Phát triển công nghiệp và vấn đề ô nhiễm môi trườngTrong những năm qua, ngành công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục có bước phát triển nhanh, giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2006 - 2010 bình quân tăng 18,7% so với mức bình quân chung của cả nước trong giai đoạn này là 13,2%/năm; tốc độ tăng trưởng GDP công nghiệp - tăng trưởng công nghiệp bình quân hàng năm đạt trên 14%.
Thành tựu nổi bật nhất của công nhiệp Hà Tĩnh mấy năm qua là thu hút được nhiều dự án lớn mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế. Trước hết phải kể đến dự án khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Fomosa Hà Tĩnh với quy mô đầu tư luyện cán thép cả hai giai đoạn là 15 triệu tấn/năm; cảng nước sâu Sơn Dương, lọc hoá dầu với tổng mức đầu tư giai đoạn I là 7,87 tỷ USD; dự án Nhà máy liên hợp gang thép Hà Tĩnh 500.000 tấn/năm; Dự án khai thác và tuyển sắt Thạch Khê và dự án nhà máy luyện thép Sông Quyền - Vũng Áng công suất hai giai đoạn 4,5 triệu tấn/ năm; dự án nhà máy tuyển quặng sắt Vũ Quang công suất 500.000 tấn/năm; các dự án thuỷ điện Hố Hô, Hương Sơn; các dự án nhà máy Nhiệt điện tại Khu kinh tế Vũng Áng với tổng công suất trên 6000MW… Những dự án này sẽ góp phần làm gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ 17, phấn đấu đến năm 2015 Hà Tĩnh sẽ trở thành tỉnh có Công nghiệp – nông nghiệp – dịch vụ phát triển.
Song song với các dự án trọng điểm, công tác phát triển khu, cụm công nghiệp, cụm công nghiệp - làng nghề được chú trọng, đến nay toàn tỉnh có 3 khu công nghiệp (KCN) và 13 cụm công nghiệp đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết với tổng diện tích là 845,06ha, tổng mức đầu tư cơ sở hạ tầng là 1.548,93 tỷ đồng. Hiện nay tổng số vốn đầu tư vào khu, cụm công nghiệp là 116,26 tỷ đồng (trong đó đầu tư cụm công nghiệp đạt gần 36,35 tỷ đồng). Các khu, cụm đã thu hút 81 dự án đăng ký đầu tư với số vốn trên 4.887 tỷ đồng, trong đó có 60 dự án đã đầu tư và đi vào sản xuất giải quyết việc làm cho gần 2.500 lao động.
Thực hiện tốt chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp, đội ngũ các doanh nghiệp, doanh nhân đầu tư, sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đã và đang phát triển mạnh. Tính đến hết tháng 4 năm 2011 có hơn 13.900 cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn (9 doanh nghiệp nhà nước, 656 doanh nghiệp ngoài quốc doanh, 4 DN có vốn đầu tư nước ngoài, 38 HTX tiểu thủ công nghiệp và hơn 13.200 hộ sản xuất cá thể. Tổng số lao động thường xuyên cho gần 65.000 lao động, mang lại giá trị sản xuất công nghiệp năm 2010 đạt 2.077 tỷ đồng ( giá cố định 1994), tăng gấp 2 lần so với năm 2005.
Bên cạnh những thành quả đạt được, phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp của tỉnh vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, tốc độ tăng trưởng của công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp còn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của ngành. Nguyên nhân là do phần lớn các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nguồn vốn còn hạn hẹp dẫn tới việc đầu tư công nghệ lạc hậu, không đồng bộ, gây thất thoát lớn về tài nguyên, năng lượng cũng như các nguyên, vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn đều đang thải trực tiếp ra môi trường với các thông số vượt quá tiêu chuẩn quy định, gây ô nhiễm môi trường đất, nguồn nước ngầm, hệ thống nước sông, hồ trong khu vực. Các sản phẩm thừa không được tận thu để đưa vào quy trình tái sản xuất gây lãng phí về tài chính, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sức khoẻ của người lao động và người dân sinh sống.
Khu xử lý nước thải tại Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thuỷ sản Nam Hà Tĩnh
Nhìn chung, các cơ sở sản xuất công nghiệp chưa chú trọng vào vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường nói chung, ô nhiễm do nước thải nói riêng. Chính vì vậy hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa đầu tư các hệ thống xử lý môi trường, trong đó có hệ thống xử lý nước thải. Đặc biệt, có những cơ sở sản xuất được đầu tư hệ thống xử lý nhưng không vận hành hoặc vận hành không hiệu quả. Bên cạnh một số cơ sở sản xuất đầu tư xây dựng hệ thống xử lý thải đảm bảo như Công ty CP Xuất nhập khẩu thuỷ sản Nam Hà Tĩnh, Công ty CP Xuất nhập khẩu thuỷ sản Hà Tĩnh, Công ty Bia Sài Gòn Hà Tĩnh …, nhiều cơ sở sản xuất ngành nghề có nguồn thải gây ô nhiễm như ngành sản xuất bia và nước giải khát, sản xuất cồn rượu công nghiệp, chế biến hải sản, sản xuất sơn, sản xuất giấy, các làng nghề mộc, rèn đúc... Thực tế, ý thức của các doanh nghiệp trong vấn đề bảo vệ môi trường đang còn mang tính chất đối phó với các cơ quan quản lý môi trường vì vậy hiệu quả xử lý nước thải của các cơ sở này chưa cao.
