Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 07/11/2024 | 04:40 GMT+7

Điển hình

Thêm giải pháp xanh cho thực phẩm ăn liền với màng bọc thực phẩm từ tinh bột sắn

01/06/2022

Hiện nay, nhiều mặt hàng mì, phở, bún ăn liền sử dụng một bao bì nhựa lớn bọc và nhiều lớp bao bì nhỏ đựng các loại gia vị, rau củ… khác bên trong. Mặc dù cách bao gói này đảm bảo giữ riêng từng thành phần món ăn, nhưng vấn đề phát sinh là tăng đáng kể lượng rác thải nhựa. 

Từ thực tế trên, nhóm năm thành viên đến từ trường Đại học Bách Khoa - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đã nghĩ ra ý tưởng bao gói xanh cho thực phẩm ăn liền: màng bọc tinh bột sắn.

Edifilm, sản phẩm màng bọc thực phẩm từ tinh bột sắn là ý tưởng được nhóm bạn trẻ phát triển dựa trên quan sát thực tế hiện nay về lượng rác thải nhựa thải ra môi trường từ những sản phẩm thực phẩm ăn liền như mì, miến, phở đều có nhiều lớp bao bì nhựa bọc các vắt mì, gia vị, rau củ khô bên trong… Điều này đồng nghĩa khi ăn một gói mì, chúng ta thải ra môi trường không chỉ một mà tới 2-3 loại túi nilon lớn nhỏ khó phân hủy khác nhau. 

Theo nhóm tác giả, trước đây các sản phẩm bao gói có thể ăn được đã được phổ biến nhất định tại thị trường trong nước như giấy bọc kẹo dừa. Tuy nhiên, vì giấy bọc kẹo dừa làm 100% từ tinh bột gạo nên không có khả năng hàn dán thành những túi kín. Do đó, chúng chỉ được sử dụng để bọc loại kẹo ẩm và dính như kẹo dừa.

Ngoài ra, tại một số thị trường khác cũng tồn tại các sản phẩm bao gói làm từ nguyên liệu tự nhiên, thân thiện môi trường như bao bì tảo biển của Indonesia. Tuy nhiên, giá thành của sản phẩm này tương đối cao, nguồn cung nguyên liệu tảo biển Việt Nam cũng không dồi dào. Trong khi đó, tinh bột sắn lại có chi phí rẻ, sẵn có ở Việt Nam, là nguồn nguyên liệu phù hợp để sản xuất quy mô công nghiệp cho màng bọc thực phẩm xanh. 

Từ những khảo sát thực tế, kết hợp với những kiến thức về công nghệ thực phẩm học được từ trường đại học, nhóm bạn trẻ đã nghiên cứu thử nghiệm và sản xuất thành công sản phẩm màng bọc Edifilm từ tinh bột sắn. 

Bạn Nguyễn Vũ Như Quỳnh, đại diện nhóm, chia sẻ một số đặc tính của sản phẩm là “không mùi, không vị, độ mềm dẻo cao, có thể vò hoặc xé”, có đặc tính gia công tốt hơn so với màng bọc tinh bột gạo (vỏ kẹo dừa), do đó về mặt kỹ thuật nó hoàn toàn có thể thay thế được màng bọc nilon. Ngoài ra, ưu điểm nổi bật của loại màng bọc tinh bột sắn này là tan nhanh trong nước sôi với thời gian tương đương 3 phút, tan hoàn hoàn trong vòng 2 ngày khi trời mưa, và an toàn tuyệt đối khi ăn.  

Theo Như Quỳnh, sản phẩm cuối cùng không phải hoàn toàn là tinh bột. Để có thành phẩm phù hợp, nhóm đã thử nhiều cách phối trộn thêm các phụ gia ăn được, một số tinh bột khác nhằm tăng cường các tính chất có lợi cho vật liệu bao gói. Sau đó xử lý ở nhiệt độ nhất định. “Bọn em đã sản xuất và dùng thử. Loại màng bọc này hoàn toàn có thể ăn được và tan trong nước nóng cùng thực phẩm”, Như Quỳnh cho biết. 

Theo PGS.TS. Nguyễn Đình Quân, giảng viên ĐH Bách Khoa TP. HCM và là người hướng dẫn nhóm, sản phẩm thử nghiệm hiện có thể ứng dụng để bọc các vắt mì, bánh phở khô, gia vị, khi ăn là bỏ luôn vào tô đổ nước sôi là tan 100%. Nếu được xử lý hoàn thiện hơn, như thêm một số chất bề mặt để kháng nước, màng bọc này có thể thay thế túi nilon, phân hủy hoàn toàn chứ không chỉ phân rã. “Tôi đánh giá cao tiềm năng của dự án. Khi được hoàn thiện và đưa ra thị trường, chắc chắn sẽ giúp giải quyết một phần vấn đề rác thải từ túi nhựa sử dụng cho các bọc đồ ăn hiện nay”, PGS. TS. Nguyễn Đình Quân nhận định. 

Màng bọc Edifilm trong suốt, không màu, không mùi, không vị, có thể ăn được và hòa tan 100% trong môi trường tự nhiên.

Như Quỳnh cho biết cộng đồng rất quan tâm tới sản phẩm này. Trong quá trình thử nghiệm thị trường, quảng cáo sản phẩm trên fanpage, nhóm nhận được rất nhiều sự ủng hộ từ những người theo dõi. Ý tưởng cũng đã lọt vào mắt xanh của quỹ ICM Falk Foundation và chương trình ươm tạo C-Plastic của KisStartup. 

Các bạn trẻ cũng chia sẻ một số doanh nghiệp sản xuất đồ ăn, đồ uống sử dụng nhanh khác cũng đang ngỏ ý muốn thử dùng màng bọc này cho sản phẩm của họ. “Đây cũng là động lực để nhóm em tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện sản phẩm”, Như Quỳnh khẳng định.

Sử dụng tinh bột sắn trong sản xuất màng bọc thực phẩm không phải là ý tưởng quá mới tại Việt Nam. Ngoài Edifilm, nhiều dự án khởi nghiệp khác cũng đã được công bố và nhận được sự quan tâm nhất định của công chúng cũng như nhà đầu tư. 

Tuy nhiên, yếu điểm của các dự án khởi nghiệp, theo đánh giá từ chuyên gia, là năng lực quản lý dự án còn hạn chế, công nghệ cũng chưa thực sự hoàn thiện để sẵn sàng đem ra thị trường. Do đó, tạo môi trường hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệm, kết nối các bạn trẻ đổi mới sáng tạo, dám nghĩ dám làm để đưa khoa học ra ứng dụng rộng rãi ngoài thực tế là điều cần thiết. 

Hải Yến