Thay đổi nhận thức và hành vi của người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp trong sử dụng, sản xuất sản phẩm xanh, tái chế và thân thiện môi trường từ đó hướng đến sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Tiêu dùng xanh đang trở thành xu hướng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam, tiêu dùng xanh là một trong những nội dung quan trọng trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Vì vậy, tiêu dùng xanh ngày càng được quan tâm nhiều hơn, cùng với các hoạt động liên quan đến quá trình sản xuất và tiêu dùng bền vững đối với môi trường.
Thay đổi nhận thức, hành vi cần lộ trình
Trưởng phòng Marketing Công ty CP Kinh doanh doanh chế biến nông sản Bảo Minh - Lưu Hoàng Anh cho biết, thời gian qua, DN hướng đến sản xuất nông nghiệp hữu cơ với lộ trình và kế hoạch cụ thể. Trải qua 13 năm làm nông nghiệp hữu cơ với 3 giai đoạn, DN đã có trên 10 vùng trồng tại các tỉnh, thành phố sẵn sàng cung cấp những sản phẩm nông nghiệp hữu cơ cho người tiêu dùng.
“Yếu tố bền vững trong kinh doanh hiện nay đang được các DN quan tâm, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm… Bản thân DN đã chọn con đường sản xuất nông nghiệp hữu cơ và không thể ngày một ngày hai, mà cần cả lộ trình và kế hoạch cụ thể để tạo ra các sản phẩm sạch, giữ trọn niềm tin của người tiêu dùng”, ông Hoàng Anh nói.
Người tiêu dùng lựa chọn sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường quyết định xu hướng sản xuất và kinh doanh của các DN
Thực tế thời gian qua, để có thể tiêu dùng bền vững, người tiêu dùng vẫn rất cần có sự hỗ trợ, quan tâm, tạo điều kiện để từ các chủ thể liên quan như cơ quan quản lý nhà nước, các DN sản xuất và phân phối. Khi các DN triển khai những chương trình hành động về sản xuất bền vững thường gặp nhiều khó khăn, khiến giá thành sản phẩm tăng lên, trong bối cảnh không phải người tieu dùng nào cũng có đủ điều kiện chi trả cho những sản phẩm xanh, sản phẩm bền vững.
Em Cao Diễm Hằng, Phó Chủ nhiệm CLB Thế hệ xanh, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đề cập, để nâng cao hiệu quả của việc hướng giới trẻ trong tiêu dùng bền vững chính là việc gia tăng nhận thức của mỗi cá nhận đối với các vấn đề về môi trường. Mỗi người nên là một giải pháp thay vì trở thành 1 tác nhân gây hại cho môi trường, chỉ khi những nhận thức đó đã được nâng cao, mọi người mới bước đến được giải pháp tiếp theo đó là dần thay đổi được hành vi của mình.
“Mỗi người có thể thực hiện thay đổi hành vi từ những việc làm rất nhỏ trong đời sống hàng ngày. Ví dụ như khi sử dụng thực phẩm chỉ sử dụng những sản phẩm bền vững, sản phẩm ogannic, sản phẩm VietGAP, GlobalGAP, hạn chế sử dụng những sản phẩm thời trang nhanh, tiết kiệm điện, nước là những thói quen thường ngày có thể thay đổi của mỗi người tiêu dùng, nhất là những người tiêu dùng trẻ từ bản thân sau đó tác động và lan tỏa đến những người khác”, Cao Diễm Hằng bày tỏ.
Từ khuyến khích đến bắt buộc
PGS, TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ ra, vai trò của người tiêu dùng có ý nghĩa hết sức quan trọng trong trong quá trình phát triển kinh tế tuần hoàn. Chính vì vậy trong chương trình hành động cũng như chiến lược chính sách của Trung ương và địa phương, cũng như quy hoạch, kế hoạch của quốc gia đều yêu cầu các DN lồng ghép kinh tế tuần hoàn vào trong quá trình sản xuất.
Đối với hệ thống giáo dục cũng được yêu cầu lồng ghép chương trình đào tạo hướng tới việc thay đổi hành vi của người tiêu dùng, hướng người tiêu dùng đến việc chuyển đổi từ tiêu dùng sản phẩm nâu sang tiêu dùng sản phẩm xanh trong sử dụng dịch vụ giao thông công cộng cũng như sản phẩm phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt.
“Ngoài việc xây dựng thể chế, giáo dục nâng cao nhận thức cần tập trung vào cơ chế khuyến khích và cách thức để hướng người tiêu dùng buộc phải thay đổi hành vi trong quá trình sử dụng sản phẩm; khuyến khích người dân phân loại rác thải tại nguồn đi kèm với quy định xử phạt sau thời gian cụ thể. Cùng với đó cũng yêu cầu các DN đến cuối năm 2024 không sản xuất các túi nilon, các siêu thị không sử dụng các túi nhựa đựng hàng hóa”, ông Thọ nêu định hướng.
Sản xuất sản phẩm có khả năng tái chế cao đang là mục tiêu của nhiều DN.
Theo ông Đào Xuân Lai, Trợ lý Đại diện Trường trú, Trưởng phòng Biến đổi khí hậu và Môi trường UNDP Việt Nam, người tiêu dùng sẽ là người quyết định quan trọng nhất. Bởi vì người tiêu dùng sẽ là người quyết định sử dụng các sản phẩm địa phương, đặc biệt là giới nếu quyết định chỉ sử dụng những sản phẩm đồ uống đóng trong chai có tỷ lệ tái chế ít nhất từ 20% - 30% sẽ buộc DN sẽ phải đáp ứng theo. Như vậy, tất cả các DN sẽ có chung 1 điểm xuất phát công bằng, phù hợp với quy luật cạnh tranh, nếu DN nào không chuyển hướng sẽ tự mang đến cho mình sự bất lợi.
“Ở Việt Nam tỷ lệ đối tượng khách hàng trẻ trong độ tuổi lao động vẫn còn rất lớn. Đây sẽ là nhóm đối tượng sẽ tạo lập và hình thành thị trường, khi họ lựa chọn các sản phẩm địa phương, đồ dùng ăn uống, các sản phẩm có nguồn gốc từ nguồn tài nguyên, có tỷ lệ tái chế nhất định sẽ hình thành nên thị trường tiêu dùng bền vững”, ông Lai nêu giải pháp.
Khi nền kinh tế ngày càng phát triển, mức sống người dân ngày càng được nâng cao, nhu cầu được sử dụng các sản phẩm, dịch vụ có chất lượng tốt, an toàn cũng ngày càng tăng, nhất là các sản phẩm phục vụ trực tiếp cho đời sống sinh hoạt của người dân. Vì vậy, việc tăng cường triển khai và áp dụng các chính sách tiêu dùng xanh ở Việt Nam sẽ là một giải pháp hữu hiệu để bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng, hướng đến phát triển bền vững.
Theo: VOV.VN