Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Chủ nhật, 19/01/2025 | 02:31 GMT+7

Tin hoạt động

Phát triển bền vững kinh tế biển trong bối cảnh mới

15/03/2022

Phát triển bền vững kinh tế biển là hướng đi chiến lược đã được xác định tại Nghị quyết số 36-NQ/TW. Trong bối cảnh hiện tại, nền kinh tế đòi hỏi sự phục hồi nhanh sau giai đoạn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh trên phạm vi toàn cầu; bên cạnh đó là những áp lực ngày càng tăng của biến đổi khí hậu và các chính sách thương mại mới hậu COP26. Khoa học công nghệ (KHCN) được xác định là một công cụ chiến lược giúp giải quyết các thách thức trong bối cảnh mới, đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững kinh tế biển. 
PGS. TS. Nguyễn Văn Quân, Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường biển (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) đã có những trao đổi xoay quanh vấn đề này dưới góc nhìn của một nhà khoa học. 
PGS. TS. Nguyễn Văn Quân, Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường biển. Ảnh: Viện TN&MT Biển.
Theo ông những thách thức chính để phát triển kinh tế biển bền vững, chuyển dịch dần từ nền kinh tế “nâu” sang “xanh” là gì? 
PGS. TS. Nguyễn Văn Quân: 
19 khu kinh tế ven biển trong “Quy hoạch phát triển các khu kinh tế ven biển của Việt Nam đến năm 2020” theo quyết định số 1353/QĐ-TTg 2008 và quyết định 1453/QĐ-TTg đang dần được hình thành, có thể tạo thành những bước đột phá trong phát triển kinh tế của các địa phương ven biển trong tương lai. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi phải có nguồn vốn đầu tư rất lớn về cơ sở hạ tầng đồng bộ, ưu tiên sử dụng các công nghệ mới, tiên tiến mang tính trọng điểm để tạo ra các “đầu tàu” và “trụ đỡ” của nền kinh tế hướng biển. Thực trạng hiện nay, chưa có khu kinh tế ven biển nào của Việt Nam có thể làm hình mẫu, nhân rộng cho các khu vực khác do công nghệ sử dụng còn lạc hậu với khu vực và trên thế giới. Năng lực nghiên cứu và đào tạo của các Trường Đại học, Viện nghiên cứu chuyên ngành về KHCN biển chưa theo kịp với những yêu cầu của thực tiễn cuộc sống do ít được đầu tư về cơ sở vật chất và thiếu các chính sách trọng dụng, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. 
Môi trường biển bị suy thoái do các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội vùng bờ diễn ra ồ ạt trong những năm gần đây. Vấn đề chất thải không qua xử lý từ các lưu vực sông và ven biển đang làm bào mòn sức khỏe của các loài thủy sinh vật. Hiện tượng ô nhiễm cục bộ các chất hữu cơ, ô nhiễm dầu xảy ra phổ biến ở các cảng cá, cảng biển, các khu vực nuôi thủy sản tập trung nhưng thiếu các biện pháp xử lý triệt để. Ô nhiễm kim loại nặng, rò rỉ hóa chất độc hại từ các cụm công nghiệp ven biển là nguy cơ tiềm tàng đã từng xảy ra, như sự cố môi trường biển Formosa (năm 2016) gây chết hàng loạt sinh vật biển, tác động tiêu cực lên các hệ sinh thái ven biển.
Các hệ sinh thái biển chủ đạo của vùng biển nhiệt đới như san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn, bị suy thoái, thu hẹp diện tích làm mất đi các nơi sinh cư quan trọng là các bãi đẻ, bãi ương dưỡng nguồn giống và con non của các loài hải sản. Trong số 1300km2 rạn san hô phân bố ven bờ ở Việt Nam chỉ có 1% ở tình trạng tốt. Độ phủ của san hô sống đã suy giảm từ 30-70% trong giai đoạn 2010-2018 ở một số khu vực rạn trọng điểm. Có gần 100 loài sinh vật biển được xếp vào nhóm loài quý hiếm có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng trong Sách Đỏ Việt Nam năm 2007. Các giá trị dịch vụ hệ sinh thái biển mang lại cho người dân, tạo ra sự phồn thịnh cho các cộng đồng dân cư ven biển cũng trên đà suy giảm.
Khai thác tài nguyên biển vẫn chú trọng vào các dạng tài nguyên truyền thống như dầu khí, vật liệu xây dựng… không có khả năng tái tạo. Khai thác tài nguyên nhằm đảm bảo an ninh lương thực dù có khả năng tái tạo nhưng cạn kiệt dần do đánh bắt quá mức diễn ra trong rất nhiều năm. Chưa chú trọng khai thác các dạng tài nguyên phi thực phẩm phục vụ cho ngành y, dược... có giá trị rất cao. Một số dạng tài nguyên còn ít được quan tâm như năng lượng sóng biển, thủy triều, giá trị vị thế, kỳ quan địa chất, kỳ quan sinh thái… của vùng biển đảo chưa được đánh giá đúng mức.
Sử dụng thiết bị bay không người lái drone đánh giá hiện trạng hệ sinh thái ven biển và đảo Hải Phòng. Nguồn: Viện TN&MT Biển.
