Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 01:16 GMT+7

Kinh tế tuần hoàn

Nâng cao nhận thức cho người nông dân về kinh tế tuần hoàn

17/07/2023

Ban Tuyên giáo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vừa phối hợp với Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng tổ chức lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng về kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp cho hội viên, nông dân trên địa bàn thành phố Đà Lạt và huyện Đơn Dương.
Tham dự các lớp tập huấn có ông Phạm Văn Nghiêu - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Hội, bà Nguyễn Thị Tường Vi - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh; báo cáo viên Phạm Quốc Trị - Trưởng phòng Quản lý khoa học Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; cùng đông đảo hội viên nông dân của 2 địa phương.
Ông Phạm Văn Nghiêu - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Hội phát biểu khai mạc tập huấn (Ảnh: lamdong.gov.vn)
Chương trình tập huấn tạo cơ hội để các hội viên, nông dân, các chủ trang trại, tổ kinh tế hợp tác, các hợp tác xã tiếp cận các ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp tuần hoàn quy mô nông hộ, trang trại. Các học viên còn được thực hành sản xuất nông nghiệp tuần hoàn sau lớp học.
Nội dung tập huấn sẽ xoay quanh 3 chuyên đề: Giới thiệu về kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp. Chuyên đề này các học viên sẽ được tìm hiểu khái niệm kinh tế tuần hoàn là gì, kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp là như thế nào; Sự phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp ở nước ta trong giai đoạn hiện nay; Ứng dụng khoa học, công nghệ và phát triển kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp hiện nay ở nước ta.
Hội viên nông dân huyện Đơn Dương tham gia lớp tập huấn (Ảnh: lamdong.gov.vn)
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cả nước hiện có khoảng 12 triệu hộ gia đình có hoạt động chăn nuôi và hơn 23.000 trang trại chăn nuôi tập trung. Với tổng đàn khoảng 326 triệu con gia cầm, 29 triệu con lợn và 8 triệu con gia súc, mỗi năm khối lượng nguồn thải ra từ chăn nuôi ra môi trường khoảng 84,5 triệu tấn.
Tuy nhiên, chỉ khoảng 20% khối lượng chất thải được sử dụng hiệu quả (làm khí sinh học, ủ phân, nuôi trùn, cho cá ăn). Còn lại, khoảng 80% lượng chất thải chăn nuôi đã bị lãng phí, thải ra môi trường gây ô nhiễm môi trường nước, không khí và hư hại đất.
Do đó, việc áp dụng kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Đây sẽ là tiền đề quan trọng giúp cho người dân vừa tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng, vừa giảm tối đa sự lãng phí, thất thoát và chất thải rắn ra môi trường.
Tuệ Lâm