Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 07/11/2024 | 08:35 GMT+7

Kinh tế tuần hoàn

Tái chế quần áo cũ cũ thành vật liệu xây dựng

07/07/2023

Với những ý tưởng tái chế độc đáo, quần áo cũ giờ đây đã có thể trở thành nguồn tài nguyên quan trọng trong quan niệm kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, nhất là đối với ngành sản xuất xi măng.

Mới đây, tổ chức Reshare - nơi nhận thu gom quần áo cũ miễn phí, kéo dài vòng đời và tái chế thành những đồ dùng, vật liệu có ích cho cộng đồng đã mở chiến dịch  "Detox nội y xanh" để thu gom nội y cũ không còn khả năng sử dụng và hợp tác với một tập đoàn vật liệu xây dựng ở TP HCM để đưa vào tái chế. Toàn bộ quần áo cũ nói chung và nội y nói riêng không còn khả năng sử dụng sẽ được đưa vào nhà máy để tái chế thành xi-măng.
Quần áo cũ được chuyển đến Reshare để đưa đi tái chế thành sản phẩm mới (Ảnh: Reshare)
Với công nghệ đồng xử lý, nội y cũ sẽ được đưa vào lò để đốt. Thay vì dùng than đá như cách truyền thống, nhà máy dùng chính lượng nhiệt đốt từ quần áo để luyện xi-măng. Toàn bộ tro xỉ sau khi đốt sẽ tiếp tục được tận dụng để trộn với clinker (một trong những thành phần chính của xi-măng) và cho ra thành phẩm hoàn chỉnh. Công nghệ này bảo đảm chất lượng xi-măng như cách sản xuất thông thường.
Không chỉ dừng lại ở quần áo cũ, trước đó, nhiều doanh nghiệp sản xuất xi măng cũng đã thực hiện việc thu gom, tái chế các loại rác thải công nghiệp như mảnh nhựa, ni lông, cao su vụn, dăm gỗ, bột lốp, da giày… để làm nhiên liệu đốt thay cho than và các chất đốt thông thường. Cách làm này không chỉ giúp thu gom lượng lớn rác thải công nghiệp, vốn dĩ trước đây được xử lý theo kiểu truyền thống, mà còn góp phần giảm ô nhiễm môi trường, đẩy mạnh chủ trương khuyến khích doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất, dùng nguyên liệu tái chế, nguyên liệu thay thế. 
Rác thải công nghiệp được sử dụng làm nguyên vật liệu thay thế trong sản xuất xi măng ở Nhà máy xi măng Bút Sơn giúp tiết kiệm tài nguyên (Ảnh: KTMT)
Tại Nhà máy xi măng Bút Sơn, tỷ lệ đốt rác công nghiệp hiện đang là 25%. Nếu thực hiện tốt việc đốt rác lên đến 50% nguyên vật liệu, giá thành sản phẩm sẽ có thể hạ xuống, giúp sản phẩm tăng được tính cạnh tranh. Với việc dùng rác thải làm nguyên vật liệu thay thế, tỷ lệ thay thế nhiệt hiện đạt 14 - 15%. Thay vì dùng than đá để đốt, việc dùng rác thải công nghiệp giúp cho nhà máy giảm chi phí mà không làm ảnh hưởng đến hệ thống thiết bị, năng suất, chất lượng clinker cũng như chất lượng khí thải.
Việc tiếp nhận xử lý, tái chế chất thải từ các ngành khác làm nguyên, nhiên liệu đầu vào cho sản xuất xi măng là cơ hội để doanh nghiệp tăng doanh thu, phát thải. Từ đó, hướng tới xây dựng một ngành công nghiệp hỗ trợ nền kinh tế phát triển theo hướng tuần hoàn, bền vững với môi trường.
Tuệ Lâm