Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 10:08 GMT+7

Sản xuất bền vững

Bạc Liêu phát triển bền vững qua khai thác thế mạnh năng lượng sạch

19/04/2022

Khéo léo lồng ghép tăng trưởng xanh dựa trên thế mạnh địa phương, Bạc Liêu là một trong những địa phương xây dựng thành công các mô hình phát triển bền vững, giúp người nông dân "đổi đời".

Chia sẻ tại Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam - Vietnam Connect Forum 2022 do Bộ Ngoại giao và Vietnam Economic Times - VnEconomy phối hợp tổ chức cuối tuần qua, bà Cao Xuân Thu Vân Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho hay, diêm dân Bạc Liêu sản xuất "khó nhọc", hạt muối đóng gói 0,5kg chỉ bán được 5.000 đồng. Nhưng lại có cách giúp tăng giá trị kinh tế địa phương lên với giá gấp 40 lần, nâng cao thu nhập người dân; mặt khác, hướng nền kinh tế đến tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường.

Ban đầu, các nhà quản lý chỉ nghĩ làm sao giúp diêm dân có thể bán muối với giá cao hơn giá bán hiện tại bằng cách thay đổi mẫu mã, bao bì đẹp hơn. Tuy nhiên, sau một thời gian tìm hiểu, vị Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu chia sẻ, có cách khác tạo ra hiệu quả tổng thể cao hơn, đó chính là khai thác thế mạnh sản xuất năng lượng sạch. 

Bà Cao Xuân Thu Vân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu.

Theo bà Cao Xuân Thu Vân, tiến trình là làm từ cái khó, từ xa trước là xây dựng các trụ điện gió ngoài khơi, sau đó mới tiến vào đất liền để tránh sử dụng đất đai ảnh hưởng trực tiếp đến người dân. Với cách làm này, vừa đẩy mạnh khai thác tiềm năng lớn là xây dựng Bạc Liêu thành tỉnh trung tâm năng lượng sạch, vừa giúp doanh nghiệp, diêm dân tăng cường cơ hội hợp tác doanh nghiệp nước ngoài. 

Đại diện UBND tỉnh Bạc Liêu cũng chia sẻ, trong quá trình triển khai, tỉnh cũng trăn trở làm sao để hài hoà giữa việc làm muối, nuôi tôm và sản xuất điện. "Để giải được bài toán này, chỉ có cách phải thay đổi công nghệ", lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu nhấn mạnh. Theo đó, việc nuôi tôm truyền thống trở thành trung tâm sản xuất công nghệ cao, sử dụng ít nước, ít ô nhiễm môi trường, để các ngành nghề khác cùng hưởng lợi.

Lúc này, người dân sản xuất lúa, tôm không dùng kháng sinh. Còn doanh nghiệp đầu tư lớn, dành nhiều nguồn lực hơn để đầu tư nuôi tôm công nghệ cao. 

Bên cạnh đó, tỉnh định hướng cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng muối, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến muối, tăng năng suất. Mặt khác, muốn chất lượng muối tốt thì phải bảo vệ nguồn nước, chung tay bảo vệ môi trường.

Trong thời gian qua, Bạc Liêu là địa phương có nhiều dự án điện gió đưa vào vận hành thương mại nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Trước cuối năm 2021, Bạc Liêu chỉ có một dự án điện gió đã hoàn thành. Nhưng những tháng cuối năm 2021 tới đầu 2022 đã có thêm bảy dự án khác trên địa bàn tỉnh tiếp tục được đưa vào vận hành thương mại. 

Đáng chú ý nhất trong số này là dự án điện gió Hòa Bình 5 - giai đoạn 1 (do Công ty cổ phần năng lượng Hacom Bạc Liêu, công ty thành viên của Công ty cổ phần đầu tư Hacom Holdings, làm chủ đầu tư) chính thức được công nhận vận hành thương mại (COD).

Dự án điện gió Hòa Bình 5 - giai đoạn 1 (do Công ty cổ phần năng lượng Hacom Bạc Liêu) vừa đưa vào vận hành là dự án điện gió trên bờ lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Khởi công từ ngày 11-10-2020 ở 2 xã Vĩnh Thịnh và Vĩnh Hậu (huyện Hòa Bình), dự án có quy mô công suất 80MW, với 26 trụ tuôcbin và có tổng mức đầu tư xấp xỉ 3.700 tỉ đồng. Đây là dự án điện gió ven bờ biển có công suất lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Theo đánh giá của UBND tỉnh Bạc Liêu, dự án này sau khi hoàn thành sẽ phát điện khoảng 280 triệu KWh/năm và đóng góp vào nguồn thu ngân sách tỉnh hằng năm khoảng 60 tỉ đồng.

Cũng trong cuối tháng 10-2021, toàn bộ các tuôcbin của nhà máy điện gió Kosy Bạc Liêu giai đoạn 1 - công suất 40,5MW do Công ty cổ phần điện gió Kosy Bạc Liêu, một thành viên của Tập đoàn Kosy làm chủ đầu tư, chính thức được công nhận vận hành COD. 

Nằm trên địa bàn huyện Hòa Bình, dự án có tổng mức đầu tư trên 1.600 tỉ đồng. Được khởi công xây dựng từ tháng 10-2020, chỉ sau một năm toàn bộ dự án đã hoàn thành dù gặp những khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. 

Hiện Bạc Liêu còn hai dự án điện gió khác đang trong quá trình thi công, trong đó một dự án của nhà đầu tư Nhật Bản có quy mô 50MW và 1 dự án khác có quy mô 142MW.

Tuy nhiên, để kinh tế năng lượng thực sự đi được xa, bền vững, bên cạnh việc thu hút đầu tư, bà Cao Xuân Thu Vân nhấn mạnh phải chú trọng cả việc hội tụ nguồn lực, tăng cường giáo dục nguồn nhân lực chất lượng cao. "Nếu điện gió cần bảo trì, bảo dưỡng nhưng lệ thuộc công nhân, kỹ sư nơi khác thì người dân Bạc Liêu không được hưởng lợi. Vì vậy, cần tăng cường đào tạo nhân lực để chuyển giao", bà Vân lý giải. 

Thời gian vừa qua, Bạc Liêu triển khai 8 dự án điện gió gần 500MW, sử dụng nguồn lực tại chỗ mới có thể đóng điện đúng tiến độ, đáp ứng chỉ đạo của Chính phủ. Đồng thời, Bạc Liêu cũng tăng thu ngân sách, và quan trọng hơn là tăng cường nguồn nhân lực tại địa phương mới là kế sách phát triển lâu dài. 

"Chỉ cần biết cách nâng chuỗi giá trị sản xuất, đưa quê hương phát triển. Từng nơi phát triển xanh thì đất nước mới xanh được. Một vùng màu nâu, đất nước không trọn vẹn. Hội tụ nguồn nhân lực rất quan trọng", lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu khẳng định.

Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu cho biết hiện tại tỉnh đang làm việc với các doanh nghiệp nhằm thúc đẩy các kế hoạch đầu tư giáo dục, đưa nội dung vào giảng dạy để tạo thế hệ nhân lực tiếp nhận và làm chủ công nghệ mới. Công việc này để chuẩn bị cho kế hoạch phát triển lâu dài của địa phương, có như vậy mới tạo sự phát triển bền vững thực sự.

Thanh Thanh