Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ hai, 25/11/2024 | 08:06 GMT+7

Kinh tế tuần hoàn

Sản xuất và tiêu dùng bền vững: Khi tiêu chuẩn vào cuộc

18/10/2021

Sự gia tăng lượng hàng hóa và tối đa lợi nhuận trên thị trường đang tạo ra một áp lực lớn các nguồn tài nguyên thiên nhiên vốn đã cạn kiệt, cũng như tác động đến tính minh bạch của chuỗi cung ứng. Trong bối cảnh đó, các tiêu chuẩn có thể giúp chúng ta thay đổi cách sản xuất và tiêu thụ hàng hóa, cũng như góp phần đạt mục tiêu bền vững?
“Tôi cho rằng nên đặt câu hỏi ngược lại: Làm thế nào chúng ta có thể đạt được các mục tiêu phát triển bền vững mà không có tiêu chuẩn?”, ông Vimal Mahendru, đại sứ của Ủy ban kỹ thuật điện quốc tế (IEC), chia sẻ trong một bài phỏng vấn trên e-tech vào năm 2019. “Các tiêu chuẩn cung cấp cho chúng ta định nghĩa chính xác về những gì chúng ta muốn và cách để có thể đạt được điều đó. Chẳng hạn, với mục tiêu về năng lượng sạch, làm thế nào bạn có thể định nghĩa như thế nào là ‘sạch’? Mỗi người sẽ có thể có một cách diễn giải khác nhau, và đó là lý do tại sao các tiêu chuẩn rất quan trọng và không thể thiếu trong việc xác định thuật ngữ cơ bản cũng như cung cấp các công cụ đo lường cho mục tiêu phát triển bền vững”.
Tiêu chuẩn có thể góp phần giúp doanh nghiệp đạt mục tiêu phát triển bền vững. Ảnh: baotainguyenmoitruong.vn
Nhu cầu chuyển đổi doanh nghiệp
Theo một báo cáo của Cục Bảo vệ Môi sinh Hoa Kỳ (EPA), trong 50 năm qua, dân số trên toàn cầu đã tiêu thụ lượng hàng hóa và sử dụng dịch vụ nhiều hơn tổng số hàng hóa và dịch vụ của tất cả các thế hệ trước đây cộng lại. Dù giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cải thiện chất lượng cuộc sống của nhiều người dân, mức sản xuất và tiêu thụ này là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với tương lai.
Đây cũng là nhận định của bà Sharan Burrow, Tổng thư ký của Tổng liên đoàn Lao động Quốc tế (ITUC). Năm 2018, bà cảnh báo là mô hình kinh tế thịnh hành trên thế giới hiện nay đang gây thất vọng cho lực lượng lao động toàn cầu, dù cho nhiều tập đoàn đã cam kết thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, trong đó, có cả mục tiêu đảm bảo mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững. Đây là mục tiêu mà theo Liên hợp quốc, “để đạt được sẽ đòi hỏi phải có một khung quốc gia về tiêu dùng và sản xuất bền vững được lồng ghép chặt chẽ vào các kế hoạch quốc gia và các lĩnh vực khác nhau, các hoạt động kinh doanh bền vững và hành vi của người tiêu dùng, bên cạnh việc tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về quản lý các hóa chất và chất thải nguy hại”.
Thực tế, nhiều công ty đã dần nhận thức được điều này và điều chỉnh hoạt động của mình. Paul Polman, Giám đốc điều hành của Unilever, một công ty hàng tiêu dùng toàn cầu đặt tính bền vững làm cốt lõi cho hoạt động của mình, cho biết trong một báo cáo trên tờ The Guardian, mục tiêu phát triển bền vững có thể mang lại “cơ hội phát triển kinh tế lớn nhất trong đời” và chúng phải trở thành trọng tâm của mục tiêu kinh doanh cốt lõi cũng như các quyết định đầu tư của công ty. Theo Paul Polman, các thương hiệu “sống bền vững” của Unilever (được định nghĩa là những thương hiệu tích hợp tính bền vững vào mục đích và sản phẩm của mình) đang phát triển “nhanh hơn 30% so với các thương hiệu còn lại” của họ.
