Có thể nhận thấy rằng, phương pháp này vừa tận dụng được nhiệt thải, lại vừa xóa bỏ được nhiều thiết bị trao đổi nhiệt. Tuy nhiên phải đảm bảo các dòng vật chất đi từ tháp trước sang tháp sau không làm ảnh hưởng đến quá trình tách của tháp. Một giải pháp tiết kiệm hơn nữa khi kết nối nhiệt trực tiếp cho sơ đồ 3 tháp chính là xóa bỏ thiết bị đun sôi và ngưng tụ ở tháp đầu tiên như hình b. Đây chính là mô hình được đề xuất vào năm 1965 bởi nhà khoa học Petlyuk. Bằng việc sử dụng một bức tường ngăn cách, mô hình này hoàn toàn có thể đưa vào một thiết bị chung được gọi là tháp chưng luyện có vách ngăn chia đôi (Divided Wall Column)
Tháp DWC là một thành tựu của ngành công nghệ hóa chất. Tháp DWC đầu tiên được xây dựng và đưa vào hoạt động tại BASF ở Ludwigshafen, Đức vào năm 1985. Tính đến năm 2010 đã có tới hơn 125 tháp DWC hoạt động trên toàn cầu, trong đó có 116 tháp dùng để tách hỗn hợp ba cấu tử, còn lại là sử dụng cho các quá trình tách hỗn hợp nhiều hơn ba cấu tử. Hầu hết trong số các tháp đang được vận hành trong các nhà máy của BASF trên toàn thế giới (khoảng hơn 70 tháp) với áp suất hoạt động từ 2 mbar đến 10 bar và phạm vi đường kính từ 0,6m đến 4m. Tháp DWC lớn nhất tính đến năm 2011 được xây dựng bởi Linde AG cho Sasol ở Johannesburg, Nam Phi với chiều cao 107m với đường kính lớn hơn 5m.
Số tháp DWC được phân phối bởi Montz tới năm 2009. Phần nhiều các tháp DWC trên thế giới được chuyển giao bởi J.Montz GmbH trong đó chiếm phần lớn là các tháp vận hành bởi BASF. Số tháp phân phối bởi tập đoàn này theo thời gian được thể hiện trên hình 3. Vào năm 1996 với việc áp dụng công nghệ vách ngăn không hàn, số lượng tháp DWC tăng với tốc độ nhanh hơn.
Quá trình lắp đặt tháp DWC tại Maleta (nguồn internet)
Việc xây dựng tháp DWC đầu tiên tại BASF đánh dấu một mốc quan trong trong sự phát triển của công nghệ chưng luyện. Việc triển khai này đi kèm với bằng sáng chế mô hình tháp DWC cấp bởi Đức và châu Âu cho G.Kaibel của BASF AG vào năm 1984. Với các công nghệ cần thiết và bí quyết cơ khí được phát triển dưới sự hợp tác giữa hai tập đoàn BASF và Montz thì gần một nửa số bằng sáng chế trong lĩnh vực này được sở hữu bởi liên minh này. Trong đó BASF chủ yếu đảm trách phần công nghệ, Montz đảm nhận phần chế tạo. Tuy nhiên ưu thế này dần dần được xóa bỏ bởi các đối thủ làm cho chính sách của hai tập đoàn này thay đổi.
Khi công nghệ vách ngăn không hàn ra đời vào những năm 1990 đã dẫn đến một sự đột phá về công nghệ. Lúc này có thể chế tạo tháp với nhiều vách ngăn bên trong, tạo ra nhiều khoảng nối các không gian trong tháp, từ đó ta có thể áp dụng để tách hỗn hợp nhiều hơn ba cấu tử thành các sản phẩm có độ tinh khiết cao.
Hiện nay với ưu thế của mình công nghệ tháp DWC ngày càng được áp dụng rộng rãi, số lượng tháp DWC càng được sử dụng nhiều trong công nghiệp.
Bằng cách sử dụng hai phương pháp đã nêu, vấn đề tiết kiệm năng lượng trong công nghệ chưng luyện đã phần nào được giải quyết. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều các tháp chưng luyện truyền thống đã và đang hoạt động trên thế giới. Do đó vấn đề này vẫn rất cần được sự quan tâm của các chuyên gia và chính phủ các nước.
Bài viết liên quan:
Phần 1: Tiết kiệm năng lượng trong chưng luyện - Phương pháp bơm nhiệtKhánh Hòa