Các hoạt động sản xuất công nghiệp vẫn được xem là một trong những nguồn chính gây ô nhiễm môi trường không khí. Sản xuất gạch, ngói là một ngành sản xuất có lượng khí thải lớn và tác động không nhỏ đến chất lượng môi trường không khí. Mặc dù đã đầu tư các nhà máy sản xuất gạch tuynel với công suất từ 10 triệu - 40 triệu viên/năm, được đầu tư quy mô về cơ sở hạ tầng cũng như hệ thống xử lý áp dụng các biện pháp hạn chế lượng khí thải trong công nghệ đốt gạch, tuy nhiên mức độ xử lý cũng chưa cao. Bên cạnh đó vẫn đang còn tồn tại các lò gạch thủ công sản xuất nhỏ lẻ đang gây ô nhiễm môi trường không khí nghiêm trọng do không có hệ thống xử lý khí thải.
Hoạt động khai thác đá ở Nghi Xuân Hoạt động khai thác và chế biến tài nguyên khoáng sản phát triển mạnh mẽ cùng với sự tăng trưởng của nền kinh tế. Bao gồm khai thác đá, titan, zircon,... và khai thác mỏ sắt Thạch Khê (khai thác thử nghiệm). Tất cả các hoạt động này đều phát sinh bụi và khí thải, đáng chú ý là công đoạn tuyển quặng tinh tại các khu tuyển quặng titan, zircon; khu vực nghiền và xúc bốc đá nguyên liệu phát sinh bụi rất nhiều. Tuy rằng, các cơ sở đã có các biện pháp giảm thiểu nhưng hiệu quả chưa cao, gây ảnh hưởng đến môi trường sống của các công nhân và người dân trong khu vực.
Trong vấn đề quy hoạch, phát triển các khu, cụm công nghiệp vẫn đang còn nhiều tồn tại, trong đó đáng chú ý là cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ, ý thức của các chủ doanh nghiệp trong vấn đề bảo vệ môi trường chưa được cải thiện, chưa có các chế tài đối với các hộ sản xuất nhỏ lẻ đang sản xuất trong làng chuyển ra khu quy hoạch. Chính vì vậy vẫn đang xẩy ra tình trạng gây ô nhiễm như khí thải, bụi thải từ công đoạn phun, đánh bóng sản phẩm gỗ; khí thải từ các lò đúc; nước thải, rác thải,… các nguồn gây ô nhiễm này chưa được thu gom và xử lý. Đồng thời với công nghệ lạc hậu, các nhà máy thường dùng than, dầu FO để làm nhiên liệu đốt nên thải ra nhiều chất gây ô nhiễm môi trường không khí. Chính vì vậy vẫn xẩy ra tình trạng ô nhiễm, nhất là ô nhiễm không khí do hoạt động phun sơn, đánh bóng sản phẩm gỗ, khí thải từ lò đúc...
Khả năng áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệpViệc áp dụng sản xuất sạch hơn trong các cơ sở công nghiệp theo Chỉ thị số 08/CT-BCN ngày 10/7/2007 của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu chất thải, tăng cường hiệu quả sử dụng tài nguyên, hiệu quả sản suất kinh doanh của cơ sở sản xuất công nghiệp chưa được quan tâm đúng mức; số lượng các cơ sở sản xuất quan tâm tham gia áp dụng sản xuất sạch hơn vẫn còn hạn chế, các giải pháp áp dụng còn ở mức độ đơn giản, kết quả chưa đạt yêu cầu.
