Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 08:09 GMT+7

Tin hoạt động

Doanh nghiệp sẽ có lợi thế cạnh tranh khi sử dụng năng lượng hiệu quả

03/10/2021

Đạt được hiệu quả năng lượng sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và tạo lợi thế cạnh tranh khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu trong bối cảnh các tiêu chí bền vững đang được đánh giá cao. Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thực sự nhận thức rõ về điều này. Các chuyên gia đã có trao đổi về lợi ích cho doanh nghiệp khi sử dụng năng lượng hiệu quả và thúc đẩy hành động.
Doanh nghiệp sẽ có nhiều lợi ích khi sử dụng năng lượng hiệu quả
Ông Nguyễn Đình Hiệp, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học và Công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam (VECEA).
Doanh nghiệp sẽ có nhiều lợi ích khi sử dụng năng lượng hiệu quả. Đầu tiên là hiệu quả kinh tế. Áp dụng các giải pháp sử dụng NLHQ giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm. Trong quá trình này, doanh nghiệp sẽ có cơ hội tiếp xúc và "nâng cấp" bằng các công nghệ hiện đại. Thông qua đó nâng cao trình độ công nghệ và kinh nghiệm quản lý.
Đây là những giá trị thiết thực, đặc biệt trong bối cảnh các doanh nghiệp Việt Nam đang có nhiều cơ hội tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Xu hướng chung của nền kinh tế là hướng tới sản xuất xanh, ít phát thải. Các thị trường lớn như châu Âu, châu Mỹ đang đặt ra các tiêu chuẩn rất cao về môi trường và bền vững. Do đó doanh nghiệp nhận được những chứng nhận bền vững, bao gồm sử dụng NLHQ, sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn.
Đối với các sơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm có mức sử dụng năng lượng lớn hơn 1000 TOE/năm, thì sử dụng NLHQ là nghĩa vụ tuân thủ pháp luật (Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2010).
Mặc dù lợi ích đem lại rất lớn, nhưng từ thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp vẫn chậm trong việc triển khai các giải pháp sử dụng NLHQ. Nguyên nhân một phần vì nguồn vốn hạn chế. Trong nhóm các giải pháp sử dụng NLHQ, có những giải pháp yêu cầu tập trung vốn như đầu tư đổi mới công nghệ.
Tuy nhiên nhiều giải pháp không cần đầu tư lớn vẫn tạo hiệu quả cao. Chẳng hạn như các giải pháp cải thiện hệ thống chiếu sáng phối hợp với nhiếu sáng tự nhiên, thiết kế nhà xưởng tận dụng tối đa khả năng lưu thông hàng hóa và không khí, tăng cường cách nhiệt, chống nóng… Ngoài ra cũng có các giải pháp về quản lý như áp dụng tiêu chuẩn quản lý được khuyến cáo phù hợp, tuyên truyền nâng cao ý thức TKNL cho cán bộ, công nhân viên, thực hiện kiểm toán năng lượng để xác định tiềm năng TKNL cũng giúp doanh nghiệp cải thiện rõ rệt hiệu quả sử dụng năng lượng.
Vì vậy ngoài lý do về vốn, nguyên nhân khiến khiến doanh nghiệp chần chừ trong việc triển khai các giải pháp sử dụng NLHQ là ý thức về vấn đề này chưa cao. Thêm vào đó, chi phí năng lượng trong một số lĩnh vực không chiếm vị trí trọng tâm trong tổng chi phí chung. Tất cả các yếu tố này gộp lại khiến nhiều doanh nghiệp không coi đầu tư cho sử dụng NLHQ là ưu tiên hành động.
Do đó, cần có nhiều biện pháp quản lý và công nghệ khác nhau để thúc đẩy sử dụng NLHQ tại doanh nghiệp. Trong đó tăng cường truyền thông, quảng bá hình ảnh các doanh nghiệp đã áp dụng thành công giải pháp sử dụng NLHQ là một trong những biện pháp quan trọng được lựa chọn. Các doanh nghiệp thành công tiêu biểu sẽ tạo hiệu ứng tích tích cực về mặt xã hội, tạo động lực để doanh nghiệp khác áp dụng các giải pháp TKNL.
