Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ tư, 15/01/2025 | 18:40 GMT+7

Tiêu dùng bền vững

Quảng Ninh phát triển bền vững bằng nông nghiệp hữu cơ

14/03/2022

Hiện nay, nông nghiệp hữu cơ được coi là phương thức sản xuất tối ưu nhằm mang lại lợi ích kinh tế đối với người sản xuất, sức khỏe với người tiêu dùng và bảo vệ môi trường. Tại Quảng Ninh, tuy sản xuất hưu cơ đã được thực hiện từ lâu, nhưng quy mô còn nhỏ lẻ, chưa có chiều sâu. Vì vâỵ, hướng chuyển mình đồng bộ sang nông nghiệp hữu cơ được coi là bước phát triển và là xu thế tất yếu cho việc phát triển bền vững của tỉnh.
Bước chuyển mình từ thực tế
Thấy được vai trò, khả năng phát triển của nông nghiệp hữu cơ, những năm qua tỉnh Quảng Ninh đã đẩy mạnh việc sản xuất VietGAP, hữu cơ nhằm nâng cao vị thế, khả năng cạnh tranh, thu nhập cho người nông dân. Đến đầu năm 2022, tỉnh đã chứng nhận được 45ha lúa sản xuất hữu cơ với sản lượng khoảng 122 tấn sản phẩm tại Thành phố Uông Bí và Thị xã Quảng Yên. Giá bán và sản lượng cũng cao hơn từ 10-15% so với gạo được canh tác theo hướng cũ. Từ đó mang lại thu nhập tăng từ 10-30% so với phương pháp sản xuất thông thường.
Thực hiện chăn nuôi lợn thịt theo hướng hữu cơ. Công ty Thiên Thuận Tường (Thành phố Cẩm Phả) đã áp dụng hệ thống chăm sóc tự động, phần mềm quản lý theo dõi lý lịch, sức khỏe hàng ngày của vật nuôi, thức ăn có nguồn gốc… nên khả năng tăng khối lượng của đàn hơn 650g/con/ngày, tiết kiệm gần 1.500 lít nước/con, chất lượng thịt thơm ngon, giá bán cao hơn so với chăn nuôi thông thường từ 25-30%. Điều quan trọng nhất là đàn lợn ở đây có sức đề kháng tốt nên đây cũng là một trong những trang trại lợn hiếm hoi trên cả nước “miễn nhiễm” với dịch tả lợn châu Phi trong suốt hơn 2 năm qua.
Chăn nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học từ trang trại lợn của Công ty Thiên Thuận Tường, Cẩm Phả
Đối với cây dược liệu và lâm sản ngoài gỗ, một số vùng trồng cây quế ở huyện Đầm Hà và huyện Tiên Yên hiện đã được Tổ chức Chứng nhận quốc tế toàn cầu độc lập trong quản lý và giám sát hàng hóa (Control Union Certifications) cấp chứng nhận đạt hữu cơ tiêu chuẩn châu Âu. Theo đó, gần 350ha với hơn 220 tấn quế hữu cơ đã được cấp visa xuất ngoại và có mặt ở những thị trường khắt khe nhất của châu Âu với giá bán dao động từ 23.000-25.000 đồng/kg (cao hơn 20% so với quế thông thường).
Mô hình nuôi rươi kết hợp với trồng lúa hữu cơ quy mô 5ha tại phường Trưng Vương (Thành phố Uông Bí) đã cho thấy hướng đi mới trong nuôi trồng thủy sản, cho thu hoạch được hơn 2 tấn rươi thương phẩm (tăng gần 1 tấn so với nuôi tự nhiên như trước), sản lượng lúa đạt 1,8-2,0 tấn/ha/vụ, lợi nhuận từ mô hình này mang lại hơn 300 triệu đồng/ha.
Ông Nguyễn Trung Thành, Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định: Từ những mô hình ở các lĩnh vực trên cho thấy, sản xuất hữu cơ đã mang lại nhiều lợi ích rất lớn so với sản xuất thông thường khi cho năng suất cao, chất lượng tốt, giá bán ổn định, môi trường an toàn và bảo đảm cho sức khỏe con người. Thông qua việc sản xuất hữu cơ đã tạo điều kiện cho sự chuyển hóa khép kín trong hệ canh tác khi chỉ được sử dụng các nguồn hiện có, các vật tư đạt chuẩn.
Xây dựng chiến lược phát triển dài hạn