Thực tế qua khảo sát về áp dụng SXSH trong công nghiệp ở 197 doanh nghiệp có thể khẳng định, tiềm năng thực hiện SXSH ở tỉnh Hà Tĩnh còn rất lớn. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ hầu hết các cơ sở này sử dụng thiết bị và công nghệ lạc hậu, mở rộng nhiều lần nên thiết bị không đồng bộ, chắp vá, bố trí mặt bằng không hợp lý và quản lý lỏng lẻo, chồng chéo, nguy cơ ô nhiễm môi trường là rất lớn, quá trình sản xuất kinh doanh hiệu quả thấp, sản phẩm kém sức cạnh tranh. Vì vậy việc áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh trên địa bàn. Căn cứ các mục tiêu, đề án đã được xác định trong chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1419/QĐ-TTg ngày 7/9/2009; sự hướng dẫn của Hợp phần sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, trong thời gian tới để áp dụng SXSH trong công nghiệp vào thực tế ở Hà Tĩnh cần tập trung vào một số giải pháp sau đây:
- Hoàn thiện về cơ chế, chính sách: Trong thời gian tới, Sở Công Thương sẽ tham mưu tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Chỉ thị triển khai thực hiện chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020 và kế hoạch hành động sản xuất sạch trong công nghiệp giai đoạn 2011-2015. Đây là căn cứ pháp lý cần thiết để xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện việc áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Tập huấn về Sản xuất sạch hơn trong công nghiệp
- Công tác tuyên truyền, tư vấn: Thông qua các hoạt động truyền thông như tổ chức các hội thảo, tập huấn, sản xuất phim, viết báo, tờ rơi…nhằm giới thiệu SXSH đến doanh nghiệp, các cấp quản lý, cộng đồng người dân trên địa bàn tỉnh. Các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp cần xác định áp dụng sản xuất sạch hơn vừa là trách nhiệm, vừa là nghĩa vụ, bảo đảm được lợi ích cho doanh nghiệp vì tiết kiệm được các chi phí tiêu hao năng lượng, nguyên liệu vật tư đầu vào, từ đó làm hạ giá thành sản phẩm và nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, đồng thời hạn chế giảm thiểu các chất thải trong quá trình sản xuất gây ô nhiễm môi trường.
Tuyên truyền sản xuất sạch hơn gắn liền với công tác tư vấn, hỗ trợ đầu tư cho các cơ sở sản xuất công nghiệp nhằm bảo toàn nguyên liệu và năng lượng, loại trừ các nguyên liệu độc hại và giảm lượng và tính độc hại của tất cả các chất thải ngay tại nguồn nước; Giảm các ảnh hưởng tiêu cực trong suất chu kỳ sống của sản phẩm từ khâu thiết kế đến thải bỏ và làm giảm các tác động môi trường của dịch vụ được cung cấp trong suốt vòng đời từ khi thiết kế và sử dụng hệ thống dịch vụ đến tiêu thụ toàn bộ nguồn hàng của dịch vụ.
Học viên các lớp tập huấn được đi tham quan thực tế việc áp dụng sản xuất sạch hơn các doanh nghiệp
- Đầu tư thiết bị công nghệ: Hiện nay ở Hà Tĩnh qua điều tra cho thấy ngoài một số nhà máy mới xây dựng được đầu tư thiết bị, công nghệ khá hiện đại thì đa số các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đều có thiết bị công nghệ lạc hậu. Đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất, sửa chữa cơ khí, dệt may, chế biến nông lâm sản, chế biến thực phẩm, tuy mới đầu tư nhưng thiết bị công nghệ chỉ ở mức trung bình yếu, thiếu các dây chuyền tự động hoá, các thiết bị chuyên dùng nên năng lực sản xuất, còn kém xa so với các nước. Vì vậy, vấn đề đổi mới và nâng cao năng lực các thiết bị công nghệ phải được đặt lên hàng đầu. Những cơ sở sản xuất mới được đầu tư xây dựng nhất thiết phải được trang bị công nghệ, thiết bị hiện đại nhằm tận thu các loại tài nguyên trong khai thác khoáng sản, sử dụng tiết kiệm nguồn năng lượng, nguồn nước.
- Về quản lý nhà nước: Thời gian tới, Sở Công Thương sẽ tiến hành rà soát lại các doanh nghiệp chưa áp dụng sản xuất sạch hơn trong sản xuất kinh doanh để từ đó tư vấn, hỗ trợ nghiệp vụ chuyên môn nhằm giúp các cơ sở áp dụng một cách triệt để quá trình sản xuất sạch hơn trong doanh nghiệp. Bên cạnh đó, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tiến hành các thủ tục đăng ký việc đánh giá công nghệ tiên tiến, hiện đại sẽ giúp tránh được hiện tượng lắp đặt những công nghệ cũ và gây ô nhiễm. Mặt khác sản xuất sạch hơn như một dịch vụ môi trường thông thường ngoài các yếu tố về về xử lý nước thải, thu gom và thải bỏ chất thải nguy hiểm thì dịch vụ này sẽ giúp các doanh nghiệp làm tăng hiệu quả sản xuất, giảm phát thải vào môi trường, tăng chất lượng sản phẩm.
Với các giải pháp như vậy, Sở Công Thương Hà Tĩnh kỳ vọng sẽ góp phần thực hiện thành công mong Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh, góp phần thực hiện “phấn đấu đưa giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng tăng 35% năm, giá trị tăng thêm khu vực công nghiệp - xây dựng là 23,3%, gắn với bảo vệ môi trường” như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra./.
Trần Nhật Tân
Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hà Tĩnh