Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 07/11/2024 | 14:44 GMT+7

Tin hoạt động

Kết nối mạng lưới sản xuất tiêu dùng bền vững

07/01/2021

Nhằm sử dụng có hiệu quả tài nguyên, giảm ô nhiễm môi trường, xây dựng “Chuỗi giá trị xanh” trong quy trình sản xuất, năm 2020, TP Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp, người tiêu dùng về sản xuất và tiêu dùng bền vững. Qua đó, góp phần tiết kiệm chi phí đầu vào, gia tăng vòng đời sản phẩm, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, bảo vệ môi trường.
Đại diện Bộ Công Thương, Sở Công Thương Hà Nội và các doanh nghiệp bấm nút khai mạc sự kiện Kết nối mạng lưới sản xuất tiêu dùng bền vững cho các sản phẩm dán nhãn năng lượng trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2020
Ngày nay các sản phẩm điện, điện tử đã trở thành những vật dụng quan trọng trong đời sống đô thị. Bên cạnh những tiện ích, các sản phẩm này cũng tiêu hao nhiều năng lượng và phát thải ra môi trường. Do đó, đòi hỏi các nhà sản xuất, phân phối cần cho ra đời các sản phẩm có công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường, hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng. 
Là đơn vị làm đầu mối thực hiện chương trình Kết nối mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững cho sản phẩm dán nhãn năng lượng TP. Hà Nội năm 2020, ông Nguyễn Đình Anh Tú - Phó Giám đốc siêu thị điện máy MediaMart Long Biên chia sẻ: “Năm thứ 2 tham dự chương trình, chúng tôi hợp tác chặt chẽ với nhà sản xuất chỉ cung cấp ra thị trường các sản phẩm đầy đủ nhãn mác theo quy định, sản phẩm công bố hợp quy, được dán nhãn năng lượng. Bên cạnh đó, xây dựng nhiều chính sách khuyến khích người tiêu dùng mua sắm các sản phẩm tiết kiệm năng lượng, hiệu suất cao như: giảm giá sản phẩm, quà tặng, thanh toán bằng VNPay... Việc tiết kiệm điện năng cũng như giảm phát thải môi trường luôn nằm trong kế hoạch kinh doanh và có định hướng chiến lược của doanh nghiệp”.
Ngành gốm sứ là ngành tiêu hao nhiều nguyên liệu như: đất, nước, điện, ga… Quá trình sản xuất, nung gốm cũng gây ảnh hưởng đến môi trường. Ðể hạn chế các tác động này, các cơ sở sản xuất gốm sứ đã đổi mới lò nung, thay thế củi than bằng điện, ga… để giảm hao tốn tài nguyên, đồng thời, nâng cao chất lượng và năng suất. Dựa trên việc xác định đánh giá vòng đời sản phẩm, bảo đảm sử dụng hiệu quả các tài nguyên, giảm phát thải nhằm phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững, Sở Công thương Hà Nội ban hành tiêu chí kết nối mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững cho nhóm gốm sứ trên địa bàn thành phố. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ngành gốm sứ tham gia phải đáp ứng 11 tiêu chí từng giai đoạn từ quá trình sản xuất, sản phẩm - hàng hóa, hệ thống phân phối...
Ban tổ chức trao chứng nhận cho các doanh nghiệp tham gia Kết nối mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Thực hiện kế hoạch hành động thực hiện chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững TP Hà Nội năm 2020, Sở Công Thương Hà Nội cũng ban hành tiêu chí Kết nối mạng lưới sản xuất tiêu dùng bền vững cho các sản phẩm dán nhãn năng lượng trên địa bàn TP. Hà Nội năm 2020 dựa trên việc xác định đánh giá vòng đời sản phẩm, đảm bảo sử dụng hiệu quả các tài nguyên, giảm phát thải nhằm phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững. Các doanh nghiệp có sản phẩm tham gia chuỗi kết nối “Mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững TP. Hà Nội năm 2020” phải đáp ứng 10 tiêu chí cho từng giai đoạn từ sử dụng nguyên liệu đầu vào, quá trình sản xuất, sản phẩm - hàng hóa, hệ thống phân phối.
Giám đốc Phụ trách đối ngoại siêu thị MM Mega Market Việt Nam Trần Kim Nga chia sẻ, với mạng lưới 20 trung tâm phân phối tại 15 tỉnh, thành phố trên toàn quốc với hơn 60 nghìn sản phẩm kinh doanh, siêu thị thường xuyên tổ chức các hoạt động nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường như thu gom vỏ hộp sữa để tái chế, chiến dịch dọn rác ngoài bãi biển, khu dân cư… Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng hỗ trợ cung cấp thùng giấy và khuyến khích khách hàng đem theo túi sử dụng nhiều lần, khuyến khích các nhà cung cấp sử dụng bao bì thân thiện môi trường.
Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Nguyễn Thanh Hải cho biết, chương trình kết nối mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững TP Hà Nội năm 2020 đặt mục tiêu 50% các doanh nghiệp trong lĩnh vực phân phối có nhận thức, được hướng dẫn, áp dụng các giải pháp về sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng. Giảm 65% tỷ lệ sử dụng bao bì khó phân hủy tại các chợ dân sinh, 100% trung tâm thương mại, siêu thị không dùng túi ni-lông khó phân hủy. 70% các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp áp dụng đổi mới công nghệ theo hướng công nghệ sạch, thân thiện môi trường. Quan trọng nhất là mục tiêu gắn kết các doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường, từ khâu sản xuất đến khâu phân phối, tiêu dùng các sản phẩm, phấn đấu 100% doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản thực phẩm an toàn… Việc triển khai chương trình kết nối mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững cũng thể hiện nỗ lực, cam kết của thành phố trong việc luôn tích cực, chủ động hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Mai Anh t/h