Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 07/11/2024 | 10:34 GMT+7

Điển hình

Xi măng Xuân Thành hướng tới sản xuất "xanh"

19/07/2023

Với việc đầu tư đổi mới công nghệ góp phần giúp Xi măng Xuân Thành thúc đẩy sản xuất các sản phẩm xi măng xanh, phát thải carbon thấp.
Nhà máy Xi măng Xuân Thành được xây dựng trên địa phận xã Thanh Nghị, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Với định hướng phát triển thành thương hiệu xi măng hàng đầu Việt Nam cả về chất lượng sản phẩm lẫn quy mô công suất và công nghệ, xi măng Xuân Thành luôn ưu tiên lựa chọn và đầu tư lắp đặt các dây chuyền sản xuất hiện đại, có quy mô công suất lớn. Điển hình là việc ký kết hợp tác với FLSmidth – Đan Mạch, đơn vị được biết đến là nhà cung cấp hàng đầu thế giới về công nghệ trong ngành xi măng với hơn 140 năm hình thành và phát triển.
Với việc sở hữu hệ dây chuyền sản xuất xi măng công suất 4,5 triệu tấn xi măng/năm, năm 2021, xi măng Xuân Thành đã xác lập kỷ lục “Đơn vị sở hữu dây chuyền sản xuất xi măng hiện đại, có công suất lớn nhất Việt Nam". Khẳng định sức mạnh của Xuân Thành trong việc đầu tư chiến lược vào sản xuất xi măng phục vụ cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng vào hệ thống thu hồi nhiệt dư
Thực hiện quy định của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1266/QĐ-TTg: “Đến hết năm 2025, 100% các dây chuyền sản xuất xi măng có công suất từ 2.500 tấn clinker/ngày trở lên phải lắp đặt và vận hành hệ thống phát điện tận dụng nhiệt khí thải.”, dây chuyền 1 và dây chuyền 2 của Nhà máy xi măng Xuân Thành đã được lắp đặt hệ thống thu hồi nhiệt dư từ năm 2017, chính thức đi vào vận hành từ tháng 9/2018 và đang tiếp tục đầu tư hệ thống thu hồi nhiệt dư của dây chuyền 3. Tổng vốn đầu tư vào hệ thống thu hồi nhiệt dư của cả 3 dây chuyền tại Xi măng Xuân Thành hơn 1.000 tỷ đồng.
Hệ thống đồng hồ theo dõi các thông số turbin của hệ thống phát điện nhiệt dư.
Ông Vũ Quang Bắc, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần xi măng Xuân Thành cho biết: Hiện nay, nhà máy đang vận hành khoảng 80 - 90% công suất thu hồi nhiệt dư, phần nhiệt dư còn lại để phục vụ quá trình sấy liệu cho các máy nghiền liệu, nghiền than. Hệ thống này giúp thu hồi nhiệt từ tháp trao đổi nhiệt và lò nung tạo ra điện có công suất 22 - 23MW, giúp đáp ứng được khoảng trên 30% nhu cầu sử dụng điện năng cho toàn bộ nhà máy.
“Thông thường, trong quá trình sản xuất xi măng sẽ thải ra môi trường một lượng khí thải nhất định, nhưng sử dụng công nghệ phát điện, nhiệt dư đã được thu về để biến thành điện. Tận dụng nhiệt dư trong sản xuất xi măng để phát điện mang lại nhiều lợi ích thiết thực, nhất là đem lại lợi ích kinh tế rất lớn, giúp nhà máy tiết kiệm khoảng 20 tỷ đồng tiền điện một tháng”, ông Vũ Quang Bắc, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần xi măng Xuân Thành cho biết.
Về lâu dài, việc sử dụng hệ thống thu hồi nhiệt khí thải để phát điện không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế mà còn giúp Xi măng Xuân Thành thực hiện mục tiêu sản xuất “xanh”, giảm phát thải khí CO2, giảm thiểu ô nhiễm môi trường do không phải sử dụng nguồn nguyên liệu thứ cấp.
Nỗ lực bảo vệ môi trường
Tại Xi măng Xuân Thành, bằng việc đi đầu trong lắp đặt và vận hành hệ thống máy móc hiện đại, đồng bộ nhất thế giới để thu hồi, tận dụng nhiệt dư để sản xuất điện phục vụ ngược trở lại cho sản xuất, đã giúp doanh nghiệp giảm thiểu lượng carbon trong quá trình sản xuất, bảo đảm không vượt quá ngưỡng tiêu chuẩn của EU.
Để bảo đảm hệ thống này hoạt động hiệu quả, minh bạch, Xi măng Xuân Thành lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động, liên tục kiểm soát khí thải đầu lò nung clinker, các chỉ tiêu phân tích đều thuộc giới hạn cho phép theo Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp sản xuất xi măng của Việt Nam (QCVN 23:2009/BTNMT). Dữ liệu được truyền tự động, liên tục về Sở TN&MT tỉnh Hà Nam.
Hệ thống tháp trao đổi nhiệt 5 tầng, lò quay phương pháp khô hiện đại thân thiện môi trường tại Nhà máy Xi măng Xuân Thành.
Bên cạnh đó, nhà máy còn sử dụng công nghệ lọc bụi túi, lọc bụi tĩnh điện khép kín, hiện đại, đảm bảo nồng độ bụi đầu ra luôn ở dưới mức cho phép theo quy định của nhà nước, không làm ảnh hưởng đến chất lượng không khí. Nhà máy luôn thực hiện nghiêm ngặt các tiêu chuẩn của hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2015 và tiêu chuẩn quản lý môi trường ISO 14001:2015.
Đồng thời, các giải pháp về môi trường mang tính chất tuần hoàn cũng được xi măng Xuân Thành đẩy mạnh như: Sử dụng hệ thống nước tuần hoàn làm mát thiết bị không phát thải nước ra môi trường; Tái chế sản phẩm xi măng không đạt chất lượng đưa vào làm phụ gia xi măng; Sử dụng máy lọc dầu tách nước tái sử dụng dầu thải.
Hiện nay, cùng với sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, xi măng Xuân Thành tiếp tục cải tiến, thay thế các máy móc cũ để tiết kiệm điện năng tiêu thụ. Tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức trong đội ngũ cán bộ, công nhân viên để họ chủ động tiết kiệm điện trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
Ngày 14/7/2021, Ủy ban Châu Âu đã đề xuất chính sách thuế biên giới carbon, áp dụng cho thép, xi măng, phân bón, nhôm và điện từ năm 2026, sau một giai đoạn thử nghiệm từ năm 2023. Các nhà nhập khẩu xi măng phải có chứng chỉ số, mỗi chứng chỉ đại diện cho một tấn khí thải carbon dioxide.
Đồng nghĩa, từ năm 2023, xuất khẩu xi măng sang thị trường Mỹ, EU... sẽ khó khăn hơn, do bị áp thuế phát thải carbon. Yêu cầu này buộc các doanh nghiệp xi măng Việt Nam phải đẩy mạnh việc lắp đặt hệ thống thu hồi nhiệt thải, tận dụng nhiệt thừa để phát điện, góp phần giảm thiểu phát thải carbon.
Mai Anh