Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 07/11/2024 | 08:32 GMT+7

Kinh tế tuần hoàn

Phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0: cơ hội và thách thức

12/07/2023

TÓM TẮT:
Kinh tế tuần hoàn được ví như một “giải pháp xanh” cho nền kinh tế hướng tới phát triển bền vững, là một trong những nhiệm vụ quan trọng của nước ta trong giai đoạn 2021 - 2030. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam đón nhận nhiều cơ hội cho sự phát triển, nhưng cũng có nhiều thách thức và trở thành rào cản lớn cho sự phát triển của kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Bài viết bàn về những cơ hội và thách thức, đồng thời gợi ý một số giải pháp nhằm phát triển kinh tế tuần hoàn trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Từ khóa: kinh tế tuần hoàn, cách mạng công nghiệp 4.0, cơ hội, thách thức.
1. Đặt vấn đề
Kinh tế tuần hoàn (KTTH) là mô hình kinh tế đang nhận được sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu và được áp dụng rộng rãi trong các lĩnh vực khác nhau tại nhiều quốc gia trên thế giới. Liên minh châu Âu định nghĩa “Kinh tế tuần hoàn là nền kinh tế mà giá trị của sản phẩm, nguyên vật liệu, tài nguyên được duy trì lâu nhất có thể và đồng thời giảm thiểu việc phát thải”. Tại Việt Nam, kinh tế tuần hoàn được nêu rõ trong Điều 142 của Luật Bảo vệ môi trường, số 72/2020/QH14, được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 17 tháng 11 năm 2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2022. Theo đó, “Kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường”. Như vậy, các mô hình kinh doanh tuần hoàn là các mô hình kinh doanh gồm quay vòng, mở rộng, tăng cường và/hoặc phi vật chất hóa các vòng lặp vật chất và năng lượng để giảm đầu vào tài nguyên cũng như rò rỉ chất thải và khí thải ra khỏi một hệ thống tổ chức. Điều này bao gồm các biện pháp tái chế (quay vòng), mở rộng giai đoạn sử dụng (kéo dài), giai đoạn sử dụng cường độ cao hơn (tăng cường) và thay thế sản phẩm bằng các giải pháp dịch vụ và phần mềm (phi vật chất hóa) (Geissdoerfer và các cộng sự, 2020). Với cách hiểu trên, phát triển kinh tế tuần hoàn là yêu cầu tất yếu của các quốc gia để phát triển bền vững trong bối cảnh nguồn tài nguyên thiên nhiên đang ngày càng cạn kiệt và quá trình công nghiệp hóa đang gây ra nhiều phát thải, ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường và con người.
Trong “Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam”, định hướng phát triển cho ngành này là hướng tới các lĩnh vực về công nghệ và môi trường; sử dụng các ứng dụng của công nghệ vào các xử lý các vấn đề liên quan tới rác thải, môi trường. Kinh tế tuần hoàn có thể hoạt động với hiệu quả cao đòi hỏi phải có sự liên kết cùng yếu tố công nghệ. Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ giúp nghiên cứu và tạo ra các công nghệ mới tiên tiến, góp phần hỗ trợ, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn phát triển - đây cũng chính là khẳng định được các nhà quản lý, các chuyên gia trong và ngoài nước đưa ra tại Diễn đàn Franconomics lần thứ IV tại Hà Nội. Để đạt được mục tiêu như Đề án “Phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam” đặt ra, việc nắm bắt những cơ hội và tháo gỡ những thách thức mà cách mạng công nghiệp 4.0 đem tới cho kinh tế tuần hoàn là vấn đề cấp thiết cần được giải quyết.
2. Cơ hội phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
Trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0 đang ngày càng phát triển mạnh mẽ cả ở trong nước và trên thế giới, Việt Nam đón nhận nhiều cơ hội lớn mà cuộc cách mạng công nghiệp này mang lại cho sự phát triển của kinh tế tuần hoàn. Cụ thể:
Thứ nhất, ứng dụng các thành tựu của CMCN 4.0 sẽ đem lại sự phát triển cho kinh tế tuần hoàn.
