Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 03:34 GMT+7

Kinh tế tuần hoàn

Thúc đẩy hoạt động tái chế chất thải, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn

05/11/2020

Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận được trả lời phản ánh của báo chí về bất cập trong quản lý chất thải đang làm lãng phí tài nguyên rác và đề xuất tái chế là phương án xử lý rác thải hiệu quả nhất hiện nay để không chỉ giải quyết vấn đề ô nhiễm mà còn tạo ra giá trị kinh tế, hướng tới xây dựng nền kinh tế tuần hoàn.
Tái chế là phương án xử lý rác thải hiệu quả nhất hiện nay
Việc ưu đãi, thúc đẩy các hoạt động tái chế chất thải hiện đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, việc giảm thiểu, thu gom, tái sử dụng và tái chế chất thải là hoạt động bảo vệ môi trường được khuyến khích. Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải (bao gồm cả hoạt động tái chế) và sản phẩm từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải rắn thuộc danh mục hoạt động bảo vệ môi trường được ưu đãi, hỗ trợ. Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07 tháng 5 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 có nêu rõ quan điểm chất thải rắn phát sinh phải được quản lý theo hướng coi là tài nguyên, được phân loại, thu gom phù hợp với công nghệ xử lý được lựa chọn; khuyến khích xử lý chất thải thành nguyên liệu, nhiên liệu, các sản phẩm thân thiện môi trường, xử lý chất thải kết hợp với thu hồi năng lượng, tiết kiệm đất đai và phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của từng địa phương, vùng và đất nước.
Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang được Chính phủ giao chủ trì xây dựng dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi, trong đó một trong những chính sách ưu tiên là đẩy mạnh tái chế, tái sử dụng và giảm thiểu chất thải. Ngoài ra, dự thảo Luật cũng đưa ra các quy định để thúc đẩy hoạt động quản lý chất thải nói chung và hoạt động tái chế chất thải nói riêng, cụ thể như sau:
Quy định các dự án đầu tư thuộc ngành nghề thu gom, xử lý, tái chế hoặc tái sử dụng chất thải thuộc các hoạt động được ưu đãi, hỗ trợ;
Quy định giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt được tính dựa trên khối lượng chất thải; chất thải có khả năng tái chế không phải trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý để thúc đẩy phân loại chất thải tại nguồn, giảm lượng chất thải phát sinh và thúc đẩy thu hồi, tái chế chất thải;
Quy định Nhà nước ưu đãi về thuế, phí, vốn vay đối với các hoạt động xây dựng cơ sở tái chế, xử lý chất thải: Việc này sẽ giúp thúc đẩy các hoạt động xã hội hóa trong công tác quản lý chất thải hiện nay, đặc biệt là thu hút các nhà đầu tư tham gia công tác thu gom, xử lý chất thải với công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường;
Yêu cầu tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm, bao bì chứa sản phẩm thuộc danh mục do Chính phủ quy định phải thu gom, tái chế hoặc đóng góp kinh phí để hỗ trợ tái chế các sản phẩm, bao bì đó theo tỷ lệ tái chế bắt buộc: Quy định này một mặt sẽ thúc đẩy việc thu gom, tái chế các sản phẩm được đưa ra thị trường, mặt khác sẽ thúc đẩy các nhà sản xuất sử dụng các sản phẩm dễ tái chế, thân thiện với môi trường hơn;
Quy định chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có thể được sử dụng trực tiếp làm nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu cho hoạt động sản xuất khi đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng của nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu theo quy định của pháp luật về sản phẩm, hàng hóa;
Sau khi Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi được thông qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan để xây dựng, hoàn thiện các văn bản dưới luật để thúc đẩy việc tái sử dụng, tái chế chất thải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường và hướng tới nền kinh tế tuần hoàn.
Theo Tạp chí Công nghiệp tiêu dùng