hình áp dụng công nghệ tái chế từ Áo “Bottle to Bottle”- mỗi chai nhựa đã qua sử dụng sẽ được tái chế thành các hạt nhựa tạo ra một vòng lặp lại chai nhựa mới, giúp giảm sử dụng nguồn nguyên liệu hoá thạch.
Nhà máy nhựa tái chế Duy Tân
Trong năm 2022, Nhà máy đã tái chế hơn 1,3 tỷ chai nhựa được thu gom trong nước và số lượng chai nhựa được xử lý tái chế không chỉ cung cấp nguyên liệu cho các Công ty đối tác nhãn hàng FMCG lớn tại Việt Nam, mà còn xuất khẩu 4.200 tấn sang 12 quốc gia, như: Hoa Kỳ và châu Âu.
Đáng chú ý là kết quả sản xuất của Công ty Duy Tân trong 9 tháng đầu năm 2023, đã thu gom và tái chế 16.500 tấn, xấp xỉ 1,27 tỷ chai nhựa, trong đó cung cấp cho thị trường nội địa 6.100 tấn, xuất khẩu 7.500 tấn…
Theo lãnh đạo Công ty Duy Tân, trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, Công ty có những thuận lợi cơ bản, đó là:
Chính phủ rất quan tâm, chú trọng đến vấn đề môi trường, đặc biệt là việc thu gom, xử lý rác thải nhựa và sự đồng hành của các doanh nghiệp, Hiệp hội. Hơn nữa, Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 đưa ra khái niệm EPR, trong đó quy định rõ trách nhiệm của nhà sản xuất và nhập khẩu trong việc tái chế, xử lý các sản phẩm, bao bì thải bỏ.
Dây chuyền sản xuất của Nhà máy nhựa tái chế
Tuy nhiên, hiện nay, còn rất nhiều thách thức trong ngành tái chế, cụ thể là:
- Rác thải hầu hết chưa được phân loại tốt tại nguồn; Các hoạt động thu gom, tái chế còn mang tính nhỏ lẻ, tự phát, chủ yếu làm thủ công ở các làng nghề, chưa tuân thủ công tác môi trường.
- Việt Nam chưa có công nghệ tái chế phù hợp, các công nghệ tái chế hiệu quả phải nhập khẩu từ nước ngoài với chi phí khá cao; Bao bì chưa có tiêu chuẩn hoá và chưa thân thiện với công nghệ tái chế, chưa khuyến cáo phân rõ vật liệu dùng cho nắp chai, nhãn, keo… để việc tái chế được thuận tiện và giảm chi phí, cũng như giảm hao hụt nguyên liệu trong sản xuất.
- Người tiêu dùng chưa được truyền thông đúng về sản phẩm tái chế và chưa ưu tiên sử dụng sản phẩm có bao bì từ nhựa tái chế….
Công ty Duy Tân triển khai Chương trình thu cũ đổi mới
Theo lãnh đạo Công ty Duy Tân, với mục tiêu đề ra, Công ty thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp đối với cộng đồng xã hội, tuân thủ nghiêm ngặt quy định đảm bảo sự hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường, để thành công trong việc xử lý rác thải nhựa, rất cần sự chung sức của toàn xã hội, vì một Việt Nam không rác thải và xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn bền vững.
Theo: Môi trường và Đô thị