Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 21/11/2024 | 19:09 GMT+7

Điển hình

Quảng Ninh thúc đẩy sản xuất sạch, thân thiện với môi trường

17/04/2023

Tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm thúc đẩy hoạt động sản xuất sạch, sản phẩm thân thiện với môi trường, áp dụng mô hình, liên kết bền vững theo chuỗi vòng đời sản phẩm. Qua đó, đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tạo ra những sản phẩm thân thiện với môi trường và hướng tới việc bảo vệ môi trường xanh, bền vững.
Hộ kinh doanh Vũ Anh Tuấn, TP Uông Bí được hỗ trợ thiết bị hiện đại từ nguồn khuyến công địa phương trong sản xuất rượu mơ thủ công, năm 2022.
Sở Công Thương đẩy mạnh thông tin, khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, ứng dụng sản xuất sạch hơn trong các quá trình sản xuất tại các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong đó, chú trọng nâng cao nhận thức tiết kiệm năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp; tập huấn đào tạo người quản lý năng lượng cho các cơ sở sản xuất công nghiệp, thương mại dịch vụ, cơ sở lưu trú; thực hiện các đề án hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư phục vụ sản xuất... Trên địa bàn tỉnh hiện có 7 nhà máy nhiệt điện với lượng tro xỉ hàng năm là 20 triệu tấn. Đến nay, 7/7 đơn vị có hợp đồng thu gom, xử lý tro, xỉ phục vụ sản xuất vật liệu xây dựng.
Với định hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút các doanh nghiệp FDI sử dụng công nghệ sạch, tiết kiệm tài nguyên, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh tiếp tục định hướng thu hút đầu tư FDI theo quy định của Trung ương và của tỉnh. Riêng năm 2022, đơn vị phối hợp cùng các sở, ngành, địa phương liên quan từ chối không xem xét thu hút đầu tư đối với 3 dự án FDI vào các KCN của tỉnh với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 350 triệu USD, do không đảm bảo định hướng thu hút của tỉnh, có những yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, thâm dụng tài nguyên, nước và lao động. Cụ thể: Dự án nhà máy sản xuất bể bơi cao su của nhà đầu tư Hàn Quốc đề xuất vào KCN Bắc Tiền Phong; Dự án Nhà máy tái chế nhựa PET và sản xuất sản phẩm dây dai nhựa PP&PET công nghiệp, màng bọc PE công nghiệp và hạt nhựa tái chế PET của Công ty Hiroyiki (Nhật Bản) vào KCN Sông Khoai có yếu tố tiêu cực về môi trường; dự án kéo và cắt tấm silicon 4GW của Công ty TNHH Imperial Star Solar (Hồng Kông) đề xuất vào KCN Bắc Tiền Phong có yếu tố thâm dụng điện, nước; dự án đầu tư sản xuất, lắp ráp máy tính xách tay, máy tính để bàn, thiết bị thông minh của Công ty Compal (Đài Loan) sử dụng 30.000 lao động.
Để nâng cao hiệu quả sản xuất sạch hơn, thân thiện với môi trường, Sở NN&PTNT đã triển khai xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh. Tới nay, Sở đã hỗ trợ hướng dẫn và cấp tài khoản tham gia quản lý cho 73 cơ sở là các doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; cấp 534 bộ mã truy xuất sản phẩm thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, triển khai các dự án, đề án liên quan đến sản xuất: Nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp; đảm bảo an ninh nguồn nước giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; dự án thành lập Khu bảo tồn biển Cô Tô, Đảo Trần, Quảng Ninh; dự án điều tra nguồn lợi thủy sản ven bờ và vùng lộng trên địa bàn tỉnh...
Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT, để phát triển sản xuất sạch hơn, Sở thường xuyên hướng dẫn các địa phương xây dựng quy hoạch vùng sản xuất các mặt hàng nông sản chủ lực, có ưu thế của địa phương. Quy hoạch các nhà máy chế biến nông sản phù hợp với quy hoạch sản xuất nhằm tạo điều kiện cho việc hình thành các vùng sản xuất nông sản tập trung, gắn với truy xuất nguồn gốc, tạo nguồn cung hàng nông sản ổn định đảm bảo an toàn thực phẩm cho các doanh nghiệp kinh doanh nông sản. Thời gian tới, Sở tiếp tục hoàn thiện công tác quy hoạch, đề án, dự án của ngành liên quan đến việc sản xuất xanh, sạch, bền vững.
Quảng Ninh khuyến khích khách du lịch hạn chế sử dụng túi nilon, chai nhựa tại các điểm vui chơi, tham quan, du lịch... nhằm giảm thiểu các tác động đến môi trường.
Tới nay, việc thúc đẩy sản xuất sạch hơn, sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường được thực hiện đồng bộ, hiệu quả và nhận được sự tham gia mạnh mẽ từ các sở, ngành, địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh, với việc triển khai nhiều dự án, mô hình trọng tâm, trọng điểm. Điển hình: Sở KH&CN thường xuyên tổ chức các khoá đào tạo về đăng ký và kê khai mã số, mã vạch, truy xuất nguồn gốc cho các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh; ngành ngân hàng tổ chức triển khai các giải pháp tín dụng hỗ trợ phát triển sản xuất và tiêu dùng bền vững, tăng hiệu quả phân bổ nguồn vốn tín dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy “tín dụng xanh”, “ngân hàng xanh”, thanh toán không dùng tiền mặt...
Việc áp dụng sản xuất sạch hơn đã góp phần giúp cho các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh nâng cao hiệu quả sử dụng nguyên, nhiên vật liệu, năng lượng; tăng cường tuần hoàn và tái sử dụng các sản phẩm sạch, cải thiện môi trường làm việc, giảm ô nhiễm môi trường. Đồng thời, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ sức khỏe cho người dân, tăng năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Theo: Báo Quảng Ninh