Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Chủ nhật, 19/01/2025 | 06:04 GMT+7

Tin hoạt động

Xử lý rác thải nguồn để phát triển xanh bền vững tại Thừa Thiên – Huế

21/03/2022

Hướng đến mục tiêu phát triển xanh toàn tỉnh, Thừa Thiên – Huế đã nỗ lực làm tốt công tác phân loại rác thải tại nguồn nhằm hạn chế chất thải phát sinh. Chính quyền, đoàn thể đã có những mô hình dự án nhằm từng bước thay đổi nhận thức và hành động bảo vệ môi trường của người dân.
Nhiều hoạt động hướng đến mục tiêu xanh
Vào mỗi chủ nhật hàng tuần, người dân ở phường An Đông thành phố Huế lại phấn khởi đi thu gom phân loại rác thải và làm vệ sinh đường phố. Đây là một trong những hoạt động xây dựng môi trường khu phố “sáng, sạch, xanh”, được bà con thực hiện hằng tuần từ những năm qua thông qua phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”
Tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh ở TP. Huế và các huyện, thị xã lân cận khoảng hơn 407 tấn/ngày, trong đó rác thải nhựa chiếm hơn 15,4%, chỉ đứng thứ hai sau thành phần rác hữu cơ. Riêng TP. Huế mỗi ngày phát sinh khoảng gần 200 tấn, trong đó có khoảng 5 - 6% là rác nhựa và túi ni lông.
Ông Lê Ngọc Tuấn, tổ 2 phường An Đông, thành phố Huế chia sẻ: “Ở tổ chúng tôi, có nhiều thùng phân loại rác để tích góp ve chai như vỏ chai nhựa, vỏ lon bia, giấy bìa... một cách đều đặn đã góp phần thúc đẩy việc giảm thiểu rác thải nhựa và phân loại rác thải tại nguồn, ngoài ra còn gây quỹ phục vụ an sinh xã hội”.
Tại thôn La Chữ (phường Hương Chữ, thị xã Hương Trà), người dân được hướng dẫn thu gom rác thải để sản xuất phân hữu cơ vi sinh, một trong những biện pháp vừa làm sạch môi trường, vừa mang lại hiệu quả kinh tế.
Nhiều hộ dân ở đây đã thực hiện việc thu gom rác thải, xử lý và chế biến phân sinh học thông qua mô hình cộng đồng với chủ thể là người dân địa phương. Họ trực tiếp thu gom rác thải từ vườn, nhà và rác thải ở chợ Hương Chữ vận chuyển đến điểm tập kết.
Nhiều mô hình phân loại rác trên địa bàn TP. Huế
Tại thành phố Huế, rác sẽ được các đoàn viên của phường tiến hành phân loại và ủ với chế phẩm vixura để làm thành phân vi sinh. Số phân này được các hộ nông dân sử dụng bón cho lúa, hoa màu, cây cảnh cho kết quả rất tốt.
Nhiều mô hình phân loại rác trên địa bàn TP. Huế
Hội Phụ nữ huyện Phong Điền cũng đã hình thành các mô hình thu gom, phân loại, xử lý rác tại gia đình. Tại đây, những người tham gia được tham gia tập huấn, hướng dẫn cách thu gom, phân loại và xử lý rác tại nhà. Để thực hiện mô hình này, tổ chức hội cấp miễn phí nhiều thùng rác cho các hộ dân để tiến hành phân loại, đồng thời phân công các tổ phát động, hướng dẫn các hộ dân đào hố rác tại nhà để xử lý đối với các loại rác thải hữu cơ dễ phân hủy. Các chi hội còn thành lập đội thu gom rác thải do hội viên phụ nữ phụ trách việc thu gom rác thải từ các hộ gia đình để chuyển đến điểm tập kết.
Hướng đi bền lâu
Đề án “Ngày Chủ nhật xanh - Hãy hành động để Thừa Thiên - Huế thêm sáng - sạch - xanh” là điển hình, đem lại những kết quả ấn tượng. Tuy vậy, vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết trong việc xả rác, thu gom xử lý rác, gây ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường.
Dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” do Tổ chức WWF - Na Uy tài trợ thông qua WWF - Việt Nam ký kết được khởi động thực hiện tại Thừa Thiên - Huế năm 2021 là tín hiệu vui nhằm thúc đẩy các hoạt động về phân loại rác và giảm thiểu rác thải nhựa. Mục tiêu đề ra đến năm 2024, Huế trở thành đô thị giảm nhựa với 70% chất thải rắn được phân loại tại nguồn, thu gom và xử lý. WWF - Việt Nam cùng với Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế (HEPCO) thiết kế xây dựng Trung tâm Thông tin môi trường. Dự kiến, tháng 4/2022, Trung tâm sẽ đưa vào hoạt động. Hằng tuần, Trung tâm sẽ tổ chức và tiếp nhận các đoàn tham quan và trải nghiệm học tập về phân loại rác tại nguồn ở trung tâm. Hằng quý, sẽ thực hiện các “Điểm tiếp nhận xanh”, “Đổi rác lấy quà” tại trung tâm với sự phối hợp của Đoàn Thanh niên và lồng ghép với chương trình Ngày Chủ nhật xanh. 
Nhật Minh