Mặc dù hiệu quả từ sản xuất hữu cơ đã ngày càng được khẳng định nhưng trên thực tế, quy mô sản xuất nông nghiệp hữu cơ còn rất nhỏ bé, hạn chế. Tính đến hết năm 2021, toàn tỉnh mới chứng nhận được 45ha lúa hữu cơ với sản lượng khoảng 150 tấn tại TX Đông Triều và Quảng Yên; 329ha quế hữu cơ với sản lượng 220 tấn tại huyện Tiên Yên và Đầm Hà. Còn ở những lĩnh vực khác vẫn chưa được chứng nhận hoặc chưa có sản phẩm hữu cơ đúng nghĩa để đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Sản phẩm quế hữu cơ của Công ty CP Quế hồi Quảng Ninh (huyện Đầm Hà) hiện đã được cấp visa sang Châu Âu từ tháng 3/2021. 
Cho nên, yếu tố hàng đầu để nhân rộng việc sản xuất hữu cơ là bền bỉ và kiên trì. Ngoài ra là chi phí để có được chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng, chi phí quảng bá, tiếp thị để đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng khiến cho không ít đơn vị e dè khi lựa chọn nâng cấp sản phẩm từ quy trình VietGAP lên sản xuất hữu cơ. Phần lớn các doanh nghiệp, người sản xuất đều cho rằng, nếu không được “tiếp sức”, việc duy trì các mô hình sản xuất hữu cơ cũng khó mà bền vững.
Tuy sản xuất nông nghiệp hữu cơ đòi hỏi nhiều thời gian, công sức và chi phí cao hơn so với sản xuất thông thường, nhưng đây lại là điều kiện tất yếu khi Việt Nam ngày càng hội nhập. Bởi phát triển theo hướng này sẽ tạo ra nông sản an toàn, có giá trị dinh dưỡng cao, mang lại lợi ích đối với sức khỏe con người, góp phần cải tạo, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững nền kinh tế… Ðây là chủ trương lớn, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và phát huy tiềm năng thế mạnh của các vùng, miền và địa phương trên cả nước.
Trước những áp lực, ngành nông nghiệp Quảng Ninh cũng cần thực hiện các giải pháp để chuyển đổi phương thức sản xuất nông nghiệp hiện tại sang phương thức sản xuất nông nghiệp bền vững, hài hòa với thiên nhiên, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái và nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, cải thiện đời sống cho người dân, đặc biệt là người dân khu vực nông thôn.
Để đẩy mạnh sản xuất hữu cơ, Sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng Đề án “Phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Đề án gồm các giải pháp về hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp hữu cơ; phát triển và nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, công nghệ cao; về thông tin tuyên truyền; xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm... Đề án cũng đã xây dựng danh mục các dự án ưu tiên, danh mục mô hình sản xuất hữu cơ thí điểm, kinh phí thực hiện.
“Việc sản xuất các sản phẩm hữu cơ đạt tiêu chuẩn được chứng nhận góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, củng cố và phát triển thương hiệu. Nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm hữu cơ từ 15-20% giá trị trên một đơn vị sản phẩm trở lên so với sản xuất theo phương thức thông thường. Mục tiêu của Đề án đặt ra là trong thời gian tới sẽ sản xuất ra các sản phẩm hữu cơ đạt tiêu chuẩn giúp mở rộng thị trường sản phẩm không những trong và ngoài tỉnh mà có thể mở rộng ra thị trường ngoài nước. Trong đó có các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản... Đặc biệt là các sản phẩm có tiềm năng của tỉnh như trà hoa vàng, rau quả, thủy sản để nâng giá trị đóng góp vào GDP của ngành nông nghiệp trong cơ cấu nền kinh tế, góp phần thực hiện thành công tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh”. Ông Nguyễn Văn Đức, Phó Giám đốc Sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định.
Nhật Minh