CMCN 4.0 đề cập đến một tập hợp các quy trình tự động hóa, đa dạng hóa từ internet vạn vật (IoT), in 3D, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big data), điện toán đám mây, giao tiếp giữa máy và máy, giao tiếp giữa máy và người… Đây là những yếu tố cốt lõi để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế tuyến tính sang nền KTTH thông qua các khía cạnh:
- Công nghệ tiên tiến trong CMCN 4.0 giúp KTTH xử lý được nhu cầu về công nghệ mới trong sản xuất, chế biến, sử dụng và tái chế. Ứng dụng các thành tựu công nghệ từ cuộc các mạng công nghiệp 4.0 phân tích dữ liệu, AI, IoT,… cho phép lập bản đồ vật liệu và khởi tạo các dịch vụ quản lý vật liệu mới để các sản phẩm, dịch vụ hệ thống sản xuất đều được thiết kế lại khiến những doanh nghiệp khai thác, chế biến và sản xuất nguyên liệu thô có thể nâng cao năng suất, đạt được hiệu quả cao hơn trong sản xuất. Nhờ ứng dụng công nghệ, KTTH giải quyết được các vấn đề trong thu gom, phân loại và tái chế tiên tiến nhằm biến chất thải thành nguyên liệu thô mới, có thể trở thành đầu vào cho một quá trình sản xuất khác; xử lý vật liệu hiệu quả; thiết kế; sản xuất; và các nền tảng tương tác để tăng cường kết nối. Bên cạnh đó, nhờ công nghệ robot, phân tích Big data và AI, cảm biến và kết nối và giao diện người - máy, những nhu cầu trên sẽ được giải quyết trong nền KTTH. Kết quả khảo sát của Hiệp hội Chất thải rắn Quốc tế (năm 2017) về tương lai của ngành Công nghiệp chất thải và CMCN 4.0 cũng đã cho thấy, công nghệ cảm biến và vật liệu phân hủy sinh học sẽ có tác động lớn đến sản phẩm.
- CMCN 4.0 và nền KTTH có chung những động lực thay đổi. Nền KTTH dựa trên việc cung cấp sản phẩm và quy trình mới so với nền kinh tế tuyến tính truyền thống, tích hợp các chuỗi giá trị và thay đổi trong cách tiếp cận khách hàng. Trong khi đó, CMCN 4.0 được thiết kế dựa trên mô hình kinh doanh và tiếp cận khách hàng kỹ thuật số, số hóa sản phẩm và dịch vụ, số hóa và tích hợp chuỗi giá trị. Như vậy, CMCN 4.0 cung cấp động lực cho sự đổi mới và hình thành KTTH trong khi KTTH là động lực để hình thành nền sản xuất bền vững.
Thứ hai, CMCN 4.0 làm thay đổi nhận thức của các đối tượng trong nền kinh tế về sản phẩm, thúc đẩy sự phát triển KTTH.
Dưới tác động của CMCN 4.0, quan điểm về quyền sở hữu, quản lý vật chất và chuỗi giá trị được thay đổi trên cả cấp độ của người tiêu dùng và doanh nghiệp, khiến nhận thức về KTTH ngày càng được nâng cao. Theo đó, giá trị sử dụng đang dần được người tiêu dùng đề cao hơn giá trị sở hữu, tạo ra nhu cầu cho các mô hình kinh doanh mới như kinh tế chia sẻ, tận dụng tối đa vòng đời sản phẩm thay vì mua sắm các sản phẩm mới. Đây là hệ quả của việc ứng dụng các thành tựu của CMCN 4.0 như: thông tin truyền thông, ứng dụng internet, website, thương mại điện tử, nền tảng khách hàng và các cơ sở dữ liệu. Những yếu tố này sẽ giúp thiết kế lại sản phẩm, dịch vụ và hệ thống sản xuất theo hướng tạo ra các giá trị mới dựa trên việc tối đa hóa tiện ích của khách hàng thông qua việc kéo dài tuổi thọ sản phẩm. Đây chính là yếu tố cốt lõi của KTTH nhằm tạo ra giá trị kinh tế và tiết kiệm nguyên liệu. Bên cạnh đó, nhờ CMCN 4.0, chuỗi giá trị sản xuất được xem xét lại về chức năng tuần hoàn và khách hàng được cung cấp dịch vụ chứ không đơn thuần là các sản phẩm. Công nghệ đa dạng và hiện đại trong cuộc CMCN 4.0 là cơ sở cho việc nâng cao khả năng phát triển trong sản xuất, chuyển từ việc tối đa hóa nguồn cung nguyên liệu sang việc nâng cao hiệu quả cung cấp nguyên liệu theo hướng: đúng sản phẩm vào đúng địa điểm. Như vậy, sự kết hợp giữa công nghệ hiện đại hóa trong CMCN 4.0 với các nguyên tắc của nền KTTH sẽ dẫn đến một cách tiếp cận khác trong chuỗi giá trị cung ứng và quản lý nguyên vật liệu ở cả cấp độ doanh nghiệp và quốc gia.
