Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 16:49 GMT+7

Tiêu dùng bền vững

Thúc đẩy sản phẩm tự nhiên từ thay đổi nhận thức người tiêu dùng

11/10/2021

Những năm trở lại đây ngày càng nhiều người tiêu dùng tìm đến các sản phẩm chiết xuất từ tự nhiên, thân thiện môi trường. Đây được xem là động lực thúc đẩy tích cực cho sự phát triển các sản phẩm tự nhiên.

Sản phẩm thân thiện thúc đẩy sinh kế người lao động nghèo

Chị Ngô Thúy Hằng và các sản phẩm tẩy rửa tự nhiên hương hiệu MARIN. Ảnh: MARIN.

Cái tên MARIN không quá xa lạ với nhiều người, đặc biệt là thân nhân liệt sỹ khi đây là nơi đã giúp hàng ngàn gia đình nhận lại di hài người thân ngã xuống trong chiến tranh. Nhưng không phải ai cũng biết một mảng hoạt động khác của NARIM là cổ vũ tiêu dùng bền vững thông qua việc sản xuất các sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên.

Chị Ngô Thúy Hằng, người sáng lập MARIN cho biết chị bắt đầu sản xuất các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên khi nhận thấy cuộc sống đang bị bủa vây bởi quá nhiều hóa chất độc hại. Đồng thời đây cũng là nguồn hỗ trợ, tạo thêm thu nhập cho các nhóm yếu thế trong xã hội. 

Năm 2017, MARIN bắt đầu ra mắt sản phẩm hương sạch làm từ cây hương bài trồng ở các vùng núi miền Trung. Dự án đã giúp thêm sinh kế cho hàng chục lao động thu nhập thấp tại huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Năm 2020, MARIN tiếp tục mở rộng danh mục sản phẩm với nước rửa chén thảo dược. 

“Đặc điểm của sản phẩm là được làm hoàn toàn từ các nguyên liệu tự nhiên như chanh tươi, tinh chất trà xanh, bồ kết cùng hạt cà phê lên men tự nhiên, tinh chất lô hội, trầu không, muối biển. Do đó an toàn cho sức khỏe, không hại da tay, không gây kích ứng đồng thời không có hóa chất độc hại xả ra môi trường”, chị Ngô Thúy Hằng cho biết. 

Theo chị Hằng giai đoạn đầu mới sản xuất, sản lượng của MARIN không nhiều nên có lúc khách hàng phải đặt sẵn hoặc chờ đợi một vài hôm nhưng nói chung đều sẵn lòng, vì họ đánh giá cao tính thân thiện của sản phẩm.

Từ dầu dừa, dầu thải ra xà phòng

Một ví dụ khác, chị Nguyễn Thị Việt Hà (Hà Nội) đã bỏ xà phòng bán sẵn sang dùng xà phòng tự làm từ dầu dừa khoảng một năm nay. Chị Hà cho biết gia đình chị có con nhỏ nên rất lưu ý tới các sản phẩm tẩy rửa an toàn cho bé. Mặc dù đã tìm hiểu trước khi mua hàng nhưng đôi khi con gái chị vẫn bị dị ứng sau khi dùng một số sản phẩm tẩy rửa có hóa chất mạnh.

Một lần lên mạng, chị thấy các diễn đàn chia sẻ cách tự làm xà phòng từ dầu dừa khá dễ, chị đã thử làm theo. “Mùi dầu dừa rất dễ chịu, bé nhà tôi rất thích. Tắm hay rửa tay xong đều hít hà”, chị cho biết. Bây giờ cả nhà chị đều đã quen với việc dùng xà phòng tự làm, an toàn cho sức khỏe và môi trường.

Xà phòng làm từ dầu dừa của chị Hà và các bạn trong dự án. 

Theo chị Hà, cũng như nhà chị nhiều gia đình khác rất ưa thích các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên. “Nếu không có thời gian và điều kiện để làm, các mẹ có thể mua sản phẩm qua các diễn đàn, mạng xã hội hoặc các hệ thống bán lẻ uy tín. Nếu đã dùng quen các đồ tự nhiên rồi sẽ không muốn dùng sản phẩm có nhiều hóa chất tẩy rửa nữa”, chị Hà chia sẻ.

Ngoài sử dụng dầu dừa, chị Hà cũng sử dụng dầu ăn thừa để làm xà phòng với mong muốn hạn chế lượng mỡ thừa thải ra môi trường. Cách làm của chị cũng được chia sẻ và ủng hộ rất nhiều trên các hội nhóm. Chị và các bạn đang ấp ủ dự án tổ chức thu nhận và tái sử dụng mỡ thừa thành xà phòng định kỳ nếu được sự ủng hộ của cộng đồng.

Có thể thấy xu hướng chung của người tiêu dùng hiện nay là tìm kiếm, lựa chọn các sản phẩm thân thiện, tự nhiên. Đây là xu hướng diễn ra trên phạm vi toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Theo Statista, công ty thị trường và dữ liệu lớn nhất thế giới, thị trường đã có những bước phát triển mạnh trong những năm qua. Riêng thị trường sản phẩm chăm sóc cá nhân đã đạt gần 34,5 tỷ USD trong năm 2018 và ước tính đạt 54,5 tỷ USD vào năm 2027. 

Thanh Thanh