Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ bảy, 18/01/2025 | 14:56 GMT+7

Điển hình

Cuộc cách mạng xanh trong ngành tiêu dùng nhanh

14/03/2022

Các ông lớn trong ngành tiêu dùng nhanh đã bắt tay hành động nhằm hướng đến mục tiêu net-zero.
Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới, ước tính mỗi năm Việt Nam thải ra môi trường khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa. Trong đó, lĩnh vực tiêu dùng nhanh (FMCG) chịu trách nhiệm không nhỏ khi phần lớn vật liệu thải ra sau quá trình sử dụng của các mặt hàng này là bao bì nhựa như vỏ hộp, vỏ chai, ống hút... 
19 doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực tiêu dùng nhanh đã bắt tay thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong ngành tái chế.
Từ năm 2019, chín ông lớn đại diện trong ngành tiêu dùng nhanh, bao bì đã thành lập Liên minh tái chế bao bì Việt Nam (PRO Vietnam). Con số hiện tại đã lên tới 19. Mục tiêu PRO Vietnam đưa ra là đến năm 2030, 100% bao bì đóng gói của các thành viên trong Liên minh đưa ra tiêu thụ trên thị trường sẽ được thu gom và tái chế. Có thể nói, ngành tiêu dùng nhanh trong nước chính thức khởi động cuộc cách mạng xanh từ thời điểm này. 
Theo công bố trên website, PRO Vietnam xác định vai trò của mình là đẩy mạnh kinh tế tuần hoàn trong ngành tái chế, đồng thời thúc đẩy văn hóa tái chế tại Việt Nam thông qua các hoạt động truyền thông và giáo dục. 
Từ khi thành lập, các doanh nghiệp thành viên đã thực hiện nhiều sáng kiến nhằm thúc đẩy các mục tiêu trên thông qua việc tăng số điểm/kênh thu gom phế liệu, nâng tỷ lệ tái chế bao bì thu gom, thay đổi vật liệu bao gói, tổ chức các chiến dịch cộng đồng nâng cao nhận thức. 
Một số cải tiến cụ thể mà người tiêu dùng có thể nhìn thấy được là một số nhãn hiệu nước đóng chai như tương ớt Maggi, nước khoáng Aquafina loại bỏ màng co nhựa; nước khoáng Lavie chuyển sang sử dụng nhựa tái chế rPET 50%; các nhãn hiệu sữa thay ống hút giấy nhựa bằng ống hút giấy. Theo công bố trên website các doanh nghiệp, sáng kiến thay ống hút nhựa bằng ống hút giấy của Nestlé và cải tiến trên chai Aquafina đã giúp giảm thiểu gần 840 tấn rác thải nhựa mỗi năm. 
Nước khoáng Lavie chuyển sang sử dụng nhựa tái chế rPET 50%.
Doanh nghiệp khác, Coca-cola Việt Nam cũng đưa ra thông điệp môi trường "Tái chế tôi" lên tất cả các bao bì của thương hiệu thuộc quản lý của doanh nghiệp. Đồng thời, Coca-cola hợp tác với nhiều tổ chức thu gom, tái chế rác thải nhựa đại dương. Ví dụ, mạng lưới hành động giảm thiểu - tái sử dụng - tái chế rác thải nhựa” (Plastic Action Network - PAN) triển khai tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh và huyện Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh. Dự án hướng đến mục tiêu: thiết lập hệ thống thu gom, phân loại rác đã được thử nghiệm; cải thiện hoạt động tái chế tại địa phương theo 3 tiêu chí an toàn - thực tiễn - có thể nhân rộng.
Một ví dụ khác về thúc đẩy nâng cao nhận thức có thể kể đến các chương trình thu gom vỏ hộp sữa, tập huấn về môi trường tại trường học. Năm 2019, chương trình của FrieslandCampina tổ chức từ tháng 5 đến tháng 15 đã nhận được sự tham gia của hơn 120 trường học tại các tỉnh phía Bắc, thu gom được hơn 460.000 vỏ hộp sữa. Từ 2015-2020, Suntory Pepsico Việt Nam thông qua chương trình Mizuiku tổ chức phổ biến kiến thức tái chế, phân loại rác cho hơn 38.000 học sinh, 1.300 giáo viên và tình nguyện viên tại 11 tỉnh thành tham gia tập huấn về môi trường.
Thúc đẩy giáo dục môi trường và nâng cao nhận thức, hình thành thói quen tái chế là mục tiêu của PRO Vietnam.
Bên cạnh các hoạt động hướng ra thị trường, sự thay đổi cũng diễn ra trong chính các cơ sở sản xuất của doanh nghiệp. Theo Suntory Pepsico Việt Nam, các nhà máy của doanh nghiệp đã áp dụng các tiêu chí bảo vệ môi trường của tập đoàn trên toàn cầu. Kết quả từ 2006-2018 giảm 70% lượng nước sử dụng, giảm 42% điện năng tiêu thụ và tiết kiệm khoảng 8.000 tấn nhựa trong sản xuất. FrieslandCampina Việt Nam cho biết năm 2019, nhà máy giảm được 18% lượng rác thải hỗn hợp của bãi chôn lấp, tái chế 90% lượng chất thải. 
Giảm rác thải nhựa là chủ trương của Chính phủ theo Quyết định số 1746/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030. Gần đây nhất là Luật Bảo vệ môi trường 2020 đưa một số điều khoản, quy định mới theo đó nâng cao vai trò, trách nhiệm của nhà sản xuất trong vấn đề chất thải nhựa: trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất - EPR. Hướng tiếp cận theo kinh tế tuần hoàn sẽ giúp giảm áp lực lên cơ sở hạ tầng quản lý chất thải rắn vốn đang quá tải tại nước ta, đồng thời cũng là chiến lược để các doanh nghiệp hoàn thành trách nhiệm của mình. 
Thanh Thanh