Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ hai, 25/11/2024 | 05:06 GMT+7

Kinh tế tuần hoàn

Kinh tế tuần hoàn: Chìa khóa cho doanh nghiệp Việt hướng tới phát triển bền vững

13/04/2021

Phát triển bền vững bằng mô hình kinh tế tuần hoàn đang dần trở thành định hướng chủ đạo của nhiều doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong thời điểm nền kinh tế truyền thống không thể đáp ứng được những yêu cầu từ bối cảnh hiện tại.
Bước chuyển thiết yếu
Theo dữ liệu từ World Bank, Việt Nam là một trong 4 nước dẫn đầu về lượng rác thải nhựa ra đại dương hàng năm. Chỉ tính riêng tổn thất do ô nhiễm nguồn nước đã khiến Việt Nam tiêu hao 3,5% GDP, trong khi ô nhiễm không khí gây thiệt hại tới 5,18% GDP.

Mô hình kinh tế tuần hoàn hướng đến sự phát triển bền vững, chú trọng chất lượng môi trường
Trong khi đó, trước hiện trạng doanh nghiệp khai thác quá mức nguyên liệu từ môi trường cho hoạt động sản xuất kinh doanh, nguồn tài nguyên tự nhiên dần trở nên cạn kiệt và không kịp tái sinh so với tốc độ tàn phá.
Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp buộc phải thay đổi định hướng phát triển, chuyển sang những mô hình kinh doanh bền vững hơn. Trong đó, kinh tế tuần hoàn được nhiều chuyên gia nhận định là giải pháp hiệu quả mới cho các doanh nghiệp. Không chỉ tăng tính đổi mới, cải tiến quá trình sản xuất và thải bỏ, mô hình bền vững này còn mang lại lợi ích kinh tế trong dài hạn, tiết kiệm chi phí, giảm thiểu biến động giá cả và rủi ro từ các bên cung cấp.
Theo các chuyên gia nhận định, kinh tế tuần hoàn sẽ mang lại 4.500 tỷ USD lợi nhuận trên toàn cầu vào năm 2030, đồng thời tạo ra tác động trực tiếp tới hơn 10 trong tổng số 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.
Bước qua thách thức
Tuy nhiên, vẫn có nhiều doanh nghiệp còn e dè khi bắt đầu định hướng sang mô hình kinh tế tuần hoàn. Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, khái niệm về kinh tế tuần hoàn còn khá mới mẻ với các doanh nghiệp. Quy mô triển khai mô hình rải rác, chưa được bài bản. Bên cạnh đó, việc thiếu vốn, thiếu nguồn lực và kiến thức để xây dựng doanh nghiệp theo mô hình kinh tế mới cũng cản trở sự phát triển của kinh tế tuần hoàn.

Trong tháng 4/2021, Công ty Giấy Lee&Man Việt Nam đã xây dựng kế hoạch trồng 15.000 cây xanh trong khuôn viên nhà máy.
Tính đến tháng 3/2021, Việt Nam vẫn chưa có khung chương trình quốc gia về Kinh tế tuần hoàn, song các nội dung về mô hình này đã được thể hiện trong rất nhiều chiến lược, chính sách phát triển đất nước trong suốt giai đoạn trước đó. Trên thực tế, đã có một số doanh nghiệp áp dụng khá thành công mô hình này với các sáng kiến sản xuất xanh sạch trong hoạt động kinh doanh.
Đơn cử như Công ty giấy Lee & Man Việt Nam, để giải quyết bài toán môi trường, đơn vị đầu tư hơn 303 triệu USD cho dây chuyền sản xuất giấy bao bì cao cấp từ nguyên liệu giấy tái chế với công suất 420.000 tấn/năm. 95% nguyên liệu đầu vào là từ giấy phế liệu. Bên cạnh đó, trong quá trình sản xuất chất thải phát sinh cũng được tái sử dụng hoặc cung ứng cho các cho các ngành công nghiệp khác tái sử dụng hoặc xử lý theo quy định, qua đó góp phần giảm 74% lượng khí thải và 35% nước thải so với phương pháp sản xuất giấy từ bột giấy thô.
Ngoài ra, doanh nghiệp còn đẩy mạnh xây dựng cảnh quan, môi trường sinh thái bên trong và ngoài khuôn viên nhà máy, tạo không gian nhà máy thân thiện với môi trường, phủ xanh các diện tích đất trống trong khu vực nhà máy, tạo môi trường làm việc tốt nhất cho cán bộ, nhân viên. Tính đến cuối năm 2020, tổng diện tích cây xanh bao phủ nhà máy Lee & Man đã đạt 178.639 m2. Doanh nghiệp cũng trồng thêm 22.119 cây xanh mới trong năm ngoái, góp phần “xanh hóa” khuôn viên và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho toàn thể công nhân viên.
Bước chuyển mình từ mô hình kinh tế tuyến tính truyền thống sang kinh tế tuần hoàn không dễ dàng, đặc biệt khi xét đến bài toán lợi ích. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp trên thị trường đã nhận thức được tầm quan trọng và cần thiết của một mô hình kinh tế mới thân thiện hơn với tự nhiên. Từ những cá nhân và tổ chức tiên phong, rồi đây nỗ lực nhân rộng mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ ngày càng lan tỏa, giúp doanh nghiệp không chỉ tạo ra lợi nhuận mà còn góp phần bảo vệ, vun đắp môi trường, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Theo Báo Dân Việt