Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 11:00 GMT+7

Tiêu dùng bền vững

Người dân ngày càng quan tâm đến "Tiêu dùng bền vững"

10/04/2023

Chọn mua nhiều hơn các sản phẩm có yếu tố “xanh”, thân thiện với môi trường…, các bà nội trợ đã sẵn sàng chi trả cho những sản phẩm có yếu tố bền vững hơn.
Nắm bắt được xu thế tiêu dùn này, nhiều doanh nghiệp cũng đã có những bước thanh đổi tích cực nhằm mục tiêu “sản xuất xanh, sản xuất sạch”, hướng tới “tiêu dùng bền vững” để môi trường sống ngày càng tốt hơn.
19 giờ tối, nhóm các chị em tầng 8 tại một chung cư khu vực Cầu Giấy, Hà Nội lại tíu tít ship các loại thực phẩm cho nhau. Cà chua, dưa chuột, rau cải, hành, khoai tây… tất cả các loại thực phẩm này đều là thực phẩm hữu cơ (organic) được nhóm các chị em đặt mua ở cơ sở tin cậy. Cách thức mua sắm này được chị Yến, cư dân ở đây giải thích là thực phẩm hữu cơ vừa tốt cho sức khỏe lại sạch sẽ, bảo vệ môi trường. “Chúng tôi đã tìm hiểu sâu hơn quá trình làm ra sản phẩm organic là trên cơ sở không tổn hại đến môi trường. Vì thế, từ cuối năm ngoái, chị em chúng tôi đã ưu tiên các sản phẩm hữu cơ khi mua sắm”.
Chị Yến cho biết, tất cả các sản phẩm mà chị em chung tầng mua sắm đều được gói bằng bao bì thân thiện với môi trường, như rau buộc bằng dây chuối, gói bằng lá chuối; cà chua, dưa chuột được gói trong các loại giấy dễ phân hủy. “Chị em chúng tôi giao hàng cho nhau cũng thu hồi lại bao bì để chuyển lại cho nơi bán. Chúng tôi hy vọng mỗi hành động nhỏ góp vào sẽ tạo ra mục tiêu lớn vì môi trường sống tốt hơn”, chị Yến chia sẻ thêm.
Chị Ngọc trong nhóm chị em chung cư thì nhấn mạnh: Lâu nay tôi nghe báo đài tuyên truyền nhiều về sản xuất bền vững, tiêu dùng bền vững rồi tăng trưởng xanh, bền vững… nghe rất khó hiểu. “Giờ mới thấy nó chẳng phải cái gì to tát mà là những việc nhỏ bé thường ngày như dùng túi đựng rác tái chế, những sản phẩm tự tiêu hủy, thay các bao bì, túi đựng bằng nhựa, nilon bằng những sản phẩm khác có thể tái chế được”, chị Ngọc nói. Cách thức mua sắm này theo chị Ngọc có thể mất thì giờ hơn, giá cả có thể đắt hơn nhưng khi tạo thành thói quen hàng ngày thì mọi thứ trở lên đơn giản hơn rất nhiều.
Thực tế cho thấy, giới trẻ cũng ngày càng thích cách thức mua sắm mới “paste đồ”: Thay vì tiêu dùng kiểu “thời trang nhanh” (mua giá rẻ, thay đổi liên tục, loại bỏ nhiều), nhiều bạn đã chọn cách tái chế, tái sử dụng, thanh lý quần áo, phụ kiện thời trang để hạn chế việc bỏ đi các trang phục cũ - một loại rác thải tác động tiêu cực đến môi trường. Trên mạng xã hội, nhiều nhóm "thanh lý", "mua chung", "đổi cũ lấy mới"... cũng lần lượt ra đời, thu hút hàng nghìn thành viên...
Xu hướng này là một phần lý do khiến nhiều hãng thời trang lớn trên toàn cầu cũng đã thực hiện các chương trình như đổi cũ-lấy mới, hoặc nhận lại đồ cũ từ khách hàng để tái chế hoặc tái sử dụng, giúp kéo dài vòng đời của quần áo từ đó giảm thiểu lượng rác thải khổng lồ ra môi trường của ngành công nghiệp thời trang.
Tiêu dùng xanh, tiêu dùng bền vững đã không còn là những khái niệm xa lạ, mà đang dần phổ biến hơn trong đời sống hàng ngày và càng được thúc đẩy mạnh mẽ hơn sau đại dịch toàn cầu COVID-19.
Khảo sát của Viện nghiên cứu Giá trị doanh nghiệp thuộc Tập đoàn IBM (IBM Institute for Business Value – IBV) vào năm 2021 đối với 14.000 người đến từ 9 quốc gia cho biết, 90% người được khảo sát trả lời rằng, dịch COVID-19 đã làm thay đổi cách nhìn của họ về các vấn đề liên quan đến môi trường và tiêu dùng bền vững. Không chỉ vậy, người tiêu dùng còn có động thái quay lưng, “hạn chế” sử dụng sản phẩm của các doanh nghiệp gây ô nhiễm, sử dụng lãng phí tài nguyên hoặc sản phẩm có các tác động tiêu cực đến môi trường, cộng đồng.
Nghiên cứu của Công ty Nielsen Việt Nam cho thấy các thương hiệu có cam kết “xanh” và “sạch” có mức tăng trưởng khá cao, khoảng 4%/năm. Đối với ngành hàng thực phẩm và nước giải khát, mức tăng trưởng nhanh hơn so với toàn thị trường từ 2,5-11,4%. Đồng thời, doanh số bán hàng của các thương hiệu cam kết ưu tiên tính bền vững tăng gấp 4 lần so với những đối thủ không có cam kết này.
Theo: Moit