Thứ ba, những thành công trong ứng dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 vào phát triển kinh tế tuần hoàn của nhiều quốc gia trên thế giới sẽ là những bài học kinh nghiệm quý cho Việt Nam.
Kinh tế tuần hoàn là xu hướng chung của toàn cầu đã được chứng minh thành công ở nhiều quốc gia trên thế giới, như: Thụy Điển, Đan Mạch, Phần Lan, Ca-na-đa, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore... Thành công của những quốc gia này trong việc ứng dụng thành tựu của CMCN 4.0 vào phát triển KTTH sẽ đem lại cho Việt Nam nhiều bài học kinh nghiệm quý báu. Chúng ta sẽ xem xét hai quốc gia điển hình về ứng dụng công nghệ 4.0 vào phát triển KTTH tại châu Âu và châu Á là Thụy Điển và Singapore. Thụy Điển - một quốc gia thuộc khu vực Bắc Âu có nền kinh tế phát triển hàng đầu trên thế giới - là ví dụ điển hình trong việc xây dựng nền kinh tế tuần hoàn với phát thải các-bon thấp, có tới 99% rác thải được tái chế thành công. Việc này được bắt đầu từ thay đổi rất sớm của chính phủ Thụy Điển trong tư duy sản xuất, tiêu dùng và trong các kế hoạch áp dụng khoa học - công nghệ vào các ngành sản xuất và xử lý rác thải với sự tham gia của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Song song với việc thống nhất tư duy phát triển và xây dựng hệ thống KTTH trên phạm vi cả nước, Chính phủ Thụy Điển đã bắt đầu xây dựng nền KTTH bằng việc đổi mới sáng tạo ở một số doanh nghiệp, thúc đẩy ứng dụng công nghệ sạch trong các doanh nghiệp, tạo ra các phương pháp tiếp cận theo hướng đổi mới, sáng tạo. Tại châu Á, Singapore là một quốc gia điển hình trong phát triển kinh tế tuần hoàn từ rất sớm. Do đặc thù về mặt địa lý là một đảo quốc nhỏ bé, có rất ít diện tích đất để sử dụng nên Singapore luôn chú trọng tới vấn đề xử lý chất thải, đặc biệt là việc tái chế chúng. Tận dụng lợi thế là một trong những quốc gia hàng đầu trong khu vực và trên thế giới về phát triển công nghệ 4.0, Singapore luôn tăng cường ứng dụng công nghệ trong các ngành, trong đó có KTTH trong lĩnh vực xử lý và tái chế chất thải. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường nước của Singapore, quốc gia này đã tăng tỷ lệ tái chế chất thải từ 47% năm 2003 lên 60% năm 2018 và 90% số lượng rác thải tác chế đó được chuyển hóa thành năng lượng.
3. Thách thức cho phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
Sự phát triển của kinh tế tuần hoàn trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 sẽ là một sự cộng hưởng, có những cơ hội nhưng cũng nhiều thách thức, đặc biệt trong bối cảnh tại Việt Nam hiện nay. Những khó khăn, thách thức lớn mà kinh tế tuần hoàn phải đối mặt như sau:
- Mức độ sẵn sàng cho CMCN 4.0 tại Việt Nam vẫn còn ở mức thấp, chưa đủ để xây dựng nền tảng tốt cho phát triển KTTH.