Hiện nay, Văn phòng Ban chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng – Bộ Công Thương và Hội sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam (VECEA) đang tổ chức Giải thưởng Hiệu suất năng lượng trong công nghiệp năm 2021. Cuộc thi này đã được phát động trên phạm vi toàn quốc vào ngày 23/8/2021 và dự kiến trao Giải thưởng cho doanh nghiệp đạt giải vào cuối tháng 12/2021. Thông qua hoạt động của giải thưởng, doanh nghiệp tham gia sẽ được quảng bá rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng lưới truyền thông của Bộ Công Thương và của Hội.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã và đang tạo động lực về chính sách và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp thực hiện các hoạt động sử dụng NLHQ. Ngoài việc đưa ra các văn bản, hướng dẫn chi tiết, Bộ cũng triển khai một số chương trình phối hợp cùng các tổ chức quốc tế như World Bank, GIZ, UNIDO… nhằm hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho doanh nghiệp triển khai hoạt động TKNL. Rất nhiều doanh nghiệp đã được hỗ trợ kiểm toán năng lượng, vay vốn đầu tư chuyển đổi công nghệ và triển khai giải pháp sử dụng NLHQ. Đây có thể coi là nguồn hỗ trợ tích cực cho cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, chính doanh nghiệp cũng cần tự ý thức và chủ động lập kế hoạch và hành động. Như vậy mới có thể nắm bắt các chính sách, cơ hội chuyển đổi; đảm bảo tính bền vững của doanh nghiệp và đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước.
“Hiệu quả năng lượng trong công nghiệp ở Việt Nam như một người khổng lồ đang say ngủ”
Ông Markus Bissel, Trưởng hợp phần Hiệu quả năng lượng/Dự án 4E (Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ)
Nhìn chung, việc Chính phủ Việt Nam yêu cầu các doanh nghiệp tiêu thụ năng lượng trọng điểm xây dựng kế hoạch sử dụng NLTK&HQ rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, vấn đề cần cải thiện là chất lượng của các biện pháp sử dụng NLHQ do kiểm toán viên năng lượng và đội ngũ phụ trách vấn đề sử dụng năng lượng của doanh nghiệp đề xuất. Mặt khác, người ra quyết định của doanh nghiệp cũng cần nắm được các cơ hội khác, như khả năng tiết kiệm chi phí lớn.
Ngoài lợi ích kinh tế - xã hội, lợi ích sinh thái cũng đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Nhìn chung các khách hàng quốc tế đặt ra yêu cầu rất cao đối với các nhà cung cấp. Để đạt được điều này, doanh nghiệp cần một chiến lược bền vững, trong đó HQNL đóng một vai trò quan trọng. Ví dụ, ngày càng nhiều công ty yêu cầu nhà cung cấp của họ áp dụng hệ thống quản lý năng lượng ISO:50001, hoặc ở Châu Âu là DIN EN 16247.
Hiện nay, HQNL trong công nghiệp ở Việt Nam như một người khổng lồ đang say ngủ. Các doanh nghiệp ở Đức cũng đã mất một thời gian dài để nhận ra tiềm năng này. Cho đến thời điểm này, Đức đã hình thành thị trường các nhà cung cấp công nghệ và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp. Đồng thời cộng đồng doanh nghiệp đã và đang được nhận nhiều ưu đãi tài chính từ Chính phủ. Đây là kinh nghiệm cho thấy cần tạo động lực cho các doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần được nâng cao nhận thức và tự nâng cao nhận thức trong vấn đề sử dụng NLHQ.
GIZ đang tích cực phối hợp với các bên liên quan, gồm cơ quan chính phủ, kiểm toán viên năng lượng, nhà quản lý năng lượng, cơ sở và chủ doanh nghiệp để thúc đẩy nhận thức về sử dụng NLTK&HQ tại Việt Nam. Cùng với Bộ Công Thương và VECEA, chúng tôi xây dựng website cung cấp thông tin và nền tảng trao đổi về HQNL VEECOM. Chúng tôi cũng phối hợp tổ chức Giải thưởng Hiệu quả Năng lượng trong Công nghiệp lần thứ 2, nhằm vinh danh các doanh nghiệp áp dụng tốt các giải pháp HQNL. Đây là hoạt động nâng cao nhận thức được thị trường quốc tế áp dụng rộng rãi, đồng thời giúp truyền bá thông tin về các dự án sử dụng NLHQ đã thực hiện thành công. Các giải pháp sáng tạo và các ý tưởng thực tế có thể được các doanh nghiệp áp dụng, đóng góp vào các mục tiêu quốc gia về sử dụng NLTK&HQ. Các doanh nghiệp đã được trao giải thưởng có thêm cơ hội để tạo sự khác biệt so với các đối thủ cạnh tranh, và nâng cao uy tín của chính doanh nghiệp.
Giải thưởng hiệu quả năng lượng trong công nghiệp năm 2021 được phối hợp tổ chức giữa Vụ TKNL&PTBV (Bộ Công Thương) và VECEA; thuộc khuôn khổ Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030. Tổ chức hợp tác phát triển Đức GIZ tham gia hỗ trợ Giải thưởng.
Giải thưởng nhận hồ sơ tham dự từ nay đến hết 31/10 và Lễ trao giải và công bố dự kiến diễn ra vào cuối năm 2021. Xem thêm thông tin về Giải thưởng tại: https://tietkiemnangluong.com.vn/
Giang Nguyễn