Hội thảo với chủ đề: “Thị trường các-bon, trung hòa phát thải các-bon và vài trò đối với quá trình giảm phát thải khí nhà kính, góc nhìn từ Việt Nam và châu Á” do Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam và Hiệp hội Doanh nghiệp Anh Quốc Việt Nam (Britcham) tổ chức vào chiều ngày 28/9. Tham dự Hội thảo có Ngài Gareth Ward, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam, ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (BĐKH) – Bộ Tài nguyên và Môi trường, đại diện Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, đại diện Britcham Việt Nam và sự góp mặt của các doanh nghiệp.
Hội thảo mở màn cho chuỗi các hội thảo trực tuyến do Standard Chartered và Britcham phối hợp tổ chức, trong khuôn khổ thỏa thuận giữa hai bên nhằm thúc đẩy phát triển bền vững tại Việt Nam và ứng dụng các tiêu chí ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) trong doanh nghiệp.
Ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (BĐKH) cho biết Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề của BĐKH. Ngay từ rất sớm, Việt Nam đã quan tâm và có những hoạt động thích ứng với BĐKH và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, và sử dụng có hiệu quả, bền vững các nguồn tài.
Điều này được thể hiện trong “Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật của Việt Nam”; Chiến lược quốc gia biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 cũng đang được cập nhật với những mục tiêu về giảm phát thải khí nhà kính cao hơn cùng với các mục tiêu đạt phát thải đỉnh và hướng tới trung hòa các-bon....
Việt Nam cũng sớm nhận thấy vai trò của định giá các-bon và tham gia Chương trình Sẵn sàng tham gia thị trường các-bon (PMR) triển khai Dự án Chuẩn bị sẵn sàng cho xây dựng thị trường các-bon tại Việt Nam trong giai đoạn 2015-2020. Dự án đến nay đã đạt được nhiều kết quả. Sắp tới Việt Nam sẽ tham gia Chương trình đối tác thực hiện thị trường các-bon (PMI) giai đoạn đến năm 2030.
Vai trò của các doanh nghiệp có ý nghĩa quan trọng để đạt được mục tiêu trung hòa các-bon. Việt Nam đã có những hoạt động hỗ trợ hợp tác, chuyển giao, phổ biến các công nghệ phát thải các-bon thấp, như Cơ chế tín chỉ chung (JCM). Doanh nghiệp tại Việt Nam cũng đã tham gia một số cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ tự nguyện khác như Tiêu chuẩn vàng, Tiêu chuẩn các-bon được thẩm tra hay Tiêu chuẩn chứng chỉ năng lượng tái tạo.
Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng đề án phát triển thị trường các bon tại Việt Nam, sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong năm 2021. Tron giai đoạn này, hệ thống văn bản pháp lý và cơ sở hạ tầng cho thị trường các-bon sẽ được xây dựng. Doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ được hỗ trợ tăng cường năng lực, tiếp cận thông tin để sẵn sàng tham gia giao dịch thí điểm thị trường các-bon từ năm 2025.
Phát biểu tại Hội nghị, Ngài Gareth Ward, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam, chia sẻ góc nhìn về các sáng kiến của Hội nghị khí hậu COP26 và vai trò của các doanh nghiệp trong việc thúc đẩy một môi trường các-bon thấp, đóng góp vào nỗ lực chống biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Theo ông Gareth Ward, ngày càng nhiều doanh nghiệp và chính phủ đưa ra các công bố “net-zero”, các sáng kiến toàn cầu tập hợp các doanh nghiệp có ảnh hưởng nhất nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang 100% năng lượng tái tạo như RE100, EV100, Climate Action 100+, TCFD.... Đây là những tín hiệu tích cực cho tiến trình khử các-bon toàn cầu. Tuy nhiên, theo Ngài Đại sứ Vương quốc Anh, vẫn cần đẩy nhanh quy mô của các sáng kiến này để đạt mục tiêu không phát thải vào năm 2050.
Bà Michele Wee, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, chia sẻ tầm nhìn chung về việc chuyển dịch sang nền kinh tế không thát thải. Theo đó, Ngân hàng này đang tiếp thu ý kiến của các nhà đầu tư, khách hàng nhằm huy động và cung cấp nguồn vốn để hỗ trợ chuỗi cung ứng giảm phát thải các-bon.
Ông Denzel Eades, Thành viên Hội đồng quản trị Britcham, đánh giá cao sự đóng góp của các đại diện trong việc chia sẻ những nỗ lực và tầm nhìn chung để đạt tới mục tiêu trung hòa các-bon trong ba thập kỷ tới. Qua đó, Britcham và Standard Charterd mong muốn hợp tác chặt chẽ hơn nữa với các bên để thúc đẩy tiến trình trong thời gian tới.
Thanh Thanh