Nhiều doanh nghiệp khác cũng có sự chuyển biến tương tự. Chẳng hạn, vào năm 2018, McDonald’s, công ty thức ăn nhanh của Mỹ với hơn 38,000 cửa hàng trên toàn thế giới đã công bố kế hoạch giảm ống hút nhựa sử dụng một lần ở Anh và thay bằng ống hút giấy (dù sau đó việc áp dụng trong thực tế gặp một số vấn đề tranh cãi).
Đây đều là các tập đoàn lớn trên thế giới. Nhưng làm thế nào để các doanh nghiệp chú trọng vào lợi nhuận và là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) có thể đảm bảo được cả lợi nhuận cũng như bảo vệ môi trường? Làm thế nào họ có thể tích hợp các mục tiêu phát triển bền vững vào các chiến lược của mình và mang lại giá trị cho cả công ty và người dân?
Vai trò của tiêu chuẩn
Theo các chuyên gia, đây là lúc các tiêu chuẩn thể hiện vai trò rõ ràng, đặc biệt là ISO 20400 - Hướng dẫn - Mua sắm bền vững (tương ứng với TCVN 12874:2020 của Việt Nam) – một tiêu chuẩn cung cấp các hướng dẫn đảm bảo an ninh chuỗi cung ứng, ngăn ngừa rủi ro tài chính, môi trường, nâng cao niềm tin của nhà đầu tư và khách hàng, thúc đẩy phúc lợi của nhân viên và góp phần mở ra thị trường mới cho các sản phẩm và dịch vụ. Shaun McCarthy - Chủ tịch của Supply Chain School (Trường về Chuỗi cung ứng) cho rằng, về ngắn hạn, các tổ chức thường thiếu các mục tiêu rõ ràng và khả năng “phiên dịch” các chính sách của họ sang một “ngôn ngữ” mà chuỗi cung ứng có thể hiểu và đáp ứng, nhưng ISO 20400 có thể cung cấp “sợi chỉ vàng” để liên kết chuỗi cung ứng với các mục tiêu của các doanh nghiệp.
Jacques Schramm, người sáng lập và là Giám đốc điều hành của A2 Consulting, một doanh nghiệp vừa và nhỏ với khoảng một trăm nhân viên, hoạt động chủ yếu ở Pháp và chuyên về lĩnh vực tư vấn chuyển đổi doanh nghiệp, là người trải nghiệm rất rõ vai trò của tiêu chuẩn trong các công ty. ISO 20400 là tiêu chuẩn phù hợp với ISO 26000 - một tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội, đưa ra 450 khuyến nghị liên quan đến các mục tiêu phát triển bền vững, cũng như xác định các nguyên tắc đạo đức trong toàn bộ chuỗi cung ứng: quản trị tổ chức; quyền con người; môi trường,…
Tiêu chuẩn này cũng đã được Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP), một tổ chức có nhiệm vụ thúc đẩy tiêu dùng và sản xuất có trách nhiệm trên toàn thế giới, ủng hộ. Theo Schramm, UNEP coi ISO 20400 là một công cụ có giá trị cho các tổ chức mua hàng lớn bởi nó giúp cho các tổ chức thiết lập một chính sách mua hàng phù hợp, bao gồm cả mục tiêu phát triển bền vững, miễn là hoạt động kinh doanh cho phép ưu tiên điều đó. “Nếu làm tốt được hoạt động này, chúng ta có thể biến rủi ro thành cơ hội thông qua việc thiết kế lại quy trình mua hàng, phân tích vòng đời, tái chế chất thải và chuyển đổi mô hình kinh doanh. Một số tổ chức tiên tiến cũng đã coi vấn đề này là trọng tâm trong chiến lược của họ”, Schramm nói.
Đối với bản thân A2 Consulting, khi áp dụng ISO 20400, một lợi ích trực tiếp là họ đã có bước tiến quan trọng trong việc xác định các tiêu chí mua sắm bền vững, nhờ đó giúp công ty này đạt thứ hạng 79/100 do EcoVadis Business Sustainable Ratings đánh giá. Quy trình nội bộ này cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút khách hàng mới, đồng thời giúp công ty vừa tuyển dụng các nhân viên tài năng trên thị trường, vừa giúp “giữ chân họ làm việc trong công ty lâu hơn”.
