Ngày 20/04 tại Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo khởi động dự án “Thúc đẩy thị trường đầu tư tiết kiệm và hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp và hỗ trợ thực hiện kế hoạch hành động tăng trưởng xanh” do Bộ Công Thương và Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc KOICA đồng tổ chức.
Ngày 20/04 tại Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo khởi động dự án “Thúc đẩy thị trường đầu tư tiết kiệm và hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp và hỗ trợ thực hiện kế hoạch hành động tăng trưởng xanh”. Hội thảo có sự tham dự của đại diện Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững - Bộ Công Thương, Vụ Khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi trường - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) với vai trò chủ trì. Đại diện Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam, các Sở công thương, tổ chức quốc tế, tổ chức tài chính và các chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng và ứng phó biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh cũng tới tham dự sự kiện này.
Mở đầu Hội thảo, Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (TKNL&PTBV) - Bộ Công Thương, ông Phương Hoàng Kim cho biết trong hai năm vừa qua, Việt Nam và thế giới đã chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Hiện nay Việt Nam đang trong quá trình phục hồi kinh tế. Điều này đặt ra những thách thức về nguồn cung năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng cho phát triển kinh tế, giảm phát thải, ứng phó biến đổi khí hậu.
Ông Phương Hoàng Kim cho biết: “Trước đại dịch, nền kinh tế Việt Nam có tốc độ tăng trưởng bình quân từ 6,2% - 7,26%/năm. Cùng với sự tăng trưởng kinh tế thì nhu cầu phát triển năng lượng cũng tăng cao. Điều này đặt ra thách thức rất lớn về đảm bảo. an ninh năng lượng trong bối cảnh các nguồn cung năng lượng đang ngày càng cạn kiệt và Việt Nam cũng thuộc nhóm quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu”. Đại diện Vụ TKNL&PTBV cũng cho biết theo dự báo Việt Nam sẽ cần nhập khẩu than, khí thiên nhiên, khí hóa lỏng sớm hơn dự kiến để đảm bảo nhu cầu phát triển năng lượng phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế.
Ông Phương Hoàng Kim, Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững Bộ Công Thương.
Trước những thách thức đó, Việt Nam đã sớm xây dựng các kế hoạch, hoạch định các bước đi cụ thể nhằm đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, tăng trưởng bao trùm và bền vững. Ngày 13/3/2019, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 (VNEEP3) tại Quyết định số 280/QĐ-TTg. Chương trình đặt mục tiêu tiết kiệm từ 8-10% điện năng tiêu thụ trong giai đoạn 2019-2030. Các mục tiêu cụ thể nhằm đạt mức giảm tiêu thụ năng lượng trong các ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng từ 6,8-24,81% theo từng ngành, phân ngành cụ thể. “Đây là một mục tiêu rất tham vọng, cần sự nỗ lực rất lớn của tất cả các thành phần kinh tế, cũng như sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế”, ông Phương Hoàng Kim nhấn mạnh.
Giám đốc quốc gia KOICA ông Cho Han Deog cho biết mục tiêu giảm phát thải CO2 toàn cầu có thể thực hiện với sự đóng góp của công nghệ và sự chung tay của tất cả các quốc gia. “Trong tiến trình chuyển đổi nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, giảm phát thải, tiết kiệm năng lượng là yếu tố quan trọng, không thể tách rời”, ông Cho Han Deog khẳng định.
Giám đốc KOICA cũng đánh giá cao cam kết net-zero của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại COP26. Ông Cho Han Deog cho biết cam kết của Việt Nam đã tiếp thêm động lực cho cộng đồng quốc tế về ứng phó biến đổi khí hậu, đặc biệt trong bối cảnh thế giới nói chung và khu vực nói riêng đang chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực của khí hậu và dịch bệnh.
Ông Cho Han Deog, Giám đốc quốc gia KOICA phát biểu tại Hội thảo.
Cũng tại Hội thảo, Vụ trưởng Vụ Khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi trường - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Lê Việt Anh cho biết Việt Nam đang trong giai đoạn tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững và bao trùm. Ngày 01/10/2021 Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050”. Trong đó xác định bốn mục tiêu chính là giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP; xanh hoá xanh hoá các ngành kinh tế; xanh hoá lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; và xanh hóa các quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu.
Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết đơn vị đang chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành để xây dựng chiến lược hành động hành động để thúc đẩy thực hiện các mục tiêu của Chiến lược. Kế hoạch sẽ tập trung vào 19 chủ đề với 70 nhóm nhiệm vụ, hoạt động cụ thể. Các nhiệm vụ sẽ tập trung vào các giải pháp khả thi về mặt kỹ thuật, thúc đẩy các mục tiêu của Chiến lược tăng trưởng xanh và thực hiện cam kết COP26. Kế hoạch sẽ được hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng này.
Ông Lê Việt Anh khẳng định “Tiến trình thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh đòi hỏi sự tham gia tích cực của tất cả các thành phần của nền kinh tế. Trong đó, vai trò của các địa phương là rất trong trọng, sẽ đóng góp tích cực vào việc hiện thực hoá Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh”. Do đó, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư tin tưởng sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ Hàn Quốc thông qua dự án sẽ đóng góp tích cực vào các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và Chương trình VNEEP3. Từ đó góp phần vào các mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng, giảm phát thải và phát triển bền vững của Việt Nam.
Ông Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi trường - Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Hội thảo.
Hiện nay, ngành năng lượng đang là ngành tạo phát thải lớn, với 83% tổng phát thải CO2 năm 2020 và dự kiến tăng lên 86% năm 2030. Thực tế này đặt ra yêu cầu về tăng cường sử dụng NL TKHQ trong tất cả các ngành kinh tế, đặc biệt là năng lượng và công nghiệp để đạt các mục tiêu giảm phát thải và tăng trưởng xanh.
Để giải quyết vấn đề này, tại hội thảo, nhiều chương trình giảm phát thải và tăng trưởng xanh được đưa ra bàn luận và chuẩn bị được triển khai trong thời gian tới. Trong đó, chương trình xây dựng chương trình đào tạo riêng cho cán bộ phụ trách tăng trưởng xanh tại địa phương sẽ được triển khai trong quý I năm 2023.
Đại diện Vụ Khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, đối với định hướng phát triển ngành kinh tế, sản xuất xanh, cần phải có nhiều định hướng với công nghệ xanh, M&E hoạt động sản xuất, hạn chế các ngành kinh tế phát sinh chất thải lớn, thúc đẩy các ngành sản xuất xanh mới, các ngành kinh tế xanh. Đồng thời, phát triển kế cấu hạ tầng bền vững, hiện đại hóa, thông minh, có năng lực chống chịu với biến đổi khí hậu.
Toàn cảnh hội thảo.
Tại Hội thảo, các chuyên gia Hàn Quốc chia sẻ về các kinh nghiệm phát triển kinh tế song hành với tăng trưởng xanh. Các chính sách, chương trình áp dụng thành công tại Hàn Quốc có thể kể đến Chương trình mua bán khí thải Hàn Quốc (K-ETS) triển khai từ năm 2015; Thoả thuận xanh mới năm 2020.
Chuyên gia Lee Jae Seung, Giám đốc quốc gia Viện tăng trưởng xanh toàn cầu, khẳng định thành công của mô hình đầu tư TKNL ESCO là một trong các yếu tố chính giúp Hàn Quốc đạt các mục tiêu TKNL, tăng trưởng xanh. Chương trình được giới thiệu cách đây hơn một thập kỷ, đã giúp thúc đẩy và mở rộng các chính sách, biện pháp bảo tồn năng lượng đối với lĩnh vực tư nhân. Chính sách hỗ trợ chính tạo hiệu quả bao gồm: ưu đãi thuế đầu tư vào các cơ sở TKNL, tạo các khoản vay ưu đãi cho các dự án hợp lý hoá sử dụng năng lượng, thúc đẩy hỗ trợ TKNL cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; bắt buộc mua sắm công đối với hàng hoá TKNL.
Dự án “Thúc đẩy thị trường đầu tư tiết và hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp Việt Nam và hỗ trợ thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh” do Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và tổ chức KOICA hợp tác thực hiện, sử dụng kinh phí 6,4 triệu USD từ nguồn ODA không hoàn lại do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ. Đại diện Bộ Công Thương tham gia dự án là Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững; về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư là Vụ Khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi trường. Dự án có mục tiêu đóng góp vào mục tiêu quốc gia về: (i) giảm cường độ năng lượng bằng cách cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp Việt Nam; (ii) đảm bảo an ninh năng lượng cho phát triển kinh tế và xã hội; (iii) giảm phát thải khí nhà kính để ứng phó với biến đổi khí hậu. Thời gian thực hiện dự kiến từ 2021-2025. |
Giang Nguyễn - Mạnh Lê - Hoàng Loan