Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 21/11/2024 | 22:20 GMT+7

Điển hình

Mô hình khu công nghiệp sinh thái mang lại lợi ích về kinh tế, môi trường

20/06/2023

Khu công nghiệp Hòa Khánh (Đà Nẵng) là một trong những khu công nghiệp được chọn thí điểm để chuyển sang mô hình khu công nghiệp sinh thái. Mặc dù những tiêu chí, yêu cầu của mô hình này với cả địa phương và doanh nghiệp sẽ có những khắt khe như đảm bảo việc xử lí chất thải, mảng xanh, nhà ở công nhân… nhưng về lâu dài, việc sản xuất sẽ bền vững.
Ngày càng nhiều các doanh nghiệp hướng đến việc sản xuất bền vững, có trách nhiệm với môi trường. 
Nỗ lực thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi
Giữa tháng 6 vừa qua, Ban Quản lí Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp Đà Nẵng đã phối hợp với Vụ Quản lí các Khu kinh tế - Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo tập huấn tăng cường năng lực về chuyển đổi mô hình khu công nghiệp sinh thái.
Hơn 70 đại biểu là đại diện lãnh đạo, cán bộ phụ trách môi trường, kĩ thuật của các doanh nghiệp đang hoạt động tại khu công nghiệp Hòa Khánh tham dự hội thảo. Đây là một trong các hoạt động của dự án “Triển khai khu công nghiệp sinh thái theo hướng tiếp cận từ chương trình khu công nghiệp sinh thái toàn cầu” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Tổ chức phát triển công nghiệp Liên Hợp Quốc thực hiện.
Hội thảo tập huấn giúp các doanh nghiệp tại Đà Nẵng tiếp cận với khái niệm sản xuất bền vững, sản xuất xanh và những lợi ích của phát triển bền vững.
Bà Nguyễn Trâm Anh - Quản lí kĩ thuật của khu công nghiệp sinh thái, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, có 8 tiêu chí trong việc thành lập khu công nghiệp sinh thái, trong đó quan trọng nhất là phải có 20% các doanh nghiệp trong khu công nghiệp thực hiện sản xuất sạch hơn, sử dụng hiệu quả tài nguyên, có cộng sinh doanh nghiệp.
Tại Đà Nẵng, sau 5 năm thực hiện khảo sát, làm việc với khu công nghiệp Hòa Khánh, bà Trâm Anh nhận định, đây là nơi có tiềm năng chuyển đổi sang khu công nghiệp sinh thái. Dự án đến nay đã hỗ trợ 20 doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Hòa Khánh sử dụng hiệu quả tài nguyên, sản xuất sạch hơn.
Từ năm 2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến tiếp tục hỗ trợ thêm 20 doanh nghiệp nữa cho khu công nghiệp Hòa Khánh, giúp làm tăng tỉ vệ doanh nghiệp sản xuất sạch hơn. Bên cạnh đó, dự án cũng đã hỗ trợ, tạo ra 2 liên kết cộng sinh doanh nghiệp trong khu công nghiệp này.
“Vấn đề hiện nay là chính quyền thành phố và Ban Quản lí Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng cần vận động, nâng cao nhận thức và sự tham gia của các doanh nghiệp để đạt được số lượng 20% doanh nghiệp trên thì việc chuyển sang mô hình khu công nghiệp sinh thái là hoàn toàn có thể” - bà Trâm Anh nói.
Doanh nghiệp nhận được hiệu quả ngay, địa phương cùng hưởng lợi
Với việc chuyển qua mô hình khu công nghiệp sinh thái, các chuyên gia và nhà quản lí khẳng định, doanh nghiệp và cả địa phương đều được hưởng lợi.
Cụ thể, với doanh nghiệp, việc sản xuất sạch hơn sẽ mang lại hiệu quả kinh doanh khi thị trường quốc tế đang dần đặt ra tiêu chí lựa chọn những doanh nghiệp sản xuất bền vững. Từ đó, cơ hội hợp tác, mở rộng hợp tác của những doanh nghiệp này ra quốc tế cũng cao hơn.
Ông Thái Ngọc Trung - Phó Trưởng ban Ban Quản lí Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng - cho rằng, doanh nghiệp khi tham gia chương trình này thì lợi ích đầu tiên là tiết kiệm được năng lượng như điện, nước, nguyên vật liệu đầu vào, nhận được chứng chỉ của các tổ chức quốc tế, sản phẩm của họ sẽ được tham gia nhiều thị trường trên thế giới hơn.
Bà Trâm Anh cho biết thêm: “Mô hình khu công nghiệp sinh thái đòi hỏi nhiều bước, nhiều thủ tục hơn nhưng thực tế hiệu quả kinh tế lớn hơn rất nhiều. Một doanh nghiệp thực hiện việc sản xuất sạch hơn phải làm đi làm lại quy trình từ 7 đến 8 tháng nhưng sau đó có thể thu hồi được vốn ngay và những năm tiếp theo vẫn sử dụng được phương pháp đó. Có doanh nghiệp đã tiết kiệm tiền điện cả 100 triệu đồng/tháng bằng những giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên, sản xuất sạch hơn. Vậy nên lợi ích kinh tế có thể thấy ngay được”.
Theo: Báo Lao động