Theo số liệu được công bố của Viện Nghiên cứu Kinh tế Đông Á và ASEAN, mặc dù thế giới đã chuyển mình sang cuộc CMCN 4.0 trong nhiều năm gần đây nhưng mức độ sẵn sàng cho cuộc cách mạng lần thứ tư này ở Việt Nam vẫn còn ở mức thấp so với các quốc gia trong khu vực. Phần lớn quy mô của các doanh nghiệp Việt Nam là vừa và nhỏ, sử dụng công nghệ lạc hậu. Theo số liệu thống kê năm 2017, 76% thiết bị máy móc, dây chuyền công nghệ của các doanh nghiệp tại Việt Nam nhập từ nước ngoài thuộc công nghệ của những năm 1960-1970. Năm 2017, Việt Nam chỉ đứng thứ 91/120 quốc gia trong bảng xếp hạng chỉ số sẵn sàng cho công nghiệp 4.0 toàn cầu. Năm 2018, trong một nghiên cứu được Ban Thư ký ASEAN thực hiện để đánh giá mức độ sẵn sàng cho CMCN 4.0 của các nước thành viên, Việt Nam vẫn được xếp vào nhómnon trẻ, do có trình độ sử dụng công nghệ và đổi mới còn thấp. Xếp hạng về mức độ sẵn sàng cho công nghệ 4.0 của Việt Nam không có nhiều biến động trong năm 2019. Tuy nhiên, bước sang năm 2020, đại dịch Covid-19 đã đem tới nhiều biến động, nâng cao mức độ sẵn sàng cho CMCN 4.0 của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, tạo ra sự bùng nổ mạnh mẽ của kinh tế số. Công nghệ số tại Việt Nam hiện nay chủ yếu được thực hiện ở việc phát triển trên khía cạnh kết nối công nghệ số giữa các doanh nghiệp thương mại với người tiêu dùng, chưa có nhiều ứng dụng trong các lĩnh vực như môi trường, xử lý rác thải,…
- Hiện nay, các mô hình KTTH tại Việt Nam vẫn còn đang được tạo lập, phát triển một cách tách biệt, chưa thực sự gắn kết với cách ngành trong kinh tế số của cách mạng 4.0. 
Ứng dụng khoa học, công nghệ từ cuộc CMCN 4.0 giúp giám sát tốt hơn vòng đời và mức tiêu thụ sản phẩm, là công cụ không thể thiếu cho sự phát triển của KTTH. Do đó, chuyển đổi từ nền kinh tế tuyến tính truyền thống sang KTTH đòi hỏi phải tăng cường áp dụng khoa học và công nghệ trên mọi lĩnh vực, phải có sự gắn kết cùng hỗ trợ phát triển. Tuy nhiên, trong khi KTTH đang ở bước đầu tạo lập, cần có sự hỗ trợ, gắn kết giữa các doanh nghiệp công nghệ và môi trường, xử lý thải… thì trên thực tế, các doanh nghiệp này lại chủ yếu hoạt động độc lập với nhau, nên chưa có thể tạo đà được cho sự phát triển của KTTH tại Việt Nam hiện nay. Kết quả khảo sát doanh nghiệp của CIEM được thực hiện năm 2022 với 508 doanh nghiệp trong khắp cả nước cho thấy mới chỉ có 3 - 5,5% doanh nghiệp áp dụng KTTH ở mức tốt, nhưng có tới 51 - 66% là chưa áp dụng.
- Nhận thức về KTTH và cách mạng công nghiệp 4.0 còn chưa đầy đủ.
Theo kết quả khảo sát năm 2021 của nhóm tác giả Thái Thị Minh Nghĩa, Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Prasanta Kumar Dey và Nguyễn Quốc Định với 300 doanh nghiệp online và 24 doanh nghiệp trực tiếp đã cho thấy nhận thức của doanh nghiệp vừa và nhỏ về KTTH mới chỉ ở mức trung bình (3,57/5 điểm). Đáng chú ý, nghiên cứu này cho thấy tỷ lệ ý kiến doanh nghiệp bày tỏ thái độ trung lập (không đồng tình cũng không phản đối) áp dụng mô hình KTTH là khá cao về các hiệu quả mà KTTH mang lại cho doanh nghiệp. Theo đó, đối với đánh giá về hiệu quả kinh tế mà KTTH đem lại, có tới 32% doanh nghiệp được khảo sát giữ ý kiến trung lập. Đối với hiệu quả xã hội của KTTH, tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá trung lập là 41% và tăng lên 46% đối với đánh giá về hiệu quả môi trường của KTTH. Trên khía cạnh phúc lợi xã hội, có tới 37% doanh nghiệp được hỏi giữ ý kiến trung lập về hiệu quả mà KTTH mang lại. Những con số này cho thấy nhận thức của các doanh nghiệp vừa và nhỏ về KTTH vẫn ở mức thấp. Các doanh nghiệp được khảo sát đều hiểu những thách thức gây ra bởi sự khan hiếm tài nguyên thiên nhiên và biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng tới doanh thu và tăng trưởng kinh doanh của mình. Tuy nhiên, chưa có doanh nghiệp nào trong số các doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết rằng họ có những kế hoạch để nâng cao nhận thức và áp dụng thực hành sản xuất thân thiện với môi trường, những dự án liên quan đến việc quản lý môi trường hay phúc lợi xã hội trong công ty của mình. Kết quả khảo sát doanh nghiệp của CIEM được thực hiện năm 2022 đã cho kết quả khả quan hơn về nhận thức của doanh nghiệp đối với KTTH. Theo đó, có 60 - 70% doanh nghiệp nhận thức được KTTH có vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, kết quả khảo sát này cũng cho thấy mới chỉ có dưới 5,5% doanh nghiệp áp dụng KTTH ở mức tốt, nhưng có hơn 50% doanh nghiệp được khảo sát chưa áp dụng KTTH.
