Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 06:23 GMT+7

Kinh tế tuần hoàn

Triển khai các hoạt động thí điểm của Dự án "Suy nghĩ lại về nhựa"

19/05/2021

Tháng 4 vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam và Cơ quan hợp tác kỹ thuật Pháp (EF), Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) tổ chức Hội thảo khởi động các hoạt động thí điểm của Dự án "Suy nghĩ lại về nhựa-giải pháp kinh tế tuần hoàn cho rác thải biển.

Dự án do Liên minh châu Âu và Chính phủ Đức đồng tài trợ, với mục đích hỗ trợ quá trình chuyển đổi hướng đến tiêu dùng và sản xuất nhựa một cách bền vững ở Đông Á và Đông Nam Á, nhằm góp phần làm giảm đáng kể rác thải biển và củng cố mối quan hệ hợp tác giữa Liên minh châu Âu (EU) và các nước trong khu vực.

Tại Hội thảo, đại diện các đơn vị chủ trì triển khai các hoạt động thí điểm đã giới thiệu nội dung chi tiết của các hoạt động này, tập trung vào mục tiêu giảm và tránh sử dụng chất thải nhựa, phân loại, thu gom và tái chế rác thải hiệu quả hơn.

​Ông Phạm Phú Bình, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế - Bộ TN&MT - phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, Ông Phạm Phú Bình, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ TN&MT) cho biết: Chính phủ Việt Nam nói chung và Bộ TN&MT nói riêng luôn quan tâm tìm kiếm các giải pháp cấp bách và trong dài hạn để giảm thiểu ô nhiễm nhựa, thúc đẩy phát triển nền kinh tế theo hướng kinh tế tuần hoàn. Dự án “Suy nghĩ lại về nhựa - Giải pháp kinh tế tuần hoàn cho các thải biển” có thể góp phần quan trọng hỗ trợ triển khai Kế hoạch hành động quốc gia, giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu đề ra. Kinh nghiệm và bài học rút ra từ việc triển khai Dự án và các hoạt động thí điểm sẽ là cơ sở để nhân rộng mô hình và kiến nghị các ý tưởng xây dựng chính sách.

Cụ thể, có 4 hoạt động thí điểm gồm: Dự án Tăng cường thu gom, phân loại và tái chế bao bì nhựa tại TP. Hồ Chí Minh. Dự án thí điểm sẽ hướng tới mục tiêu tăng cường thu gom, phân loại và tái chế bao bì nhựa trên địa bàn 2 quận, huyện.

Ông Rui Ludovino, Tham tán thứ nhất, phụ trách Hành động khí hậu, Môi trường, Việc làm và Chính sách xã hội, thuộc Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam nhấn mạnh: “Các hoạt động thí điểm này cũng đóng góp vào những nỗ lực chung hướng tới nền kinh tế tuần hoàn thông qua các hoạt động cụ thể và kinh nghiệm thực tiễn tại địa phương, với sự tham gia của cộng đồng, hộ gia đình, cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp địa phương. Chúng tôi hy vọng các hoạt động thí điểm có thể trở thành các mô hình kiểu mẫu và tạo nguồn cảm hứng cho các sáng kiến và xây dựng chính sách trong tương lai”.
Với kinh nghiệm triển khai thực tế, dự án thí điểm sẽ góp phần xây dựng hệ thống Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) đối với bao bì tại Việt Nam.

Cụ thể, tại Thành phố Hồ Chí Minh, dự án tăng cường thu gom, phân loạt và tái chế bao bì nhựa hướng tới mục tiêu tăng cường thu gom, phân loại và tái chế bao bì nhựa trên địa bàn 2 quận, huyện (quận 3 và huyện Nhà Bè) và dự án quản lý chất thải từ tàu tại các cảng biển Việt Nam - Tân Cảng Cát Lái.

Tại thủ đô Hà Nội, sáng kiến thành lập Liên minh siêu thị nhằm giảm thiểu tiêu thụ túi nylon sử dụng một lần tại các siêu thị và các nhà bán lẻ.

Tại Phú Yên, dự án thí điểm hỗ trợ cộng đồng ngư dân địa phương thành lập một đội tình nguyện thu gom rác thải trên biển và đưa chất thải thu gom được trong quá trình đánh bắt về bờ.
Dự án " Suy nghĩ lại về nhựa - Giải pháp kinh tế tuần hoàn cho rác thải biển" cung cấp hỗ trợ và tư vấn cho các cơ quan nhà nước đối tác, triển khai các hoạt động chung và hỗ trợ bốn hoạt động thí điểm tại Việt Nam để thử nghiệm các hướng tiếp cận mới hoặc nhân rộng các thực hành tốt nhất liên quan đến quản lý rác thải, sản xuất và tiêu thụ nhựa bền vững và giảm rác thải từ các hoạt động trên biển. Ngoài ra, dự án cũng đẩy mạnh trao đổi kiến thức, kinh nghiệm trong khuổn khổ các hội thảo, hội nghị trực tuyến, các khóa tập huấn và các chuyến khảo sát học tập tại nước ngoài.

Hà Trần t/h