Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Chủ nhật, 24/11/2024 | 07:17 GMT+7

Kinh tế tuần hoàn

Kinh tế tuần hoàn dần làm xanh hóa các khu công nghiệp

25/09/2023

Nhiều khu công nghiệp ở TP.HCM đã và đang từng bước chuyển đổi sản xuất, kinh doanh sang kinh tế tuần hoàn, xanh hóa để phát triển bền vững.
Phát triển kinh tế tuần hoàn theo mô hình khu công nghiệp sinh thái, xanh bền vững là xu hướng được quan tâm nhiều hiện nay để thu hút nguồn đầu tư chất lượng và cải thiện hiệu quả kinh tế. Việt Nam từ rất sớm đã nhận diện cơ hội và đưa ra chiến lược phát triển kinh tế xanh, giảm phát thải carbon…Trong đó, nhiều khu công nghiệp (KCN) ở TP.HCM đã từng bước chuyển đổi sản xuất, kinh doanh sang kinh tế tuần hoàn, xanh hóa để phát triển bền vững.
Nhận diện cơ hội cho mô hình KCN xanh
KCN Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP.HCM hiện là KCN duy nhất của TP.HCM tham gia Dự án “Triển khai KCN sinh thái tại Việt Nam từ chương trình KCN sinh thái toàn cầu”. Đây là hướng tiếp cận từ một mô hình KCN truyền thống đến mô hình KCN hướng tới kinh tế xanh, phát triển bền vững hơn.
Hệ thống xử lý nước thải trị giá 5 triệu USD tại Công ty Giấy Xuân Mai thuộc KCN Hiệp Phước, Nhà Bè, TP.HCM - Ảnh: Nguyễn Quang
Tại Hiệp Phước, các hoạt động đã mang lại chuyển biến nhất định. Khái niệm “cộng sinh công nghiệp” đã được vận dụng ngày càng nhiều trong KCN này. Khi chất thải của doanh nghiệp này là nguyên liệu đầu vào của doanh nghiệp khác. Đơn cử, khí hơi nóng từ quá trình chưng cất dầu thực vật Cái Lân được chuyển sang tham gia quá trình sấy của Nhà máy Meizan. Chất thải của các công ty sản xuất khuôn đúc được tận dụng làm gạch không nung, làm nguyên liệu cho hoạt động sản xuất khác. Tiêu biểu nhất Công ty Giấy Xuân Mai thu gom chất thải giấy vụn từ các nhà máy có phát sinh loại này để tái chế thành giấy cuộn, giấy vệ sinh,…
Ông Giang Ngọc Phương, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP KCN Hiệp Phước cho biết, bước đầu có trên 30 DN tại Hiệp Phước tham gia chương trình chuyển đổi mô hình sản xuất sạch hơn nhằm sử dụng hiệu quả nguyên, nhiên liệu, bền vững với môi trường. Hiểu quả về kinh tế, môi trường khiến nhiều doanh DN trở thành hình mẫu kích hoạt ý thức chung cho toàn KCN Hiệp Phước. 
“Doanh nghiệp có sự chuyển đổi nhanh chóng với ý thức ngày càng cao hơn. Họ mong muốn được tham gia một cách mạnh mẽ hơn như một sự cam kết của doanh nghiệp đối với cộng đồng, môi trường, người lao động và với chính bản thân họ”, ông Phương đánh giá.
Nằm trong tổng thể quy hoạch khu đô thị Cảng Hiệp Phước có diện tích 3.900ha, KCN Long Hậu có trên 200 DN trong và ngoài nước đang hoạt động. Thực tế phần lớn khách hàng của các DN tại đây tập trung ở các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Mỹ… Các yếu tố quy định quy chuẩn từ chuỗi sản xuất chính là nhân tố giúp DN thúc đẩy xanh hóa nhà máy sản xuất ngay ban đầu.
Ông Bùi Lê Anh Hiếu, Giám đốc Tiếp thị kinh doanh kiêm Giám đốc Kỹ thuật dự án Công ty CP Long Hậu cho rằng, kinh tế xanh, tuần hoàn không chỉ là tiêu chí, giải pháp được khuyến nghị mà đã trở thành vấn đề bắt buộc nếu DN muốn đạt hiệu quả cao hơn trong việc thu hút đầu tư, giao thương, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài. Nhà quản lý KCN cũng thể hiện tính kiên định thu hút đầu tư thông qua phương án tìm kiếm khách hàng có chung tư duy mức độ nhận thức về môi trường.