- Đầu tư ứng dụng CMCN 4.0 và khoa học công nghệ cho phát triển KTTH còn thấp, cơ cấu chưa phù hợp.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ đầu tư cho khoa học công nghệ của Việt Nam bình quân giai đoạn 2000-2010 đạt mức 1,85%/năm trong tổng chi từ ngân sách nhà nước. Giai đoạn 2011-2018, tỷ lệ này còn giảm ở mức thấp hơn, chỉ đạt 1,4%/năm. Nhìn chung, tổng chi bình quân cho KHCN từ ngân sách nhà nước giai đoạn 2010 - 2020 chỉ đạt khoảng 0,44%GDP, thấp hơn nhiều so với bình quân của thế giới là 2,23% GDP. Năm 2021, chi cho KHCN tại Việt Nam chỉ chiếm 0,934% tổng chi ngân sách nhà nước. Năm 2022, với việc tăng cường chi cho đầu tư phát triển KHCN, tỷ lệ chi cho đầu tư phát triển KHCN được dự báo tăng lên so với năm 2021, chiếm 1,806% tổng chi từ ngân sách Trung ương. Tuy nhiên, cho đến nay, mức chi từ ngân sách nhà nước cho phát triển KHCN của Việt Nam vẫn còn thấp, tỷ lệ đầu tư vẫn thấp hơn mức trung bình của thế giới. Bên cạnh mức đầu tư thấp, cơ cấu vốn đầu tư cho KHCN tại Việt Nam cũng còn nhiều bất cập. Tại Việt Nam, cơ cấu vốn chi cho KHCN phụ thuộc chủ yếu vào ngân sách quốc gia, đóng góp của khu vực tư nhân chiếm tỷ lệ nhỏ. Trong giai đoạn 2011-2015, cơ cấu chi cho phát triển KHCN giữa ngân sách nhà nước và tư nhân là 60%/40% và giai đoạn 2016-2019 là 52%/48% (Nguyễn Thị Thơm, 2020). Những năm gần đây, mặc dù mức chi cho đầu tư phát triển khoa học công nghệ của khu vực tư nhân có xu hướng tăng lên, xấp xỉ mức chi của ngân sách nhà nước, nhưng nhìn chung chi cho KHCN vẫn chịu ảnh hưởng lớn của ngân sách nhà nước, gây áp lực lên nguồn ngân sách quốc gia.
- Việt Nam còn thiếu khung khổ pháp lý thống nhất về phát triển kinh tế tuần hoàn, cách mạng công nghiệp 4.0 và gắn kết chúng lại với nhau.
Ứng dụng khoa học công nghệ là tiền đề cho sự phát triển của KTTH nên khung khổ pháp lý thống nhất về sự phát triển phối kết hợp giữa KTTH và CMCN 4.0 là cần thiết. Tuy nhiên, hiện nay, mặc dù đã được đưa vào các chương trình mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của quốc gia nhưng việc hình thành KTTH kết hợp áp dụng cách mạng công nghệ 4.0 trong mô hình đó mới manh nha và chỉ là những hành động riêng lẻ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân mà chưa có các chương trình hành động chính thức của Chính phủ. Điều này không đủ tạo ra sự chuyển đổi cần thiết ở quy mô lớn để chuyển từ nền kinh tế tuyến tính sang nền KTTH với những ứng dụng công nghệ của các cuộc cách mạng 4.0. Kết quả khảo sát đối với 508 doanh nghiệp trên cả nước của CIEM không chỉ đưa ra các số liệu minh chứng cho 4 khó khăn, thách thức mà KTTH phải đối mặt trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 như đã nêu ở trên mà còn là minh chứng cho thấy việc khung khổ pháp luật chưa đầy đủ là trở ngại lớn cho phát triển KTTH tại Việt Nam. (Hình 1)
4. Một số gợi ý nhằm phát triển kinh tế tuần hoàn trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
KTTH là một lĩnh vực kinh tế mới, nhưng đang được các quốc gia trên thế giới tập trung phát triển, nhằm hướng tới một nền kinh tế xanh, bền vững. Phát triển KTTH trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0, bên cạnh việc tận dụng tối đa các lợi thế mà cuộc CMCN 4.0 mang lại, Việt Nam cũng cần phải nhanh chóng phá bỏ được những rào cản. Qua những phân tích trên, tác giả xin đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển KTTH tại Việt Nam trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0.