Những vấn đề ưu tiên cần giải quyết là gì? 
PGS. TS. Nguyễn Văn Quân: 
Cá nhân tôi cho rằng trong thời gian tới cần giải quyết một số vấn đề trọng tâm như sau:
Đầu tiên, tăng cường công tác quản lý về biển và hải đảo. Quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo dựa vào công cụ hiện đại như quy hoạch không gian biển nhằm đạt được mục tiêu chung cho công tác quản lý tổng hợp cho vùng biển. Tạo ra một cơ chế phối hợp giữa các bộ ngành trong triển khai các hoạt động kinh tế từ đó giải quyết được các mâu thuẫn lợi ích giữa các ngành cũng như các bên liên quan. 
Không phát triển một mô hình kinh tế biển cho tất cả các địa phương ven biển mà phải tùy vào điều kiện thực tế để cơ cấu lại các ngành nghề kinh tế biển cho phù hợp. Phát triển kinh tế biển cần đảm bảo dung hòa, sử dụng khôn khéo tài nguyên biển song song với thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia. Ưu tiên sử dụng các công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường trong khai thác tài nguyên biển. Mở rộng các sản phẩm biển mang thương hiệu OCOP trong chương trình quốc gia cũng như địa phương. Khuyến khích các doanh nghiệp sớm áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về vệ sinh, an toàn thực phẩm cho các sản phẩm thủy sản để tham gia các “chợ quốc tế” rộng mở. Tận dụng các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do mà chúng ta tham gia để đưa các sản phẩm biển Việt Nam vào chuỗi cung ứng thế giới.
Bảo vệ môi trường biển và các hệ sinh thái biển chủ đạo: tăng cường công tác quản lý và xử lý hiệu quả các nguồn thải ở vùng ven biển. Xử lý triệt để các chất gây ô nhiễm từ hoạt động dân sinh và nhà máy trước khi đổ ra các lưu vực sông để ra biển. Cảnh báo và ứng phó kịp thời các sự cố có thể gây thảm họa cho môi trường như: tràn dầu, hóa chất, tảo độc nở hoa… ngăn chặn sự suy thoái và có chương trình phục hồi các hệ sinh thái quan trọng, chủ đạo (san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn). Mở rộng các khu bảo tồn biển trong hệ thống các khu bảo tồn biển quốc gia. Kết hợp giữa các loại hình khu bảo tồn biển, đất ngập nước, khu bảo tồn di động, khu cấm khai thác có thời hạn…. nhằm tạo ra nguồn vốn tự nhiên bền vững cho các hoạt động kinh tế biển.
Cải thiện đời sống cho dân cư ven biển, trên đảo và những tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh tế trên biển. Quan tâm đến phát triển các cộng ngư dân theo “tam ngư”: ngư trường, ngư dân và ngư thôn. Có các cơ chế về đào tạo nghề biển, đầu tư vốn nhằm hiện đại hóa các đội tàu khai thác hướng tới đẩy mạnh khai thác vùng khơi, giảm sức ép khai thác lên vùng bờ. 
Mở rộng hợp tác đa phương và chủ động hợp tác quốc tế về biển nhằm mục tiêu phát triển KHCN biển phục vụ cho hoạt động kinh tế biển. Lấy hợp tác quốc tế làm công cụ để Việt Nam có cơ hội được nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến về khai thác và quản trị biển hiện đại. Duy trì và tạo ra môi trường hòa bình, hợp tác, cùng phát triển, cùng có lợi giữa các quốc gia trong khu vực Biển Đông.
Ứng dụng công nghệ giúp tăng giá trị khai thác tài nguyên, phát triển kinh tế biển xanh và đáp ứng các yêu cầu của công tác quản lý. Trong ảnh là sản phẩm collagen chiết xuất từ sứa của Viện TN&MT Biển. Ảnh: congnghiepsinhhocvietnam.com.vn.
Khoa học công nghệ sẽ góp phần giải quyết các vấn đề này như thế nào? 
PGS. TS. Nguyễn Văn Quân: 
Để góp phần giải quyết các vấn đề ở trên, khoa học và công nghệ, đặc biệt là KHCN biển phải thực sự trở thành động lực cho phát triển kinh tế biển. Thông qua các kết quả nghiên cứu từ hoạt động khoa học, doanh nghiệp sẽ sớm được tiếp cận với các công nghệ hiện đại để đổi mới quy trình công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Các viện nghiên cứu, trường đại học trọng điểm về biển phải đóng vai trò tiên phong trong đổi mới, sáng tạo công nghệ trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Cần phải tập trung nhân lực và vật lực nghiên cứu, tạo ra được các công nghệ lõi, các văn bằng sở hữu trí tuệ, giải pháp hữu ích đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế, phục vụ hiệu quả quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Thông qua việc mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực ứng dụng và chuyển giao KHCN, doanh nghiệp và người dân sẽ được đáp ứng kịp thời các yêu cầu trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Các công nghệ an toàn, thân thiện với môi trường biển sẽ giúp cho việc đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm của các ngành chế biến thủy sản khi đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế. Giá trị thương hiệu biển quốc gia hay địa phương chắc chắn sẽ được gia tăng khi áp dụng các tiến bộ của KHCN.
