Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 13/12/2024 | 11:58 GMT+7

Tiêu dùng bền vững

TP. Hồ Chí Minh nghiên cứu phương án triển khai giao thông công cộng bằng xe điện

25/01/2022

Sở Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh cùng các đơn vị tư vấn đang nghiên cứu phương án triển trai giao thông công cộng trong thành phố bằng xe điện. Hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án "Sáng kiến giao thông trong NDC tại các nước châu Á" (NDC-TIA) do Chính phủ CHLB Đức tài trợ. Dự án nhằm hỗ trợ các quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam, tăng cường năng lực, khung pháp lý thúc đẩy phát triển GTVT carbon thấp, giảm phát thải khí nhà kính. 
Phó Giám đốc Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh, ông Bùi Hòa An cho biết mục tiêu của dự án là giảm khí thải từ giao thông, phát triển giao thông xanh theo chủ trương của thành phố. Dự kiến cuối quý I/2022, thành phố sẽ đưa vào vận hành tuyến xe buýt điện đầu tiên. Việc mở mới tuyến xe buýt sử dụng năng lượng điện nhằm góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường, đa dạng hóa phương tiện công cộng sử dụng năng lượng sạch, nâng cao chất lượng phục vụ và từng bước chuyển đổi nhu cầu di chuyển của người dân.
Tuy nhiên, chuyển đổi giao thông điện không chỉ đơn thuần là thay xe xăng bằng xe điện mà cần phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng bao gồm nguồn phát sạch, trạm sạc, bến bãi... Nếu chỉ sử dụng phương tiện điện nhưng nguồn phát lại từ than hoặc những loại nhiên liệu hóa thạch khác thì cũng không đạt được mục tiêu của dự án.
“Sở GTVT TP. HCM sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị tư vấn nghiên cứu để xây dựng cơ chế và phương án tổng thể cho dự án phát triển GTVT bằng phương tiện giao thông điện tại TP”, ông An cho biết.
GS. TS. Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, trưởng nhóm tư vấn cho biết hiện hầu hết các thành phố lớn của nước ta đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Theo khảo sát thực trạng tại 8 thành phố lớn, dựa vào những cơ hội và thách thức, đơn vị tư vấn đã chọn TP. HCM là địa phương thí điểm triển khai nghiên cứu xây dựng kế hoạch phát triển phương tiện giao thông điện, từ đó mở rộng ra các địa phương khác. 
Lý do là bởi nơi đây có nhiều tiềm năng thực hiện dự án chuyển đổi. Cụ thể, tỷ lệ đất dành cho giao thông hiện ở mức thấp, chỉ đạt 12,2% tốc độ phát triển hạ tầng khá chậm và có giới hạn. Trong khi đó số lượng phương tiện có xu hướng ngày càng tăng, là nguồn gây phát thải lớn cần có biện pháp khắc phục nhanh chóng. 
Bên cạnh cơ hội, thách thức lớn cho việc chuyển đổi của TP. HCM là hạ tầng lưới điện. Không có hệ thống điện tốt thì không thể làm được. Theo GS. TS. Lê Anh Tuấn thì chuyển đổi phương tiện giao thông điện thành công hay không phụ thuộc rất lớn vào chiến lược vùng, chiến lược quốc gia về quy hoạch hạ tầng. Ông nhận định, cần có chính sách ưu tiên hỗ trợ các địa phương có chiến lược chuyển đổi giao thông điện. Bên cạnh đó, thành phố cũng phải nhanh chóng xác định mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể, nhiệm vụ, giải pháp, cơ chế tài chính, lộ trình... càng làm sớm thì cơ hội thành công càng cao. 
Đại diện đơn vị tư vấn GIZ gợi ý thành phố có thể bắt đầu từ việc chuyển đổi vận chuyển hàng hóa từ đường bộ sang đường thủy hoặc đường sắt, là những phương tiện có mức phát thải carbon thấp hơn. Ngoài ra, tìm cách kết hợp chuyển đổi các trang thiết bị xếp dỡ, phương tiện tàu, xà lan, phà sang sử dụng nhiên liệu phát thấp, hoặc không phát thải (điện khí hóa) tại các cảng lớn như Cát Lái, Hiệp Phước. "Điện khí hóa cảng và phương tiện đường thủy không chỉ góp phần vào mục tiêu giảm thải mà còn giúp chính quyền TP xác định các chính sách và lộ trình cụ thể, hướng tới mục tiêu không phát thải trong tương lai gần”, đại diện GIZ nhận định. 
Thanh Thanh