Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 01:41 GMT+7

Kinh tế tuần hoàn

Một số giải pháp trung hòa carbon cho Việt Nam nhờ nguồn điện gió

15/03/2022

Điện gió hiện nay là một bước đi hiệu quả trong nền kinh tế xanh tại Việt Nam. Tại Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về biến đổi khí hậu, Việt Nam đã cam kết đến năm 2050, phát thải ròng carbon bằng 0. Chính vì vậy, điện gió sẽ là bước chuyển mình quan trọng trong cam kết của Việt Nam trên trường quốc tế về biến đổi khí hậu...
Phát thải ròng carbon bằng 0 – Xu hướng chung toàn thế giới
Trên thế giới, một số nước đã có cam kết phát thải ròng carbon bằng 0 như Uruguay, Na Uy sẽ hoàn thành vào năm 2030; Phần Lan năm 2035; Áo năm 2040; Thụy Điển năm 2045; các nước Liên minh châu Âu (EU), Vương quốc Liên Hiệp Anh (UK), Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE) năm 2050…
Trong hội nghị COP 26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có tuyên bố: Việt Nam sẽ đạt mức phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050. Đây là một bước ngoặt, một sự tái định hướng có ảnh hưởng sâu rộng đối với xã hội và phù hợp với tinh thần của thời đại. Việt Nam cũng đã ký Tuyên bố chuyển đổi năng lượng than đá sang năng lượng sạch toàn cầu.
Ngoài ra Việt Nam cũng đã tham gia ký Cam kết chuyển đổi để dừng sản xuất điện than không có công nghệ lọc CO2 trong những năm 2040 (hoặc sớm nhất có thể) và ngừng cấp giấy phép mới cho các dự án nhiệt điện than không có công nghệ lọc CO2 mà chưa hoàn thành quá trình phê duyệt tài chính, đồng thời ngừng xây dựng các dự án nhiệt điện than không có công nghệ lọc CO2 mới, cũng như kết thúc các chính sách mới hỗ trợ trực tiếp của Chính phủ cho ngành công nghiệp nhiệt điện than quốc tế không qua công nghệ lọc CO2. Cùng tham gia ký kết với Việt Nam có Hàn Quốc và các nước ASEAN như Philippin, Singapo, Inđônêxia và Brunei.  
Giải pháp phát triển điện gió - trung hòa carbon ngành năng lượng
Điện gió có mức phát thải carbon thấp nhất so với các nguồn điện khác như than, dầu, khí, hạt nhân, thủy điện, điện mặt trời, điện gió trên bờ -9 g/Kwh, điện gió ngoài khơi -16 g/Kwh, trong khi đó điện than là 1.050 g/Kwh gấp gần 100 lần so với điện gió. Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, tiềm năng kỹ thuật điện gió của Việt Nam là rất lớn, có thể đạt trên 500 GW (trên đất liền là 42 GW, điện gió ngoài khơi của Việt Nam là 475 GW ở các vùng biển cách bờ tới 200 km).
Năng lượng điện gió là hướng đi cho vấn đề phát thải dòng bằng 0 tại Việt Nam
Tính đến hết năm 2021, Việt Nam đã có 84 Nhà máy điện gió đi vào hoạt động với tổng công suất 3.980,27 MW, giúp giảm thiểu hàng triệu tấn carbon. Đồng thời, còn 36 Nhà máy chưa kịp vận hành thương mại kịp thời hạn FIT 2, ngày 30/10/2021. Báo cáo “Lộ trình phát triển điện gió ngoài khơi cho Việt Nam” do Ngân hàng thế giới (WB) công bố ngày 12/6/2021 cho thấy, Việt Nam có thể trở thành một quốc gia có ngành điện gió ngoài khơi với kịch bản cao 70 GW đến năm 2050 với giá thành sản xuất điện thấp, giảm thiểu hàng tỷ tấn carbon, nội địa hóa đến 70%, công suất điện có thể đạt 35% trong hệ thống điện của Việt Nam. Với nguồn năng lượng tái tạo điện gió trên bờ, ngoài khơi rất lớn lên đến hơn 500 GW và cam kết phát thải carbon trung hòa vào năm 2050, cùng với sự phát triển thành một trung tâm điện gió ngoài khơi của thế giới, nguồn năng lượng điện gió siêu nhỏ các bon thì rất cần bổ sung các dự án điện gió trên bờ và trên biển vào trong Quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030 tầm nhìn đến 2050 và Quy hoạch điện 8.
Để có thể tiến tới trung hòa carbon bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam cần có một số các giải pháp như: Cần sớm có lộ trình giảm nguồn nhiệt điện từ than, khí và phát triển thêm điện gió trên bờ và điện gió ngoài khơi, điện gió sẽ giúp sẽ làm giảm 100 lần carbon so với điện than, 70 lần điện khí; Tiếp tục tận dụng chính sách hợp tác quốc tế trong chuyển giao, nội địa hóa công nghệ điện gió với các đối tác quốc tế; Bên cạnh đó cần tận dụng nguồn vốn sẵn có để có thể sản xuất hàng trăm GW điện gió giúp giảm phát thải đáng kể các bon và tạo nền móng phát triển ngành công nghiệp điện gió, đặc biệt điện gió ngoài khơi, tạo ra sức mạnh mềm, sức mạnh xanh cho quốc gia; Đào tạo nhân lực và thu hút nhân tài trong hoạt động chuyển đổi năng lượng xanh từ điện gió. Cuối cùng cần nghiên cứu và xây hệ thống lưu trữ năng lượng để điều tiết công suất điện gió, điện mặt trời.
Nhật Minh