“Đây cũng là khó khăn lớn bởi áp lực đầu tư và áp lực kinh doanh luôn luôn tồn tại, làm sao ban quản lý xác định được đúng đối tượng khách hàng và thu hút được đúng khách hàng theo đúng kế hoạch. Việc quản lý 1 KCN không chỉ 1 - 2 năm mà suốt cả vòng đời 50 năm của cả dự án. Cho nên làm sao tiếp tục để duy trì dự án lúc nào cũng tuân theo các quy định về môi trường rất là quan trọng và cần sự tập trung dài hạn”, ông Hiếu cho biết thêm.
DN tại KCN Hiệp Phước chủ động tìm nguồn vốn đầu tư để đáp ứng yêu cầu sản xuất và tiêu chuẩn quy chuẩn khác từ khách hàng - Ảnh: Nguyễn Quang
Các KCN tại TP.HCM và khu vực trọng điểm phía Nam đang hướng tới xây dựng hệ sinh thái khu công nghiệp đa dạng và phát triển bền vững. Tuy nhiên việc duy trì kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là việc làm bền bỉ lâu dài. Cần có sự kiểm tra đánh giá khách quan, chặt chẻ theo các tiêu chí hướng dẫn cụ thể để thực hiện thống nhất đồng bộ.
Lượng hóa bằng chính sách
Nhìn chung, tăng trưởng xanh có nghĩa là nền kinh tế cần phát triển và tăng trưởng dựa trên sự tôn trọng tài nguyên thiên nhiên và đi theo con đường bền vững về môi trường. Tuy nhiên, không có cách tiếp cận “phù hợp cho tất cả” để thúc đẩy tăng trưởng xanh do khác biệt trong điều kiện kinh tế và môi trường, nguồn tài nguyên và thể chế của mỗi quốc gia.
Nhiều chuyên gia cho rằng, các công cụ chính sách hiệu quả, thiết thực và linh hoạt là trọng tâm trong việc tạo ra tăng trưởng xanh thành công và bền vững. Đặc biệt là ở các nước đang phát triển, các công cụ chính sách này có thể định hướng dòng vốn đầu tư với mức độ phù hợp, vào đúng ngành và khu vực vào thời điểm thích hợp. Từ đó, hỗ trợ phát triển công nghệ và lĩnh vực ưu tiên thúc đẩy sự phát triển của toàn bộ hệ thống kinh tế.  
TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý Trung ương (CIEM), Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho biết, đã có sự chuyển đổi mạnh mẽ về tư duy, từ cách thức thực hiện từ “nền kinh tế nâu” và “kinh tế tuyến tính” sang xây dựng mô hình kinh tế xanh… Tuy nhiên điểm yếu lớn nhất hiện nay là còn thiếu định hướng cụ thể, thiếu hệ thống tiêu chí đủ chi tiết và cơ chế ưu đãi phù hợp.
Phát triển KCN theo mô hình sinh thái hiện nay không còn là giải pháp được khuyến nghị, mà đã trở thành vấn đề bắt buộc - Ảnh: Nguyễn Quang
Cũng theo bà Minh, CIEM chủ trì xây dựng cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn đang lấy ý kiến các Bộ, ngành. Nếu có thêm cơ chế thử nghiệm, quá trình phục hồi và cơ cấu lại kinh tế của TP.HCM, khu vực trọng điểm phía Nam sẽ nhanh, hiệu quả và toàn diện hơn.
“Để hỗ trợ DN cụ thể TP.HCM có Nghị quyết 98 về một số cơ chế đặc thù liên quan đến hỗ trợ tiếp cận nguồn tài chính xanh hay những hỗ trợ kỹ thuật. Nếu chúng ta nghiên cứu kỹ ban hành thêm các chính sách để tận dụng được những lợi thế, vẫn tiếp cận được thêm nhiều nguồn lực từ quốc tế, trong đó có vốn và kỹ thuật công nghệ để thực hiện kinh doanh, kinh tế tuần hoàn một cách tốt nhất”, bà Minh nhận định. 
Khi lượng hóa cụ thể các tiêu chuẩn, quy chuẩn và có khung chính sách phù hợp, sẽ giúp cho DN, KCN thực hành kinh doanh tuần hoàn một cách hiệu quả nhất. Chính vì vậy, cần sớm có chủ trương, lộ trình phát triển kinh tế tuần hoàn chi tiết hơn để tạo điều kiện cho Việt Nam và các địa phương, trong đó có TP.HCM tận dụng được, tiếp cận nhanh nguồn tài chính xanh, nguồn vốn hỗ trợ từ các đối tác để thực hiện mục tiêu đề ra.
Theo: VOV.VN