Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 07/11/2024 | 12:56 GMT+7

Sản xuất bền vững

Đan Mạch ứng dụng khoa học kĩ thuật, công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp và thực phẩm bền vững

22/08/2022

Việc ứng dụng linh hoạt công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đã giúp Đan Mạch đạt được những thành quả to lớn, trở thành một trong những cường quốc nông nghiệp hàng đầu thế giới.
Sáng ngày 17/8/2022 tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp cùng Đại sứ quán Đan Mạch tại Hà Nội, Hội đồng Nông nghiệp và Lương thực Đan Mạch, tổ chức chương trình Hội thảo “Kinh nghiệm và giải pháp của Đan Mạch trong sản xuất nông nghiệp và thực phẩm bền vững”. Đây là sự kiện đón nhận được đông đảo sự quan tâm của các bộ, ban ngành, giới chuyên môn, công ty, doanh nghiệp của Việt Nam và Đan Mạch đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp xanh, an toàn thực phẩm, phát triền bền vững.
Toàn cảnh buổi Hội thảo.
Nằm ở vùng Bắc Âu lạnh giá với diện tích nhỏ cùng dân số chỉ đạt 5,6 triệu dân, chi phí nhân công đắt đỏ nhưng Đan Mạch lại là quốc gia có nền nông nghiệp phát triển, đạt nhiều thành tựu nổi bật. Kết quả này có được là nhờ những chính sách được triển khai hiệu quả ngay từ đầu. Trong đó tập trung chủ yếu vào việc đầu tư cho công nghệ, tăng cường ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, đảm bảo mục tiêu phát triển nông nghiệp và thực phẩm bền vững mà nước này luôn quan tâm.
“Trong nhiều năm, các công ty nông nghiệp, thực phẩm Đan Mạch đã không ngừng đầu tư vào các thiết bị và giải pháp sản xuất mới nhằm thúc đẩy sản lượng và nâng cao chất lượng sản phẩm trong khi tiêu tốn ít nước và năng lượng hơn.” ông Troels Jakobsen – Tham tán Thương mại,  Đại sứ quán Đan Mạch chia sẻ trong buổi Hội thảo.
Cùng với đó, việc tiếp cận mô hình tuần hoàn và sử dụng hiệu quả tài nguyên trong quá trình sản xuất cũng giúp Đan Mạch triển khai thành công chương trình “Thâm canh bền vững”, giúp giảm thiểu sự phát thải và ảnh hưởng tiêu cực trong hoạt động canh tác tới môi trường.
Theo ông Jeppe Søndergaard Pedersen - Cố vấn trưởng quốc tế, Hội đồng Nông nghiệp và Thực phẩm Đan Mạch “Để nền nông nghiệp phát triển bền vững, sản xuất nhiều hơn với đầu vào ít hơn thì cần phải đầu tư phát triển chuỗi giá trị tổng thể trong sản xuất nông nghiệp, hướng tới tăng dần sản lượng hàng hóa nông sản hữu cơ để thu về giá trị cao, cùng đó quá trình sản xuất đảm bảo giảm thiểu ảnh hưởng tới môi trường, khí hậu và môi trường xung quanh.
Ông Jeppe Søndergaard Pedersen - Cố vấn trưởng quốc tế, Hội đồng Nông nghiệp và Thực phẩm Đan Mạch trình bày tại Hội thảo
Chẳng hạn trong mô hình chăn nuôi lợn, các doanh nghiệp của Đan Mạch hiện chuyển sang phát triển theo mô hình khép kín theo một hệ sinh thái tuần hoàn từ cây giống, con giống, thức ăn chăn nuôi, trang trại cho đến chế biến. Đồng thời cũng áp dụng hàng loạt các phương pháp chăn nuôi, công tác an toàn sinh học trong chăm sóc để mang đến sự an toàn tốt nhất cho đàn heo, hạn chế tối đa sự sinh sôi và phát triển của các mầm bệnh.
Kết quả thu được từ việc chuyển đổi mô hình sản xuất, đã giúp nền kinh tế nông nghiệp của quốc gia này trong giai đoạn phát triển từ năm 1995 đến nay đạt được nhiều thành quả đáng chú ý: Số lượng heo con/nái trung bình hàng năm tăng 52%; sản lượng sữa tăng 46%, với trung bình sản xuất của một con bò sữa đạt 10,132 kg sữa vào năm 2020; Thịt gà Đan Mạch sản xuất ra không nhiễm khuẩn Salmonella, với tỉ lệ chuyển đổi thức ăn thấp từ 1,4 – 1,5 kg thức ăn cho mỗi kg thịt…
Biểu đồ thể hiện sự gia tăng số lượng heo con/nái trung bình qua từng năm của Đan Mạch
Biểu đồ thể hiện sự gia tăng sản lượng sữa trung bình qua từng năm của Đan Mạch
Bên cạnh đó, những sản phẩm nông nghiệp của Đan Mạch cũng được các bạn hàng quốc tế ưa chuộng, với 2/3 số nông sản của nước này được đưa đi tiêu thụ tại hơn 100 quốc gia trên thế giới. Trong đó có một nửa được xuất khẩu sang thị trường Liên minh Châu Âu (EU). Tổng kim ngạch xuất khẩu lương thực, thực phẩm của Đan Mạch cũng tăng từ 16,1 tỷ Euro năm 2011 lên 22 tỷ Euro, chiếm tới 16,7% kim ngạch xuất khẩu của nước này trong năm 2021.
Từ thành tựu này mà ở nhiều quốc gia, Đan Mạch được coi là “người tiên phong” về sản xuất nông nghiệp bền vững, dần trở thành một cường quốc nông nghiệp của châu Âu và cả thế giới. Đồng thời, nông nghiệp của Đan Mạch, đặc biệt là mảng nông sản sạch chất lượng cao được nhiều quốc gia, đơn vị, các tổ chức nước ngoài, liên hệ làm hình mẫu nghiên cứu học tập để áp dụng vào mô hình sản xuất trong nước.
Đây cũng là vấn đề mà các doanh nghiệp, tổ chức Việt Nam đang tăng cường học tập, triển khai, ứng dụng vào quá trình sản xuất. Mục tiêu hướng đến nâng cao chất lượng nông sản, phù hợp với Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Chính phủ.
Quang Ngọc - Phương Loan