Công tác quản lý biển, hải đảo được triển khai có hiệu quả hay không đều phụ thuộc rất nhiểu về những số liệu điều tra cơ bản về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Các quy hoạch không gian biển, quản lý tổng hợp vùng bờ biển đều là khoa học liên ngành có tính chất logic giữa khoa học tự nhiên – khoa học xã hội để dung hòa giữa lợi ích phát triển kinh tế với bảo tồn thiên nhiên biển. 
Bản đồ Quy hoạch không gian biển vịnh Bắc Bộ (tỷ lệ: 1:500.000). Ảnh: Viện TN&MT Biển.
Ông có thể chia sẻ về một số định hướng của Viện nhằm thúc đẩy quá trình chuyển dịch kinh tế biển xanh? 
PGS. TS. Nguyễn Văn Quân: 
Là đơn vị nghiên cứu chuyên ngành về biển với thế mạnh nghiên cứu, điều tra cơ bản về TNMT biển, Viện định hướng đẩy mạnh các hoạt động có liên quan đến nghiên cứu cơ bản theo hướng ứng dụng, nghiên cứu và phát triển công nghệ, khoa học quản lý biển và hải đảo. Chẳng hạn, trong năm 2021, Viện đã hoàn thành đề tài KHCN trọng điểm cấp nhà nước về "Nghiên cứu xây dựng phương án quy hoạch không gian biển Vịnh Bắc Bộ" (KC 09.16/16-20). Đề tài đã xây dựng phương án quy hoạch không gian biển Vịnh Bắc Bộ nhằm phân bổ hợp lý cho các hoạt động kinh tế, quốc phòng, an ninh, bảo tồn tự nhiên và đảm bảo cân bằng sinh thái. Phát triển phương pháp luận và hệ phương pháp xây dựng quy hoạch không gian biển dựa vào hệ sinh thái trên cơ sở khoa học, kế thừa kinh nghiệm quốc tế và phù hợp điều kiện thực tế Việt Nam.
Ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn, bắt kịp các xu thế phát triển và yêu cầu của công tác quản lý. Trong thời gian qua Viện đã đổi mới phương thức hoạt động, mở rộng các hướng nghiên cứu để tạo đột phá và nâng cao chất lượng các sản phẩm khoa học. Phát triển nhiều nghiên cứu công nghệ mới, tạo ra các văn bằng sáng chế/giải pháp hữu ích nhằm thúc đẩy áp dụng các tri thức về biển trong sản xuất. Điển hình có thể kể đến các đề tài "Nghiên cứu công nghệ ứng dụng Enzyme trong sản xuất Collagen từ nguồn lợi sứa biển Việt Nam” (ĐT.07.19/CNSHCB) thuộc đề án Phát triển và Ứng dụng công nghệ sinh học lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020 của Bộ Công thương; và đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình nuôi cá rô phi thâm canh trong môi trường nước lợ bằng công nghệ Biofloc tại Hải Phòng” phối hợp với Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam và UBND TP. Hải Phòng. Cả hai đề tài đều hướng đến việc nghiên cứu hoàn thiện các công nghệ cao (công nghệ enzyme, công nghệ sinh học) tạo ra giải pháp đột phá trong chăn nuôi thủy-hải sản, chế biến sản phẩm theo hướng kinh tế tuần hoàn, nâng cao hiệu quả khai các các nguồn lợi biển. Các sản phẩm công nghệ đều đã chuyển giao cho các cơ sở sản xuất và đem lại hiệu quả kinh tế cao.  
Bên cạnh đó, Viện cũng chú trọng nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị góp phần xây dựng cơ sở dữ liệu lớn (big data) về biển phục vụ đa ngành. Mục tiêu nhằm đảm bảo chủ quyền và an ninh trên biển; tăng cường phát triển đội ngũ cán bộ nghiên cứu có trình độ cao, sẵn sàng hội nhập quốc tế về khoa học biển. 
Xin cảm ơn ông.
Giang Nguyễn
Viện Tài nguyên và Môi trường biển (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) được thành lập từ năm 1959. Viện có chức năng là đơn vị nghiên cứu khoa học, điều tra cơ bản, ứng dụng và triển khai công nghệ, đào tạo nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực tài nguyên môi trường biển và các lĩnh vực khoa học khác có liên quan. Từ những nỗ lực, đóng góp to lớn của Viện trong sự nghiệp nghiên cứu biển, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển, phát triển kinh tế, bảo vệ an ninh, chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển, Viện đã được Đảng, Nhà nước trao nhiều huân chương, bằng khen tiêu biểu như Huân chương Lao động Hạng Nhất (1999), Huân chương Độc lập Hạng Ba (2009), Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (2014)... Các giải thưởng KHCN tiêu biểu của Viện gồm có: Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt IV (2010); Giải thưởng Nhà nước (2010), Giải thưởng Môi trường Việt Nam (2009, 2013)... và nhiều giải thưởng KHCN tiêu biểu khác của các Bộ, ngành, địa phương.