Đối với Chính phủ, cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò trong việc định hướng phát triển các lĩnh vực công nghệ có sự tương tác, hỗ trợ cho sự phát triển của KTTH. Trong các chiến lược phát triển KTTH của quốc gia, Chính phủ cần có các chính sách thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa sự gắn kết giữa KTTH và công nghệ, đưa ra các chiến lược phát triển các lĩnh vực công nghệ có sự hỗ trợ cho KTTH. Cần đẩy mạnh cơ chế phối hợp giữa nhà nước, doanh nghiệp và các tổ chức có liên quan trong phát triển KTTH. Bên cạnh việc xây dựng định hướng làm cơ sở thực hiện cho các bộ, ban, ngành từ trung ương tới địa phương, Chính phủ cũng cần phải ban hành được một hệ thống luật liên quan tới KTTH một cách đầy đủ và đồng bộ hơn làm cơ sở pháp lý cho các doanh nghiệp phát triển. Việc tuyên truyền, làm rõ nội hàm và vai trò của KTTH nhằm khuyến khích tư nhân đầu tư vào lĩnh vực KTTH nên được Chính phủ thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa trong bối cảnh hiện nay đầu tư tư nhân vào lĩnh vực này vẫn còn ở mức hạn chế. Do đó, việc xây dựng sổ tay hướng dẫn áp dụng mô hình kinh doanh tuần hoàn cho các doanh nghiệp theo ngành, lĩnh vực, quy mô cần được Chính phủ nhanh chóng ban hành, nhằm giúp doanh nghiệp đang hoạt động xác định được đường hướng kinh doanh, nhưng cũng là yếu tố kích thích các nhà đầu tư mới tham gia vào lĩnh vực này.
Đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực KTTH, cần chủ động tìm kiếm hợp tác với các doanh nghiệp cung ứng công nghệ có liên quan. Sự hợp tác này không chỉ giúp các doanh nghiệp KTTH nâng cao được năng lực và hiệu quả hoạt động, mà còn giúp chính các doanh nghiệp công nghệ có được đối tác lâu dài, tăng doanh thu và lợi nhuận cho doanh nghiệp. Ngoài ra, các doanh nghiệp KTTH cần dựa trên định hướng phát triển KTTH của quốc gia và trên thế giới để đưa ra các định hướng phát triển dài hạn hơn, nhưng cũng cần chú trọng các chiến lược phát triển trong ngắn hạn, hướng tới sự bền vững trong dài hạn. Trong bối cảnh hợp tác kinh tế quốc tế hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam nên chủ động tham gia vào các chuỗi liên kết, mạng lưới sản xuất từ khu vực tới toàn cầu để tìm kiếm sự hợp tác với các đối tác nước ngoài về công nghệ sản xuất, đầu vào và cả thị trường đầu ra, hướng tới việc xuất khẩu các sản phẩm của KTTH.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. CIEM (2022), Mô hình kinh doanh tuần hoàn: Kinh nghiệm quốc tế và áp dụng tại Việt Nam, báo cáo.
2. Thái Thị Minh Nghĩa, Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Prasanta Kumar Dey và Nguyễn Quốc Định (2021), Nghiên cứu các giải pháp Kinh tế tuần hoàn - CE áp dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam. Tạp chí Môi trường, số chuyên đề tiếng Việt I/2021.
3. Thủ tướng Chính phủ (2022), Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 07 tháng 06 năm 2022 phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.
The development of circular economy in Vietnam in the context of the Industry 4.0: Opportunities and challenges
 Master. Luong Nguyet Anh
Thuongmai University
Abstract:
The circular economy is considered a green solution for sustainable economic development. Implementing a circular economy is one of the important tasks for Vietnam in the period of 2021 – 2030. The Fourth Industrial Revolution (Industry 4.0) has brought both opportunities and challenges to the development of circular economy in Vietnam. This paper points out opportunities and challenges for the development of circular economy in Vietnam. The paper also proposes some solutions to support the circular economy in Vietnam in the context of the Industry 4.0.
Keywords: circular economy, the Fourth Industrial Revolution (Industry 4.0), opportunities, challenges.
THS. LƯƠNG NGUYỆT ÁNH
Trường Đại học Thương mại
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 4  tháng 2 năm 2023]