Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Chủ nhật, 24/11/2024 | 07:21 GMT+7

Điển hình

Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền đẩy mạnh kinh tế tuần hoàn

12/08/2022

Nhiều nhà máy trong khu công nghiệp (KCN) sinh thái Nam Cầu Kiền (Hải Phòng) đã thu lợi từ việc bán rác thải làm nguyên liệu thứ cấp. Đây có thể coi là một bước tiếp rất gần tới mô hình kinh tế tuần hoàn. 

Tại KCN Nam Cầu Kiền, không có cảnh lô cốt sắt thép đồ sộ, không có những ống xi măng nhả khói ngày đêm. Thay vào đó là những hàng cây xanh hai bên đường và hồ cá Koi nuôi bằng nước thải đã qua xử lý. 

Ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch Công ty CP Công nghiệp tàu thủy Shinec, Chủ dự án KCN Nam Cầu Kiền, cho biết ngay từ khi bắt đầu dự án từ 2018, nơi đây đã được định hướng trở thành khu công nghiệp xanh. Theo đó, trong thiết kế KCN để dành nhiều diện tích để trồng cây xanh, xây dựng hệ thống hạ tầng phụ trợ xử lý phát thải, thu hút các nhà đầu tư tổng hợp chứ không chuyên biệt để có thể tận dụng phụ phẩm, phế thải của nhau làm đầu vào cho sản xuất. Năm 2018, Nghị định 82 quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế được ban hành, có đưa ra khái niệm khu công nghiệp sinh thái. Nam Cầu Kiền tiếp tục định hướng phát triển thành khu công nghiệp sinh thái.

KCN Nam Cầu Kiền thu hút hơn 55 doanh nghiệp đến từ trong và ngoài nước, gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan, Italia...

Theo ông Điệp, dù Nghị định 82 chưa có thông tư hướng dẫn nhưng về cơ bản, KCN Nam Cầu Kiền đã đạt đủ 8 tiêu chí cho một KCN sinh thái. Đặc biệt với năng lực xử lý rác thải khép kín, ông Điệp tự hào khẳng định Nam Cầu Kiền đang “tiệm cận” mô hình kinh tế tuần hoàn. 

Ngoài xử lý rác thải, Nam Cầu Kiền cũng tiên phong xây dựng và lắp đặt hệ thống điện mặt trời dùng cho cả KCN. Nơi đây xứng đáng với cái tên KCN sinh thái với những giải pháp tiên phong về tuần hoàn, xử lý  rác thải và ứng dụng năng lượng tái tạo.

Được biết, ba mô hình cộng sinh công nghiệp của cộng đồng doanh nghiệp đang phát triển tại Nam Cầu Kiền thuộc các lĩnh vực luyện kim-cơ khí, nhựa-phụ trợ điện. Chất kết dính để các doanh nghiệp đến từ 7 quốc gia khác nhau cùng bắt tay là ý tưởng kinh doanh gắn liền với trách nhiệm môi trường, cộng đồng, xã hội, và những lợi ích thiết thực đến từ hợp tác kinh tế tuần hoàn, cộng sinh công nghiệp đem lại.

Ông Phạm Hồng Điệp, Chủ dự án KCN Nam Cầu Kiền, chia sẻ về áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn tại Nam Cầu Kiền.

Minh họa cho ý tưởng này, ông Điệp cho biết để xử lý xỉ thép, doanh nghiệp phải bỏ ra trung bình 5 triệu đồng/tấn. Từ khi áp dụng mô hình cộng sinh, xỉ thép được mua lại với giá 5 triệu đồng/tấn. Nguồn thải này được sử dụng để sản xuất thép nhiễm từ, lấy quặng hay tách kim loại như đồng, chì, nhôm, kẽm. 

Điều này cũng được áp dụng tương tự với một loại phế thải khác của doanh nghiệp thép là khói bụi. Mỗi tấn khói bụi sản xuất thép tiêu tốn khoảng gần 20 triệu đồng chi phí xử lý. Nhưng tại Nam Cầu Kiền, các đơn vị sản xuất thép lại bán được hàng chục triệu đồng cho doanh nghiệp khác làm chất vi lượng. 

Vậy là với mô hình cộng sinh công nghiệp theo hướng tuần hoàn, doanh nghiệp tại khu công nghiệp Nam Cầu Kiền đã thu được nguồn lợi lớn từ việc khai thác chính những phế liệu, phế thải, những phụ phẩm trước đây phải tốn nhiều tiền để xử lý.

Đại diện Nam Cầu Kiền cho biết, hiện đang hướng đến xây dựng mô hình cộng sinh thứ 4, là cộng sinh năng lượng sạch. Theo đó, doanh nghiệp mong muốn phủ 100% mái nhà bằng những tấm pin năng lượng mặt trời nếu cơ chế, chính sách thông thoáng hơn đối với điện mặt trời áp mái.

KCN Nam Cầu Kiền tọa lạc tại xã Kiền Bái, huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng. Hiện KCN thu hút hơn 55 doanh nghiệp đến từ trong và ngoài nước, gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan, Italia, Đài Loan, Hongkong, Singapore, Trung Quốc…. trong đó có những dự án đầu tư trọng điểm của địa phương như Nhà máy thép Việt Nhật 20ha, Nhà máy nội thất xuất khẩu 3,5ha. Giai đoạn 2 của dự án được triển khai từ 2019.

An Nhiên