Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 03:52 GMT+7

Kinh tế tuần hoàn

Hàn Quốc dẫn đầu về tái chế thực phẩm thừa

02/11/2020

Một bữa ăn truyền thống Hàn Quốc (banchan) thường có rất nhiều món ăn kèm như kim chi, củ cải muối... Những món đi kèm này thường bị bỏ phí rất nhiều sau mỗi bữa ăn gây ra lượng thực phẩm thừa khổng lồ mỗi năm tại xứ sở kim chi.
Theo thống kê, mỗi người dân Hàn Quốc bỏ thừa hơn 130 kg thực phẩm/năm, cao nhất thế giới. Thậm chí còn cao hơn cả ở những quốc gia thịnh vượng ở ở châu Âu và Bắc Mỹ, với khối lượng thực phẩm bỏ thừa là 95-115 kg/người/năm. 
Nhận thấy những nguy hại tiềm tàng của vấn đề này, từ đầu những năm 2000, Chính phủ Hàn Quốc đã áp dụng nhiều biện pháp triệt để nhằm hạn chế tối đa lượng thực phẩm bỏ thừa. 
Từ năm 2005, Hàn Quốc đã cấm việc đổ thực phẩm thừa ra bãi rác và từ năm 2013 thì cấm đổ nước thải ép từ thực phẩm thừa xuống đại dương.
Cũng trong năm 2013, chính phủ đã đưa ra quy định bắt buộc, theo đó trung bình một gia đình 4 người phải trả 6 USD/tháng để mua túi phân hủy sinh học đựng thực phẩm bỏ thừa.
Bên cạnh đó, chính phủ khuyến khích người dân sử dụng thực phẩm thừa đã qua tái chế làm phân bón hoặc làm thức ăn chăn nuôi.
Thùng rác công nghệ góp phần giảm thực phẩm bỏ thừa tại Hàn Quốc. Ảnh ST
Công nghệ cũng đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc quản lý rác thải là thực phẩm thừa. Ở một số quận của thủ đô Seoul, 6.000 thùng rác tự động được trang bị cân và bộ nhận dạng tần số vô tuyến. Những thùng rác này có thể cân lượng thực phẩm thải bỏ (đựng trong túi phân hủy sinh học) và tính phí cho người dân đổ rác thông qua một thẻ nhận dạng.
Nhà chức trách quận Songpa (Seoul) cho biết, trong vòng 6 năm những chiếc máy trả-tiền-để-tái-chế này đã giúp làm giảm 47.000 tấn thực phẩm thải bỏ ở nơi đây.
Kết quả, lượng thực phẩm bỏ thừa được tái chế đã tăng từ 2% vào năm 1995 lên đến 95% hiện nay. 
Về lâu dài, nhiều ý kiến cho rằng người dân Hàn Quốc cần thay đổi thói quen ăn uống nếu họ thực sự muốn giảm lượng thực phẩm thừa.
Bà Kim Mi-hwa, Chủ tịch Mạng lưới phong trào không chất thải Hàn Quốc, chia sẻ điều quan trọng là người dân phải thay đổi thói quen ăn uống, như chuyển sang văn hóa ẩm thực một đĩa như các quốc gia khác, hoặc ít nhất là giảm lượng banchan bày lên bàn ăn hằng ngày.
Trong khi đó FAO cho biết mỗi năm, toàn thế giới thải bỏ hơn 1,3 tỷ tấn thực phẩm trong khi chỉ cần chưa đến 1/4 lượng thực phẩm bị thải bỏ ở châu Âu và Mỹ đã đủ nuôi sống 1 tỷ người đang thiếu lương thực trên khắp hành tinh.
Hạnh Phúc