Bên cạnh tiêu chuẩn của ISO, một loạt các tiêu chuẩn khác, chẳng hạn như tiêu chuẩn quốc tế IEC cùng với Hệ thống đánh giá sự phù hợp của IEC cũng có thể giúp kiểm soát việc sử dụng các chất độc hại trong vòng đời của các thiết bị điện và điện tử - những tiêu chí quan trọng trong mục tiêu số 12 về phát triển bền vững. Kể từ khi được thành lập vào năm 2004, IEC TC 111 - ban tiêu chuẩn hóa môi trường cho các sản phẩm và hệ thống điện và điện tử đã công bố một số tiêu chuẩn quốc tế quan trọng, trong đó phải kể đến IEC 62474 - tiêu chuẩn thiết lập các yêu cầu để báo cáo các chất và vật liệu có trong các sản phẩm điện và điện tử. Tiêu chuẩn này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao và xử lý dữ liệu bằng cách xác định một định dạng dữ liệu chung áp dụng khi trao đổi trong chuỗi cung ứng. Không chỉ vậy, tiêu chuẩn cũng đi kèm với một cơ sở dữ liệu mở đã được xác thực, bao gồm danh sách các chất, nhóm chất và các loại vật liệu phổ biến.
Làm sao để thúc đẩy hiệu quả?
Tuy nhiên, một số người cho rằng mức độ tham gia của các doanh nghiệp vào mục tiêu phát triển còn khá chậm. Báo cáo năm 2017 trên tờ The Guardian cho hay, sau một năm kể từ khi các mục tiêu phát triển bền vững được đưa ra, hầu hết các doanh nghiệp vẫn chưa thực sự quan tâm, dù cho các chuyên gia đã chỉ ra các cơ hội về kinh tế.
Để thực sự thu được lợi ích bền vững, Schramm cho rằng, các tiêu chuẩn như ISO 20400 phải được thực hiện trên toàn thế giới và tích hợp vào các tổ chức trên toàn cầu. “Tại Pháp, nhờ vào ‘sáng kiến ​​phong vũ biểu’, chúng tôi sẽ có thể đưa ra các bản giải thích về ‘lý do’ các tổ chức nên sử dụng ISO 20400, trong đó bao gồm cả các xu hướng mới, ví dụ như việc cần tính đến các yêu cầu của nhà đầu tư. Chúng tôi cũng sẽ nghiên cứu về ‘cách thức’ và các công cụ hỗ trợ thực hiện tiêu chuẩn, chẳng hạn: đưa ra các hướng dẫn nâng cao hơn như thiết lập mức độ ưu tiên, hoặc cả các phương pháp đánh giá, các công cụ và nhà cung cấp dịch vụ”, ông nói.
Hợp tác quốc tế và chia sẻ kinh nghiệm giữa các quốc gia trên toàn thế giới cũng là yếu tố thúc đẩy tiêu chuẩn, theo Shaun McCarthy. Theo quan điểm của ông, về lâu dài, cần phải phát triển năng lực của chuỗi cung ứng bởi việc thiếu đầu tư vào mảng này sẽ làm giảm tính cạnh tranh của chuỗi và đẩy mức giá lên. Bên cạnh đó, cần phải đo lường những gì mà các nhà cung cấp thực sự đem lại thay vì chỉ dùng những bảng câu hỏi vô nghĩa để đánh giá. Và ông cho rằng, hướng dẫn về đo lường hiệu suất từ ​​ISO 20400 cũng có thể là một trợ giúp đắc lực cho các tổ chức, “với sự trợ giúp của tiêu chuẩn mua sắm, rõ ràng là các tổ chức nhỏ có thể tạo ra tác động lớn, và điều này mang lại cho tất cả chúng ta hy vọng về một tương lai bền vững hơn”.
Nguồn Khoahocvaphattrien (Tổng hợp từ iso.org, etech.iec.ch)